Sau nhiều ồn ào trên MXH, cụm từ “sao kê” đã được chính Đài truyền hình Việt Nam đề cập với những bình luận sâu sắc.



Biên tập viên bắt đầu dẫn dắt câu chuyện khi đưa ra các câu chuyện nghệ sĩ sau khi kêu gọi quyên góp thì bị nghi ngờ số tiền công khai và số tiền nhận về thật sự có sự chênh lệch: “Trên fanpage có hơn 18 triệu lượt theo dõi của Trấn Thành có thể thấy hàng loạt bình luận yêu cầu sao kê từ khán giả. Nguyên nhân Trấn Thành từng kêu gọi quyên góp được 9,4 tỷ đồng để giúp đỡ bà con miền Trung nhưng lại chậm thông báo tiền chuyển cho ai và như thế nào. Đến nay MC này đã khoá tính năng bình luận trên trang cá nhân.

Sau khi có đặt vấn đề bằng những ví dụ cụ thể, phóng sự bắt đầu đưa ra quan điểm của một số chuyên gia về những tranh cãi này. PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng việc làm từ thiện là một việc lý trí, người cảm tính như nghệ sĩ sẽ không thể làm chuyên nghiệp: “Tôi cho rằng lý lẽ xấu xa nhất là nằm ở chỗ nghệ sĩ là những người vô cùng cảm tính. Họ không biết được là đằng sau cái đấy là cái gì. Từ thiện không phải là một việc làm tình cảm, đấy hoàn toàn là một việc phải làm bằng lý trí. Cho nên người ta mới nói là không chuyên nghiệp”.

BTV “Góc nhìn V9” đồng ý với quan điểm của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, đồng thời cho rằng nên làm sao kê thường xuyên: “Tốt nhất 1 tuần 1 lần người làm từ thiện phải công bố bảng sao kê các khoản thu, chi để bất cứ ai cũng có thể xem và chính bản thân mình cũng có thể kiểm soát. Đừng để đợi nước đến chân mới nhảy. Nếu như có bất kì khoản chênh lệch nào, khuất tất ra sao thì hậu quả sẽ khó lường.
Với tiền bạc, nhất là tiền bạc đóng góp từ tâm của người khác nếu có xảy ra sự cố gì liên quan đến bội tính, nghi ngờ thì việc khôi phục, lấy lại lòng tin, chữ tín là cực kì khó. Như vậy có thể nói minh bạch chính là chiếc chìa khoá của niềm tin để mở toang cánh cửa nhân từ ở mọi người”, BTV nhận định.
VTV cũng nêu lên nhận định về sự minh bạch. Sự minh bạch thể hiện ở chỗ: Tiền từ thiện phải sử dụng đúng mục đích kêu gọi ban đầu. Đặc biệt, đối với chuyện nhạy cảm như từ thiện, sự minh bạch là điều vô cùng quan trọng. BTV nhắc lại câu chuyện của Hoài Linh: “Nhìn lại câu chuyện 14 tỷ bị ngâm trong tài khoản của danh hài Hoài Linh để thấy rằng khi mục đích sử dụng tiền từ thiện bị sai lệch cộng đồng sẽ dậy sóng. Do đó khi Hoài Linh đã giải ngân số tiền đó đến đúng đối tượng thì cũng chẳng còn mấy ý nghĩa”.

Bà Nguyễn Thị Thu Xuân – Chủ tịch hội chữ thập đỏ Việt Nam chia sẻ làm từ thiện không phải là chuyện dễ dàng: “Từ thiện cũng phải thay đổi cách làm. Phải xác định làm một cách chuyên nghiệp và làm từ thiện không bao giờ là dễ khi chúng ta làm hết sức mình. Cả hai bên đều phải có trách nhiệm. Người uỷ quyền cũng phải có yêu cầu với người thực hiện. Người thực hiện có trách nhiệm gì trong việc sử dụng khoản tiền, hàng hoá của người ủy quyền”.

Quan điểm của VTV9 về sự minh bạch trong công tác làm từ thiện đó là: Công bố danh sách người cần giúp đỡ kèm thông tin cụ thể đã được địa phương xác nhận; Công bố người/tổ chức giúp đỡ kèm con số cụ thể; Việc phát tặng quà được ghi hình, tường thuật rõ ràng; Công bố số đã phát tặng, số dư còn lại được công khai trên hệ thống; Minh bạch chi phí tổ chức.

Thông qua phóng sự này, VTV9 hi vọng khán giả cẩn trọng hơn cho việc “chọn mặt gửi vàng” nghệ sĩ thay mặt mình làm từ thiện. Đồng thời, cũng là lời nhắc nhở nghệ sĩ nên rõ ràng, chuyên nghiệp trong công tác thiện nguyện, tránh những tranh cãi, rắc rối.
Nguồn: https://molistar.com/hau-truong/tran-thanh-mr-dam-va-thuy-tien-bi-vtv-nhac-ten-trong-cau-chuyen-minh-bach-sao-ke
