3 ngày sau khi cụm từ ‘tạm khóa báo có’ gây bão dư luận với nghi án là nơi có thể ‘giấu quỹ đen’, tối nay (22-9) Vietcombank đã lên tiếng.
Vietcombank cho biết, điều 16, thông tư 23 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước quy định:
“Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện tạm khóa tài khoản thanh toán của khách hàng (tạm dừng giao dịch) một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản thanh toán khi có văn bản yêu cầu của chủ tài khoản (hoặc người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản) hoặc theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa chủ tài khoản với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán”.
Do đó, “tạm khóa báo có tài khoản” được hiểu là việc ngân hàng tạm dừng giao dịch ghi có vào tài khoản của khách hàng.
“Như vậy, với các trường hợp tạm dừng giao dịch ghi có vào tài khoản của khách hàng, tài khoản sẽ không ghi có bất cứ giao dịch nào kể từ thời điểm ngân hàng thực hiện khóa chiều ghi có theo yêu cầu của khách hàng”, Vietcombank khẳng định.
Với Vietcombank sẽ xử lý theo nguyên tắc: Đối với các giao dịch chuyển tiền trong hệ thống VCB và chuyển tiền nhanh 24/7 ngoài hệ thống qua Napas, hệ thống hiển thị thông báo cho khách hàng và chặn thực hiện giao dịch.
Thời gian xử lý giao dịch tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (giao dịch qua IBPS) và theo quy định của SWIFT/công ty chuyển tiền nước ngoài. Thông thường sau 2-3 ngày (không tính ngày nghỉ, lễ), nếu tài khoản người nhận không mở lại và có yêu cầu của người chuyển tiếp tục ghi có thì tiền sẽ được trả về cho người gửi.
“Như vậy, không có chuyện khi chủ tài khoản khóa báo có thì tiền sẽ treo lơ lửng trong không gian, đến khi nào chủ tài khoản mở khóa báo có thì tiền sẽ “rơi tự do” vào tài khoản trở lại, dẫn đến nghi án đây có thể là nơi bí mật để giấu quỹ đen”, đại diện Vietcombank cho biết.
Với một tài khoản tạm khóa báo có nhưng sau đó một vài ngày lại mở ra, sau đó lại tạm khóa báo có, ngân hàng xử lý thế nào với tiền chuyển đến?
Vietcombank cho biết, việc xử lý các giao dịch mang tính chất thời điểm. Chẳng hạn tại thời điểm tài khoản đang khóa, các khoản tiền chuyển đến ngân hàng sẽ chuyển trả lại người gửi.
Trường hợp khoản tiền đang trên đường chuyển đến và khách hàng mở khóa báo có, khoản tiền sẽ được ghi có vào tài khoản khách hàng. Những khoản tiền này sẽ được thể hiện trên sao kê, nếu khách hàng yêu cầu ngân hàng sao kê tài khoản trong khoảng thời gian đó.
Vậy trong trường hợp khách hàng ở nước ngoài chuyển tiền về tài khoản nhận trong nước mà tài khoản này đang tạm khóa báo có, việc này xử lý như thế nào?
Vietcombank cho biết, cách xử lý tương tự, đó là số tiền chuyển đến này sẽ không được ghi có vào tài khoản, và được hoàn trả cho người chuyển tiền.
Nếu tài khoản thanh toán ngân hàng tạm thời khóa/khóa vĩnh viễn, mà không khóa thẻ ATM, khách có thể dùng thẻ ATM giao dịch hay không?
Vietcombank cho biết nếu tài khoản được khóa toàn bộ cả 2 chiều ghi nợ và ghi có, sẽ không có giao dịch ghi nợ hoặc ghi có nào được thực hiện trên tài khoản, kể cả giao dịch bằng thẻ ATM.
Trước đó trong cuộc trò chuyện tối ngày 19-9, bà chủ Đại Nam Nguyễn Phương Hằng đã có những chia sẻ liên quan đến văn bản mà Ngân hàng Vietcombank gửi tới ca sĩ Thủy Tiên trong lần sao kê hơn 177 tỉ tiền từ thiện vừa qua. Đáng chú ý trong văn bản này, nữ đại gia nhấn mạnh đến thuật ngữ “tạm khóa báo có” và có nhiều chia sẻ xung quanh vấn đề này.
Với từ khóa “tạm khóa báo có” này, bà chủ Đại Nam tạm giải thích đây là một cách “treo” tài khoản. Bà cho rằng tài khoản bị treo này vẫn nhận được tiền sau khi mở trở lại bình thường, và trường hợp người khác chuyển vào tài khoản đang tạm khóa báo có thì vẫn chuyển được như bình thường.
Nguồn: https://molistar.com/doi-song/vietcombank-khong-co-chuyen-tien-treo-lo-lung-khi-tai-khoan-tam-khoa-bao-co