Connect with us

Hi, what are you looking for?

Bật Mí Showbiz 24H

Vì sao hàng chục nghìn nhân viên Hollywood muốn đình công?


MỹNhân viên hậu trường Hollywood làm hơn 14 tiếng mỗi ngày, nhận mức lương tối thiểu, phải bán máu trang trải cuộc sống.

Liên minh Quốc tế về Nhân viên sân khấu (IATSE), đại diện hàng trăm nghìn người làm việc trong ngành phim tại Hollywood, mới đây thông báo có thể tiến hành một cuộc đình công đòi quyền lợi. Trước đó, họ tổ chức thăm dò ý kiến và nhận được hơn 52.000 thành viên đồng thuận. Tổ chức gửi thư tới các hãng phim hôm 4/10 yêu cầu đàm phán, nếu không muốn phải dừng toàn bộ công việc sản xuất. Nhiều nghệ sĩ, chính trị gia như Seth Rogen, Jane Fonda, Sen. Elizabeth Warren, Ben Stiller ủng hộ cuộc bãi công.

Donna Young - một trong 52.000 thành viên của IATSE - ký vào đơn đồng ý bãi công nếu các hãng phim không có đãi ngộ tốt hơn với nhân viên hậu trường. Ảnh: Los Angeles Times

Donna Young – một trong 52.000 thành viên của IATSE – ký vào đơn đồng ý bãi công nếu các hãng phim không có đãi ngộ tốt hơn với nhân viên hậu trường. Ảnh: Los Angeles Times

Nhiều thành viên phản ánh họ phải làm việc quá sức trong một môi trường không đảm bảo an toàn và lương, không đủ sống. Từ tháng 1 đến tháng 7, IATSE nhận hơn 50 đơn từ các nhân viên nói phải làm việc hơn 14 tiếng mỗi ngày. Scarnati – một thành viên trong ê-kíp The Hunger Games – nói gần đây phải làm 21 ngày công liên tiếp. Trong đó, ngày ngắn nhất kéo dài 12 tiếng và dài nhất là 19 tiếng. Nhiều người không đủ thời gian để dành cho gia đình, giải quyết các vấn đề cá nhân và hồi phục sức khỏe. Một số bất bình rằng các nhà sản xuất bắt làm việc trong giờ ăn. Họ phải vừa ăn vừa làm để đảm bảo tiến độ.

Dù quá tải, nhiều người than phiền mức lương họ nhận được hiện quá thấp. Bang California – nơi tập trung đa phần dự án của Hollywood – quy định mức lương tối thiểu mỗi giờ khoảng 14 USD. Marisa Shipley – phó chủ tịch IATSE ở bang này – nói với Guardian phần lớn chỉ nhận lương tối thiểu. Một số phải đi bán máu để kiếm sống.

Advertisement. Scroll to continue reading.

Phong trào phim trực tuyến nở rộ tại Hollywood cũng ảnh hưởng lớn tới thu nhập của các nhân viên hậu trường. Theo một thỏa thuận năm 2009, các nền tảng phim online ít hơn 20 triệu người đăng ký có quyền trả lương nhân viên thấp hơn so với các dự án chiếu rạp, truyền hình.

IATSE đại diện hơn 150.000 nhân viên hậu trường trong ngành phim, truyền hình ở Mỹ và Canada. Ảnh: KCRW

IATSE đại diện hơn 150.000 nhân viên hậu trường trong ngành phim, truyền hình ở Mỹ và Canada. Ảnh: KCRW

Tổ chức IATSE muốn các hãng phim cam kết nhân viên hậu trường được nghỉ ít nhất 10 tiếng giữa các ca làm việc, 54 tiếng mỗi dịp cuối tuần, đồng thời dừng hiện trạng “Fraturdays” – những cảnh quay của cuối ngày thứ sáu nhưng vắt sang sáng thứ bảy, khiến nhân viên bị rút ngắn thời gian nghỉ cuối tuần). Họ cũng đề xuất xây dựng mức phạt nếu tình trạng phải làm việc trong giờ ăn tái diễn. Cụ thể, nhà sản xuất phải trả 8,5 USD nếu vi phạm 30 phút đầu của giờ ăn, 11 USD cho 30 phút tiếp theo và 13,5 USD cho mỗi 30 phút sau đó.

