Chật vật trong việc ghi bàn có lẽ là vấn đề lớn nhất của U23 Việt Nam trên hành trình có mặt tại chung kết SEA Games 31 với Thái Lan tại Mỹ Đình tối nay (22/5).
Trong bóng đá, một đội có thể chủ động lựa chọn khu vực phòng ngự của mình ở khu vực 1/3 sân đối phương, 1/3 giữa sân hoặc 1/3 sân nhà. Ngược lại, khu vực tấn công của một đội lại hoàn toàn phụ thuộc vào đối phương. Liệu đối phương có gây áp lực tầm cao hoặc phòng ngự từ khu vực giữa sân, hoặc lùi sâu về phần sân nhà?
Thử thách mới trong khâu tấn công
Xuyên suốt 5 trận đã qua của HLV Park Hang-seo và các học trò, không nhiều thời điểm các đối thủ của U23 Việt Nam quyết định đẩy cao đội hình qua vạch giữa sân nhằm mục đích đoạt lại bóng.
Thậm chí, một tập thể được đánh giá cao như U23 Malaysia cũng lựa chọn phương án thu đội hình về khu vực 1/3 sân nhà với sơ đồ 5-4-1, hệ thống phòng ngự đề cao khả năng kiểm soát khu vực 16,5 m với sự hiện diện của 3 trung vệ.
Lựa chọn tiếp cận trận đấu của các đối thủ cho đến thời điểm này của giải gần như triệt tiêu một vũ khí tấn công lợi hại của các ĐTQG Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo: Các tình huống phản công từ sân nhà. Không chỉ dừng lại ở đó, thế trận ấy tạo nên một thử thách mới cho U23 Việt Nam khi khoảng trống sau lưng hệ thống phòng ngự đối phương là rất hạn chế.
Đội chủ nhà phải đối mặt với những hàng thủ lùi sâu, được tổ chức tốt. Không bất ngờ khi chúng ta gặp khó khăn trong việc tạo ra một tần suất đủ lớn những cơ hội ăn bàn qua các trận đấu.
Với những tính toán trước khi SEA Games diễn ra, HLV Park Hang-seo quyết định triệu tập một bản danh sách gần như không có bất cứ một tiền vệ tấn công biên nào. Điều đó dẫn tới việc xuyên suốt hành trình 5 trận đấu vừa qua, U23 Việt Nam chỉ chơi với duy nhất một hệ thống chiến thuật khi tấn công là 3-5-2. Những sự điều chỉnh đến chủ yếu từ từng cá nhân ở mỗi vị trí, chứ không phải về mặt cấu trúc đội hình.
Một trong những vị trí được chiến lược gia người Hàn Quốc điều chỉnh nhiều nhất cho đến thời điểm hiện tại là các cầu thủ chạy cánh (wing-back).
Trong hệ thống chiến thuật 3-5-2 của U23 Việt Nam, Văn Đô, Văn Xuân hay Tuấn Tài đảm nhiệm gần như toàn bộ khu vực hành lang cánh khi bóng tiến sang phần sân đối phương.
Trong bối cảnh lựa chọn lối chơi của đối phương lẫn cách tổ chức tấn công của chính chúng ta, không phải ngẫu nhiên khi hai wing-back là những vị trí mang đến nhiều tranh cãi nhất tại U23 Việt Nam thời điểm hiện tại.
Những ý tưởng tấn công
7bàn được ghi sau 5 trận không phải một con số ấn tượng với U23 Việt Nam. Ngoại trừ 2 bàn được ghi từ tình huống cố định, 80% số pha lập công của đội chủ nhà có dấu ấn từ các cầu thủ chơi ở hành lang cánh (wing-back). Khi những Lê Văn Đô và Lê Văn Xuân có được sự thanh thoát và hợp lý trong các phương án xử lý bóng ở 1/3 cuối sân, U23 Việt Nam có thể tạo ra những cơ hội rõ ràng. Tuy nhiên, họ chưa thể duy trì sự ổn định trong chất lượng các đường chuyền của mình.
Khi các đối thủ chủ động lùi sâu và tổ chức một hệ thống phòng ngự chủ động ở khu vực 1/3 sân nhà, khoảng trống tại khu trung tuyến đương nhiên bị hạn chế.
Như đã nói ở giải đấu lần này, HLV Park Hang-seo chưa một lần thay đổi hệ thống chiến thuật cho U23 Việt Nam ở bất kỳ thời điểm nào.
Đó là điều trái ngược với hành trình của ĐTQG Việt Nam tại vòng loại thứ ba World Cup khu vực châu Á khi hai hệ thống chiến thuật 3-4-3 và 3-5-2 được luân phiên sử dụng. Đó cũng là lý do tại sao HLV Park Hang-seo liên tục thực hiện những thay đổi hoặc hoán đổi vị trí của các wing-back để khiến khả năng tạo cơ hội của U23 Việt Nam tại SEA Games lần này trở nên đa dạng hơn.
Công bằng mà nói, cặp wing-back Văn Đô và Văn Xuân đã có những tình huống xử lý và ra quyết định cuối cùng không hề tồi. Họ góp dấu giày trực tiếp vào 4 trong 7 bàn của U23 Việt Nam đến thời điểm hiện tại.
Cả hai đều có khả năng chơi ở cả hai biên với kỹ thuật cá nhân không hề tồi. Ngay trong trận đấu gặp U23 Malaysia, Văn Đô lẫn Văn Xuân đều đã tạo ra những cơ hội rõ rệt cho đồng đội.
