TP HCMHọa sĩ Trang Phượng triển lãm gần 100 ký họa được thực hiện trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.
Sự kiện diễn ra tại Bảo tàng TP HCM hôm 28/5, hưởng ứng kỷ niệm 60 năm Phòng hội họa Giải phóng (tiền thân của Hội Mỹ thuật TP HCM). Trang Phượng cho biết hơn nửa thế kỷ theo nghề vẽ, ngoài những tác phẩm sơn dầu đề tài chiến tranh, các bức ký họa chiếm phần quan trọng trong sự nghiệp của ông.
Ông bắt đầu ký họa từ năm 1965-1966, sau khi thành lập Phòng hội họa Giải phóng với vai trò phó phòng. Năm tháng kháng chiến, với ông, hộp màu và tập tranh là sinh mệnh, còn các bức vẽ là tâm tư họa sĩ gói trọn trong giai đoạn gian khổ. Đề tài Trang Phượng ký họa khá đa dạng. Ở nhiều tác phẩm, ông ghi lại cảnh họp cán bộ trước ngày hành quân, đại hội quân nhân bàn kế hoạch đánh trận Đồng Xoài, Tây Ninh (1965), khoảnh khắc các chiến sĩ bắn hạ máy bay F1 ở đồn điền Thuận Lợi. Đó còn là khung cảnh các xóm làng tiêu điều dưới bom đạn Mỹ, rừng cao su trơ trụi vì bị rải chất độc hóa học…
Trang Phượng dành số lớn ký họa tri ân các chiến sĩ từng lập nhiều chiến tích, như dũng sĩ diệt Mỹ Lê Ngọc Dân (tiểu đoàn Phú Lợi), Huỳnh Văn Hải (Củ Chi), Mai Văn Thắng (trận Bình Giã), Minh Trang (Bến Tre), những dân quân can trường như Bảy Tranh, Mười (Mỹ Tho)… Cảnh sinh hoạt dưới địa đạo Củ Chi, công nhân đồn điền cao su Dầu Tiếng (Bình Dương) chuốt chông chống Mỹ… cũng được tái hiện sống động qua nét vẽ Trang Phượng.
Tác giả cho biết từ khi cầm cọ lần đầu năm 15 tuổi, ông nguyện dùng tài năng lưu giữ ký ức về cuộc chiến cho thế hệ sau. Ông từng tham gia nhiều trận lớn như Phước Long, Đồng Xoài, Bù Đốp, Bình Dương, Củ Chi… Dịp Tết Mậu Thân năm 1968, 23 ngày đêm tham chiến, ông vừa cầm súng vừa cầm cọ. Suốt thời gian đó, ông vẽ được hàng nghìn bức ký họa nhưng phần lớn bị phá hủy do bom đạn.
Mỗi lần hành quân, ông lân la làm quen với các anh em giải phóng quân, nhờ họ giúp ông chuyển toàn bộ tài liệu ký họa về địa chỉ hòm thư ghi sẵn trong cặp nếu ông hy sinh. Nếu người đó nằm xuống, ông lại gặp những người mới, tha thiết trình bày nguyện vọng của mình. Họa sĩ từng gửi về miền Bắc vài trăm bức qua đường giao liên, với hy vọng nếu ông qua đời, các tác phẩm vẫn được bảo tồn. Sau hàng chục năm, nhiều bức bị lửa đạn làm cháy xém một góc, xen lẫn vết loang lổ của thời gian.
Trong sự kiện, Trang Phượng cũng ra mắt sách Họa sĩ – chiến sĩ Trang Phượng, tuyển tập các ký họa lẫn tranh sơn dầu vẽ trong thời chiến, thời bình. Tác phẩm là món quà con cháu, người thân thực hiện để tặng ông.
Trang Lan Anh Phương, con trai cả của họa sĩ, đại diện nhóm tác giả, cho biết sau triển lãm cá nhân đầu tiên của Trang Phượng năm 2010, anh lên ý tưởng làm sách cho cha. Năm 2018, họ bắt đầu thực hiện dự án, mất hơn một năm tổng hợp kho sáng tác đồ sộ của ông, sau đó biên tập, thiết kế. Sam Korsmoe – tác giả người Mỹ nhiều năm sống ở Việt Nam – hỗ trợ phần hiệu đính bằng tiếng Anh. Năm 2020, nhóm tác giả lên kế hoạch ra mắt thì phải hoãn hai năm vì đại dịch. Anh Phương nói: “Chúng tôi thường gọi ba là ‘người họa sĩ già’. Dù bình thường ông không kể về những tàn khốc của cuộc chiến, ký ức về những người ngã xuống vẫn còn hằn rất sâu trong ông, chỉ chực bùng lên mỗi khi nhắc tới…”.
Họa sĩ Trần Xuân Hòa – khán giả dự sự kiện – ấn tượng với loạt ký họa chân dung các chiến sĩ của Trang Phượng. Bà đánh giá tranh được vẽ sống động, có hồn với bút pháp mạnh mẽ. “Ngoài yếu tố mỹ thuật, giá trị lịch sử của những tác phẩm là không thể đong đếm”, bà nói.
Họa sĩ – tiến sĩ Trang Phượng tên thật là Trương Bá Phạn, sinh năm 1939 tại Bình Dương. Ông tốt nghiệp thủ khoa trường trung cấp Mỹ Nghệ thực hành Bình Dương năm 1959. Năm 1973, ông tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật Hà Nội năm 1973, bảo vệ luận án tiến sĩ mỹ thuật thuộc Viện hàn lâm Mỹ thuật Bulgaria năm 1979. Ông từng giữ chức Viện trưởng Mỹ thuật Việt Nam, Phó Tổng thư ký Hội Mỹ thuật TP HCM, Phó trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Thành ủy TP HCM, Phó chủ tịch liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP HCM…
Mai Nhật
Nguồn: https://vnexpress.net/trang-phuong-trien-lam-ky-hoa-thoi-chien-4469444.html