Matthew Loeb – chủ tịch IATSE – khẳng định quyết tâm tìm kiếm những thay đổi rõ rệt: “Các thành viên của chúng tôi cần được đáp ứng những nhu cầu căn bản của con người như thời gian ăn uống, ngủ nghỉ đầy đủ, không phải làm việc cuối tuần. Với những người nhận mức lương đáy của xã hội, họ xứng đáng nhận thu nhập đủ sống”.

Đại diện các nhà sản xuất cho biết sẵn sàng thỏa hiệp nhưng hai bên hiện chưa tìm được tiếng nói chung. Alliance of Motion Picture and Television Producers (AMPTP) – tổ chức đại diện các nhà sản xuất phim ở Hollywood – đồng ý tăng thời gian nghỉ nhưng muốn giữ nguyên hình thức phát sinh ca làm việc sáng thứ 7 nếu cần thiết. Đối với các dự án truyền hình, họ đề nghị chỉ tăng các kỳ nghỉ khi ê-kíp quay mùa đầu tiên. Ở các mùa tiếp theo, nhân viên phải làm việc theo lịch trình cũ để đảm bảo tiến độ.

Advertisement. Scroll to continue reading.

Họ cũng phản đối việc xây dựng khung phạt khi để nhân viên làm việc lấn vào giờ ăn. Phía các nhà sản xuất cho rằng điều này có thể khiến nhiều người cố tình bỏ bữa nhằm kiếm thêm thu nhập.

Phía AMPTP đồng ý tăng 18% lương cho nhân viên các dự án phim chiếu mạng, tăng 10% đến 19% lương cho những người nhận thu nhập thấp nhất trong ngành. Tuy nhiên, đại diện IATSE cho rằng thay đổi đó không đáng kể. Thu nhập từ các dự án phim online vẫn sẽ thấp hơn các dự án thông thường. Đồng thời, lương của những nhân viên có thu nhập rất thấp chỉ tăng thêm vài USD mỗi ngày.

Nhân viên kỹ thuật làm việc trên phim trường ở Mỹ. Ảnh: Amazon Studio

Nhân viên kỹ thuật làm việc trên phim trường ở Mỹ. Ảnh: Amazon Studio

Đại diện AMPTP nói: “Chúng tôi trân trọng những thành viên của IATSE và sẽ cố gắng hợp tác, tránh sự ngưng trệ trong khâu sản xuất khi cả ngành đang hồi phục sau dịch bệnh. Để tìm được tiếng nói chung, hai phía cần tin tưởng lẫn nhau và sẵn sàng thỏa hiệp để tìm giải pháp mới hợp lý”.

Hai tổ chức IATSE và AMPTP sẽ sớm ngồi lại vào bàn đàm phán, dự kiến kéo dài trong khoảng ba tuần. Nếu không đạt được thỏa thuận, các nhân viên hậu trường sẽ đình công. Các dự án điện ảnh, truyền hình (gồm cả talk show và chương trình thực tế) buộc phải ngừng sản xuất. IATSE hiện gồm 150.000 thành viên tại Mỹ và Canada. Cuộc bãi công gần nhất tại Hollywood là năm 1945, khi 12.000 người đồng loạt không đi làm để phản đối việc nhiều hãng phim có liên hệ với giới tội phạm.

Advertisement. Scroll to continue reading.

Phương Mai (theo Fortune)



Nguồn: https://vnexpress.net/vi-sao-hang-chuc-nghin-nhan-vien-hollywood-muon-dinh-cong-4368091.html
Click to comment

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Copyright © 2022 BATMISHOWBIZ