Tổng thống George W. Bush mím môi khi nghe tin hai máy bay đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 11/9/2001, trong phim tài liệu “Turning Point”.
* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Đó là buổi sáng thứ ba, trời trong xanh, không một gợn mây – theo trí nhớ của Désirée Bouchat, nhân viên Trung tâm Thương mại Thế giới. Người New York bước vào xe điện ngầm như mọi ngày. Khách tham quan tụ tập dưới chân Tháp Đôi – nơi được mô tả như thành phố thu nhỏ, rộng 65.000 nghìn mét vuông, chứa gần 80.000 người. Một nhân viên vừa đến văn phòng, cảm thấy may mắn vì được ngắm cảnh sông từ view tầng 82.
Cùng lúc đó, chuyến bay cất cánh lúc 8h13 phút từ Boston, Đông Bắc nước Mỹ hướng tới California. Không lâu sau, nhân viên kiểm soát không lưu bắt đầu nhận những tín hiệu xấu: hành khách bị đâm, khoang lái bị cướp, máy bay bị điều khiển chệch khỏi lộ trình, theo hướng sông Hudson tiến về New York. 8h46 phút, khi tất cả đang tập trung làm việc, một tiếng nổ khủng khiếp xé toang không khí. Bầu trời chuyển màu nâu, tòa nhà rung mạnh khiến nhiều người không đứng vững. Bên ngoài, dân Manhattan đổ ra đường nhìn về phía Tháp Bắc đang bốc cháy. Không lâu sau đó, một chiếc máy bay khác đâm vào Tháp Nam, cả nước Mỹ rung chuyển.
Loạt phim tài liệu ra đời đúng 20 năm sau khi xảy ra sự kiện, gồm năm tập, do Brian Knappenberger đạo diễn và sản xuất. Mỗi tập dài trung bình một tiếng, đều có đoạn mở đầu (intro) thuật lại diễn biến sự việc ở Tháp Đôi hoặc lướt qua chính sách của George W. Bush. Khi vào nội dung chính, phim tập trung giải thích lý do Mỹ bị tấn công, những lỗ hổng tình báo và cách Nhà Trắng đối diện cuộc chiến khủng bố trong hai thập niên.
Tập một, sau 30 phút tái hiện vụ tấn công, các nhà làm phim lập luận nguyên nhân thực sự bắt nguồn từ những gì diễn ra trong Chiến tranh Liên Xô – Afghanistan năm 1979. Cựu sĩ quan CIA Milton Bearden nói Mỹ đã chi rất nhiều tiền cho Mujahideen – nhóm Hồi giáo nổi dậy giải phóng Afghanistan khỏi sự chiếm đóng của Liên Xô. Khi chiến tranh kết thúc, cả nghìn người thiệt mạng, Bin Laden thành lập tổ chức khủng bố al-Qaeda năm 1988, tiếp tục gieo rắc nỗi đau cho nhân loại.
Bốn tập tiếp theo đào sâu diễn tiến cuộc chiến khủng bố ở các đời tổng thống Mỹ, kể từ George W. Bush đến nay. Ông Bush nhấn mạnh: “Không có nhiệm vụ nào cao hơn, cuộc săn đuổi nào quan trọng hơn việc tìm kiếm Osama Bin Laden”. Cựu cố vấn Nhà Trắng Alberto Gonzales cho biết chính phủ tung hết sức, dùng tổng lực sức mạnh kinh tế, thúc đẩy các mối quan hệ trên toàn thế giới để đạt mục đích. Mỗi năm Mỹ tốn hàng chục triệu USD cho cuộc chiến mà như lời Ali Soufan – cựu đặc vụ FBI cấp cao – là “để trả đũa vụ 11/9”.
Trong tập bốn, khi vận động tranh cử tổng thống, Barack Obama cho rằng việc Mỹ phát động chiến tranh Iraq (2003-2011) là sai lầm. Ở tập cuối, Donald Trump nhậm chức, thừa nhận chiến tranh Afghanistan (từ 2001 tới nay) là thảm họa. Tháng 2/2020, ông ký thỏa thuận rút toàn bộ lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan trước khi hết nhiệm kỳ. Joe Biden giữ nguyên ý định của Trump, bất chấp Afghanistan rơi vào tay Taliban.
Kịch bản lồng ghép thông điệp phản chiến. Trong tập bốn, dân Mỹ kéo ra đường biểu tình phản đối chính phủ với nhiều băng rôn, biểu ngữ, cho rằng đóng quân ở Iraq là sai trái. Hình ảnh tương tự xuất hiện trong tập cuối khi người Afghanistan đốt quốc kỳ Mỹ giữa đường, gọi Mỹ là “khủng bố thực sự”. Trước khi kết phim, đạo diễn liệt kê những tổn thất mà cuộc chiến gây ra cho các bên: Mỹ thiệt hại 2,3 nghìn tỷ USD, hơn 2.400 quân nhân chết, hơn 50.000 người bị thương; phía Afghanistan có ít nhất 150.000 người thiệt mạng… Tác phẩm khép lại bằng câu hỏi: Đời người có tham vọng nào lớn hơn là mang lại một nền hòa bình thực sự, lâu dài và vĩnh cửu?
