Giới chuyên môn nhận định nhiều phim Trung Quốc chất lượng dưới trung bình nhưng gây chú ý nhờ chi bộn tiền quảng bá.
Trong bài phân tích hôm 4/5, cây viết Trang Tự Tu nhận định “cuồng hot search” là căn bệnh của nhiều công ty sản xuất, phát hành phim những năm gần đây. Khi một tác phẩm ra mắt, muôn kiểu “từ khóa được tìm kiếm nổi bật” xuất hiện trên Weibo – mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc, đặc biệt là phim của các sao lưu lượng (diễn viên có lượng fan đông, chỉ số truyền thông cao).
Các “từ khóa tìm kiếm hot” ngày càng mang tính thời sự, xã hội, chẳng hạn: “Vương Nhất Đinh mất khả năng sinh sản”, “Cố Hân vào tù”, “Lữ Tiểu Thiên hy sinh”, “Chồng Phùng Hiểu Cầm đột ngột qua đời“… Theo Sohu, nhiều khán giả cho biết cảm thấy bị lừa vì khi bấm vào các từ khóa này, họ mới biết đó không phải câu chuyện đời sống, thời sự mà là tình tiết của một phim nào đó.
Giới chuyên môn nhận định tỷ lệ nghịch với độ hot, chất lượng những phim “được tìm kiếm nhiều, được xem nhiều” chỉ ở mức trung bình hoặc dưới trung bình.
Năm 2021, các phim Nữ bác sĩ tâm lý, Hộc Châu phu nhân, Đấu la đại lục, Phong khởi Lạc Dương... lần lượt có 65, 60, 56, 47 lần vào top tìm kiếm trên Weibo. Tuy nhiên, những tác phẩm này chỉ nhận khoảng 5 điểm hoặc dưới 5 điểm trên diễn đàn Douban (trung bình và dưới trung bình), đồng thời không được giới chuyên môn đánh giá tích cực.
Xem thêm: Hộc Châu Phu Nhân – Tóm tắt nội dung và 6 nhân vật chính
Lạc Lạc – chuyên gia lĩnh vực PR – nói: “Khi một phim được vài chục lần vào top tìm kiếm nổi bật, thường có hai trường hợp: một là thực sự hot, thành hiện tượng được xã hội quan tâm, nhưng trường hợp này cực kỳ ít. Trường hợp thường thấy là phía công ty sản xuất, phát hành mua gói quảng cáo cho phim của những ngôi sao đình đám”. Theo chuyên gia này, trong thời gian tác phẩm phát sóng, thi thoảng êkíp PR sẽ tung ra một đề tài nào đó cho fan bình luận. Dù đề tài nhảm nhí, vớ vẩn cỡ nào cũng có thể thành từ khóa “tìm kiếm nổi bật”.
Chuyên gia khác, Hiểu Hiểu, chung nhận định. Hiểu Hiểu nói việc một tác phẩm “thường vào danh sách tìm kiếm nổi bật trên Weibo” là biện pháp quảng cáo từ công ty sản xuất, nền tảng phát sóng hoặc chính diễn viên, nhằm lôi kéo khán giả xem phim. Bảng xếp hạng từ khóa nổi bật Weibo là kênh tiếp cận thông tin được người trẻ yêu thích, vì vậy các nghệ sĩ, công ty sản xuất chú trọng quảng cáo ở vị trí này.
Để phim được chú ý, các công ty sản xuất, nền tảng phát sóng chi bộn tiền. Nhà sản xuất Tạ Hiểu Hổ tiết lộ khoảng năm 2010, một phim truyền hình có vốn đầu tư 30 triệu nhân dân tệ, phí quảng bá từ 50.000 – 100.000 nhân dân tệ (347 triệu đồng). Đến nay, chi phí vượt 10 triệu nhân dân tệ (34,7 tỷ đồng).
Tạ Hiểu Hổ cho biết phim Thanh Vân Chí (2016) mà Triệu Lệ Dĩnh – Lý Dịch Phong đóng chính có phí quảng bá là 46 triệu nhân dân tệ (160 tỷ đồng). Ông nhận định có nhiều phim chất lượng kém nhưng “có vẻ cực kỳ hot”. “Song thực ra, câu chuyện phía sau là các bên chi bao nhiêu tiền. Chịu chi cho ‘hot search’, muốn không nổi rầm rộ cũng khó”.
Nhà sản xuất Trần Tuấn tiết lộ trước đây, mô típ giới thiệu phim truyền hình khá đơn giản: đoàn phim mời truyền thông tới trường quay phỏng vấn, quay video hậu trường, tổ chức họp báo khi phim phát sóng, phỏng vấn diễn viên. Ông cho rằng bấy giờ phim không được PR mạnh nhưng nội dung quảng bá tích cực, chủ yếu liên quan phim ảnh.
Theo nhà sản xuất, thời kỳ phim chiếu trực tuyến lên ngôi, vì số liệu, các phương pháp quảng cáo ngày càng đi quá giới hạn, chẳng hạn nghệ sĩ tung tin đồn tình ái nhằm thu hút quan tâm của dư luận. “Hiện nay, các đoàn phim vẫn tổ chức họp báo nhưng chẳng mấy êkíp nói chuyện chính (chuyện làm phim). Họ tìm cách tạo đề tài để mua hot search. Nhiều êkíp không mấy bận tâm phim có ý nghĩa gì mà chỉ hỏi hôm nay phim vào danh sách tìm kiếm nổi bật chưa”, Trần Tuấn nêu quan điểm.
Giới chuyên môn nhận định với phương thức PR “bất chấp” như nhiều êkíp sản xuất hiện tại, nạn nhân cuối cùng là ngành phim Trung Quốc.
Xem thêm: Phim Tru Tiên gây tranh cãi giữa ‘fan truyện’ và fan điện ảnh’
Theo Sohu