ParisBức “Đôi bờ sông Hồng” của Lê Văn Đệ đạt mức 220.000 euro (5,4 tỷ đồng) trong phiên đấu giá của nhà Millon, tối 24/6.
Con số chưa bao gồm thuế phí giúp tác phẩm đạt giá cao nhất trong phiên Mỹ thuật Hiện đại Việt Nam – từ truyền thống đến hiện đại. Tranh sơn dầu trên vải ra đời năm 1930, mô tả khung cảnh hai bên bờ sông Hồng với những ngôi nhà nổi trên mặt nước, con thuyền và dáng người ở khắp nơi. Họa sĩ ký tên và ghi ngày tháng ở góc cuối bên trái tác phẩm.
Theo tài liệu trong Kho lưu trữ về Victor Tardieu, Viện Lịch sử Nghệ thuật Quốc gia Pháp (INHA), tranh được trưng bày tại Triển lãm Thuộc địa Paris diễn ra từ ngày 6/5 đến 15/11/1931. Trong bài viết Mỹ thuật tại Triển lãm Thuộc địa, thời đại Angkor ngày 1/9/1931 trên báo l’Œuvres, ký giả Adolphe Tabarant nhận xét tranh là “sự hài hòa của một phong cách tranh khắc Nhật Bản và chủ nghĩa hậu ấn tượng”.
Trong một lá thư của Blanchard de la Brosse – Giám đốc Đông Dương Kinh tế Cục – gửi ông Victor Tardieu vào ngày 21/12/1932, cho biết hai bức sơn dầu dự triển lãm của Lê Văn Đệ là Đôi bờ sông Hồng và Thuyền trên sông Hồng đã được bán tại thời điểm đó. Về sau, tranh nằm trong bộ sưu tập tư nhân của Pháp cho đến khi đưa ra đấu giá.
Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Ngô Kim Khôi nhận xét họa sĩ áp dụng kỹ thuật phối cảnh xa gần – vốn ít được biết đến trong nghệ thuật châu Á thời điểm đó – để diễn tả tầng lớp phong cảnh, tạo chiều sâu cho tác phẩm. Lê Văn Đệ sử dụng màu nâu chủ đạo, với các sắc độ đậm nhạt khác nhau nhằm diễn tả sự hoang sơ của bờ sông Hồng khi ấy.
Lê Văn Đệ (1906-1966) xuất thân trong gia đình địa chủ ở Mỏ Cày, Bến Tre. Ngay từ nhỏ, ông đã bộc lộ năng khiếu nghệ thuật. Sau khi tốt nghiệp Trung học Lasan Tabert (Sài Gòn), Lê Văn Đệ quyết tâm thi vào Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, bất chấp sự phản đối của gia đình. Năm 1925, ông là một trong 10 sinh viên khóa đầu tiên của trường. Hiệu trưởng Victor Tardieu từng nhận xét: “Thủ khoa Lê Văn Đệ là chàng trai nghiêm túc, giỏi tiếng Pháp, được các bạn học bầu làm lớp trưởng mấy năm liền”. Năm 1930, ông tốt nghiệp thủ khoa.
Năm 1931, ông sang Pháp du học tại Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Pháp, chuyên ngành tranh sơn dầu. Năm 1933, ông đoạt giải nhì cuộc thi do Hội Nghệ sĩ Quốc gia Pháp tổ chức với ba tác phẩm Bà thầy bói, Trên sân ga Montparnasse, Thiếu nữ điểm trang. Tại triển lãm Nghệ sĩ quốc gia Pháp năm 1934, Bộ Văn hóa Pháp đã chọn mua bức Trong gia đình của ông để trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Luxembourg.
Ông là giám đốc đầu tiên của Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn (nay là Đại học Mỹ thuật TP HCM). Họa sĩ chịu trách nhiệm trang trí cho lễ Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945.
Phiên đấu giá giới thiệu hơn 20 tác phẩm của các danh họa nổi tiếng thời Đông Dương như Nguyễn Nam Sơn, Mai Trung Thứ… Bức lụa vẽ hai phụ nữ Cuộc gặp gỡ, 1974 của Mai Trung Thứ cao thứ hai khi được chốt ở mức 140 nghìn euro (3,4 tỷ đồng). Tác phẩm sơn mài Chùa Thái Lan của Trần Phúc Duyên đứng thứ ba với 80 nghìn euro (1,9 tỷ đồng).
Hiểu Nhân
Nguồn: vnexpress.net
Editor: Thao Vy