Vấn đề của cả hai là họ đang gánh vác một nhiệm vụ tương đối lớn, điều ảnh hưởng đến tính ổn định trong xuyên suốt khoảng thời gian dài của trận đấu hoặc trong chuỗi các trận đấu.
Với cùng một cách vận hành ấy, câu hỏi đặt ra là U23 Việt Nam có thể cải thiện thế nào trong phương án tiếp cận khu vực 16,5 m của mình?
Đầu tiên, có thể thấy U23 Việt Nam không thường xuyên tạo ra các tình huống đưa bóng sát đường biên ngang của đối phương. Vị trí thực hiện các quả tạt hoặc các tình huống căng ngang thường diễn ra ở khu vực đầu vòng 16,5 m, khiến sự đa dạng và khó lường trong các phương án tấn công chưa rõ nét.
Bàn duy nhất mà Hùng Dũng ghi được trước U23 Myanmar ở vòng bảng là một tình huống hiếm hoi mà các tiền vệ trung tâm của U23 Việt Nam có được thời cơ thuận lợi ở tuyến hai để dứt điểm.
Một mình Văn Đô hoặc Văn Xuân chắc hẳn không thể khai thác được khoảng trống chiều sâu theo cách ấy.
Hai tiền vệ tấn công trong hệ thống 3-5-2 cần tạo ra những sự hỗ trợ tốt hơn cho cặp wing-back với những tình huống di chuyển trực diện vào hàng ngang phòng ngự đối phương để giúp lựa chọn chuyền bóng của đồng đội ở hành lang cánh đa dạng hơn.
Kéo theo đó, cự ly đội hình cũng cần được duy trì một cách đồng bộ từ các trung vệ. Lợi thế của sơ đồ ba trung vệ là việc các trung vệ lệch có quyền dâng cao khỏi vị trí của mình để hỗ trợ tình huống triển khai bóng.
Một khi trung vệ lệch tự tin dâng cao duy trì cự ly đội hình, tiền vệ tấn công cũng tự tin hơn trong việc di chuyển theo chiều sâu để tạo ra sự hỗ trợ. Từ đó, hàng ngang phòng ngự đối phương buộc phải di chuyển ra khỏi khu vực chính diện khung thành để bọc lót, giúp các tiền đạo thoải mái hơn về mặt khoảng trống trong vòng 16,5 m.
Với lợi thế 2 trung phong có chiều cao tốt và khả năng chọn vị trí nhạy bén trong vùng cấm, U23 Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra những thời cơ nguy hiểm hơn nếu các học trò của HLV Park Hang-seo mạnh dạn đẩy cao đội hình, tạo sự hỗ trợ liên tục ở hai cánh.
Cần phải khẳng định, lựa chọn chiến thuật của HLV Park Hang-seo là không sai với những con người hiện có trong tay. Khả năng khiến hàng thủ đối phương rơi vào trạng thái phòng ngự bị động liên tục mới là điều U23 Việt Nam chưa thực sự làm tốt.
U23 Thái Lan – một câu chuyện khác
Như đã nói, một đội bóng có thể lựa chọn khu vực phòng ngự nhưng không thể lựa chọn khu vực triển khai bóng. U23 Thái Lan có thể sẽ mang đến cho U23 Việt Nam một thế trận hoàn toàn khác so với 5 trận trước đó.
Có thể thấy rõ, khu vực phòng ngự của U23 Thái Lan ở những trận đấu trước là khác so với các đối thủ mà U23 Việt Nam từng đối đầu. Đội bóng của HLV Mano Polking có xu hướng phòng ngự từ khu vực 1/3 giữa sân và gây áp lực mạnh ngay khu vực này. Nói cách khác, người Thái muốn đoạt lại bóng, kiểm soát bóng và chiếm quyền chủ động trong các trận đấu của họ.
Chất lượng cầu thủ trong tay rõ ràng khiến ông Polking có niềm tin về triết lý bóng đá của mình. Thái Lan chấp nhận rủi ro khi đẩy cao hàng ngang phòng ngự ở vùng cách 30 tới 40m trước khung thành đội nhà.
Những khoảng trống ấy mà sơ đồ ấy tạo ra có thể là thứ giá trị với U23 Việt Nam, những người đã luôn bị đặt vào thế chỉ có thể tấn công khoảng trống rất hẹp trước khung thành đối thủ.
U23 Indonesia đã ít nhiều có những thời cơ từ các tình huống chuyển đổi trạng thái trong trận bán kết cân bằng trước Thái Lan. Và có thể, những gì diễn ra tại Thiên Trường sẽ khiến trận chung kết tại Mỹ Đình diễn ra theo một thế trận hoàn toàn khác so với những gì U23 Việt Nam đã phải đối mặt ở 5 trận đấu đã qua.
Quyết đoán và mạnh dạn hơn trong các cơ hội triển khai bóng, duy trì sự tập trung vốn có của hệ thống phòng ngự chưa phải nhận bất cứ một bàn thua nào và phát huy sở trường ở các tình huống phản công, U23 Việt Nam chắc hẳn không ngán ngại U23 Thái Lan trong trận đấu tranh huy chương vàng SEA Games 31 này.
Nguồn: https://molistar.com/the-thao/van-de-hang-cong-u23-viet-nam