Hà NộiTriển lãm tôn vinh Arnold Schönberg – người hoàn thiện kỹ thuật 12 âm và tạo ra trường phái riêng trong âm nhạc cổ điển.
Sự kiện diễn ra trong sảnh Thư viện Quốc gia Việt Nam từ ngày 8 đến 22/7, thu hút khoảng 50 khách hôm khai mạc. Những bức hình được trưng bày xoay quanh cuộc đời, sự nghiệp của nhà soạn nhạc, nhạc trưởng và thầy giáo Arnold Schönberg (1874-1951).
Những bức ảnh đen trắng ghi lại hình ảnh nhà soạn nhạc từ lúc bé cho đến khi ông lập gia đình, trải qua hai đời vợ và có con. Các bức ảnh có chủ đề đa dạng: Khoảnh khắc vui đùa bên con cái, ông với các học trò trường phái Vienna, sở thích lắp ráp mô hình…
Nhà soạn nhạc Schönberg từng nhiều năm gắn bó nghề giáo. Đi kèm các bức ảnh là lời nhận xét từ những người đã theo học và tôn chỉ làm nghề của ông. Trong lần phát biểu tại Học viện âm nhạc Israel (26/4/1951), ông nói: “Trong tôi luôn có sự thôi thúc khám phá ra cách tốt nhất để giúp những người mới bắt đầu; làm thế nào để họ làm quen với các đòi hỏi về tinh thần, kỹ thuật và đạo đức trong trường phái nghệ thuật của chúng tôi; làm thế nào để thuyết phục họ rằng đạo đức nghệ sĩ là có thật và tại sao không thể ngừng nuôi dưỡng nó”. Một số bản nhạc do ông và hai học trò Alban Berg, Anton Webern soạn thảo cũng được giới thiệu trong triển lãm.
Đại sứ Áo tại Việt Nam – ông Hans-Peter Glanzer – cho rằng Schönberg là một trong những nhà soạn nhạc có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. “Trường phái Vienna do Schönberg phát triển ảnh hưởng lớn đến phong cách sáng tác của các nhà soạn nhạc sau này”, ông nói.
Trường phái Vienna do ông cùng các học trò, cộng sự thân thiết sáng lập ban đầu có âm giai mở rộng phong cách Hậu Lãng mạn. Sau này, Schönberg hoàn thiện kỹ thuật 12 âm, từ đó phát triển âm nhạc phi điệu thức (âm nhạc không có tông trung tâm) và biến nó thành cốt lõi của trường phái Vienna mới. Với thành tựu này, Schönberg và những người đi theo ông đã đánh dấu một kỷ nguyên mới trong lịch sử âm nhạc.
Trong lễ khai mạc, tiết mục hòa nhạc diễn ra trong 30 phút với ba điệu Waltz do Arnold Schönberg, Alban Berg và Anton Webern cải biên. Các nhạc công trình diễn đến từ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Schubert in a Mug, gồm: Hoàng Hồ Khánh Vân, Đào Mai Anh (violin), Phụng Hoài Thu (viola), Phan Đỗ Phúc (cello), Hoàng Hồ Thu, Hsin – Chiao – Lioa (piano). Buổi biểu diễn cũng có sự góp mặt của nghệ sĩ opera Tố Loan.
Minh Trang (21 tuổi) nhận xét các bản nhạc của Schönberg được biểu diễn có âm thanh vui tươi và dễ nghe. Một số khách tham dự đung đưa người theo nhạc hoặc nhắm mắt để cảm nhận giai điệu.
Sự kiện do Đại sứ quán Áo tại Hà Nội phối hợp Thư viện Quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam và Trung tâm Arnold Schönberg tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Áo. Hai buổi hòa nhạc tiếp theo diễn ra vào 18h30 ngày 16/7 và 22/7 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.
Vào tháng 9, nhóm thính tấu saxophone từ Áo sẽ tổ chức một chương trình hòa nhạc tại TP HCM. Các nghệ sĩ từ Dàn nhạc Giao hưởng Áo cùng các nghệ sĩ opera nước này sẽ kết hợp Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tổ chức hòa nhạc ngày 26/11 tại Nhà hát Lớn.
Anh Phương
Nguồn: vnexpress.net
Editor: Thao Vy