Lỗ hổng tình báo Mỹ cũng được đề cập như nguyên nhân để lọt khủng bố. Sau sự kiện 11/9, FBI tiến hành thu thập dữ liệu nhằm tìm ra kẻ đứng sau. Trên chuyến bay 77 đâm vào Lầu Năm Góc có hai tên không tặc – Nawaf al-Hazmi và Khalid al-Mihdhar – là anh em, được huấn luyện để nhập cảnh vào Mỹ đầu tiên. Phía CIA nắm thông tin bộ đôi, biết chúng có visa Mỹ, từng họp ở Malaysia năm 2000 nhưng không cung cấp kịp thời cho FBI. “Tình báo phải hiệu quả hơn, nắm bắt thông tin tốt hơn”, Cựu cố vấn Nhà Trắng Alberto Gonzales nhận xét. Dale Watson – cựu Trợ lý Giám đốc Bộ phận Chống Khủng bố của FBI – thừa nhận Mỹ không xem cướp máy bay và đánh bom cảm tử là vấn đề an ninh quốc gia trong những năm 1980, 1990. Điều đó càng tạo điều kiện thuận lợi cho bọn khủng bố.
Tác phẩm không có người dẫn chuyện, nội dung được ghép nối qua những thước phim tư liệu, băng ghi âm điện thoại và cuộc phỏng vấn trực tiếp. Đạo diễn sử dụng lối kể phi tuyến tính, đan xen sự kiện 11/9 với những gì xảy ra trước và sau đó. Theo Netflix, ê-kíp không có ý định vạch ra người tốt – kẻ xấu, mà cung cấp cái nhìn toàn cảnh về sự kiện, khai thác ý kiến từ nhiều đối tượng để có quan điểm đa chiều. Đại diện Mỹ là các cựu quan chức Nhà Trắng, lãnh đạo cấp cao, nhà văn, nhà báo… Đại diện phía Afghanistan là một số nhân vật trong chính phủ, quân đội, cựu chỉ huy Taliban lẫn dân thường.
Cảm xúc phần lớn đến từ lời kể của những người chứng kiến, trải qua sự kiện Tháp Đôi bị tấn công. Trong tập đầu, một khách đi đường nhớ lại: “Bạn có thể nghe người ta thở hổn hển. Tất cả chỉ cảm thấy thế giới sụp đổ. Bộ não cố giải thích điều gì xảy ra”. Đến tập hai, một phụ nữ chợt bật khóc khi hồi tưởng khoảnh khắc mắc kẹt trong tòa nhà bốc cháy, không ai cứu giúp. Những người thoát nạn đau đớn không biết người thân mình còn sống hay đã chết. Rất nhiều lính cứu hỏa cũng được liệt kê mất tích khi thực hiện nhiệm vụ. Tận 20 năm sau, một phụ nữ vẫn chưa thoát khỏi cảm giác của ngày hôm đó. “Tôi là một xác sống”, cô nói trong tập cuối.
Để hoàn thành tác phẩm, Brian Knappenberger quay phim ở nhiều nước như Qatar, Doha, Afghanistan và Pakistan, bắt đầu từ tháng 11/2020. Theo Deadline, anh từng có mặt ở Afghanistan đúng một năm sau sự kiện 11/9 với tư cách nhà làm phim trẻ. Khi đó, Taliban đã bị đánh đuổi, tâm trạng mọi người rất lạc quan. Hai thập kỷ trôi qua, Afghanistan lại rơi vào vòng kiểm soát của Taliban chỉ vài tuần sau khi Mỹ rút quân. Do đó, phim không chỉ mang tính kỷ niệm mà còn giúp người Mỹ nhìn lại quá khứ, xem nước Mỹ đã thay đổi ra sao trong thời gian qua.
Phim có nhiều cảnh đắt giá, chân thực mà các tác phẩm điện ảnh khó thể tạo dựng, điển hình như cái mím môi và biểu cảm của tổng thống Bush khi nghe tin Mỹ bị tấn công. Lúc đó, ông đang ở trường tiểu học Emma E. Booker (bang Florida) để gặp học sinh lớp hai. Nhiều phân đoạn gây xúc động mạnh như hình ảnh người trong Tháp Đôi rơi tự do xuống đất, hai tòa tháp bị nghiền nát, trung tâm Manhattan chìm trong đống tro tàn hay dân thường bị khủng bố tàn sát.
Tác phẩm nhận phản hồi tốt từ giới phê bình. Tờ Washington Post nhận xét phim cho khán giả góc nhìn “trung thực và đầy đủ nhất” về sự kiện 11/9, tạo cơ hội để nước Mỹ nhìn lại những sai lầm trong cuộc chiến chống khủng bố. Tác giả Clémence Michallon của tờ Independent chấm 4/5 sao, đánh giá phim thẳng thắn, có lối kể thông minh và những cảnh quay gây xúc động. Trên IMDb, phim đạt 8.1/10 điểm. Phần lớn khán giả cho rằng tác phẩm sâu sắc, cung cấp cái nhìn toàn diện.
Sơn Phước
Nguồn: https://vnexpress.net/turning-point-tham-kich-11-9-va-20-nam-my-chong-khung-bo-4354654.html