20 cuộc thi nhan sắc quy mô toàn quốc lẫn địa phương tổ chức năm nay khiến khán giả đùa “ra đường là gặp hoa hậu”.
Vài tháng qua, hàng loạt cuộc thi khởi động, kéo dài tới hết năm như Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam (chung kết 25/6), Hoa hậu Áo dài Việt Nam (30/7), Hoa hậu Thế giới Việt Nam (12/8), Hoa hậu Biển đảo Việt Nam (22/10), Hoa hậu Việt Nam (dự kiến ngày 15/12).
Ngoài một số cuộc thi thâm niên, nhiều sân chơi đang và sắp diễn ra như Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam (16/7), Hoa hậu Thể thao Việt Nam (31/7), Miss Peace Vietnam (11/9), Miss Grand Vietnam (25/9), Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam (22/10), Hoa hậu Trái đất Việt Nam (30/12)… Hàng loạt cuộc khác cũng lần đầu xuất hiện như: Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ, Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Liên hợp quốc Việt Nam…
Các cuộc thi ra đời nhờ hưởng lợi từ Nghị định 144, có hiệu lực từ tháng 2/2021. Trước đây, việc cấp phép do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (thuộc Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) thực hiện. Từ sau Nghị định 144, các đơn vị tổ chức chỉ cần thông qua Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh – nơi tổ chức sự kiện.
Việc bùng nổ thi hoa hậu góp phần giúp làng giải trí sôi động trở lại sau Covid-19. Trên mạng xã hội, các hội nhóm sắc đẹp phát triển mạnh. Họ bàn luận về thí sinh, đưa ra các dự đoán. Tài khoản Minh Bùi nói: “Chưa bao giờ fan sắc đẹp lại có diễn đàn hoạt động sôi nổi đến thế”.
Ông Nguyễn Quang Vinh – nguyên Cục trưởng Nghệ thuật Biểu diễn – cho rằng đây là hiện tượng bình thường. “Trước đây, chúng ta quy định một năm chỉ có hai cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia. Tuy nhiên, vài chục sân chơi khác vẫn được tổ chức với tên gọi, hình thức khác nhau như hoa khôi, người đẹp, chưa kể một số cuộc thi ‘chui’. Tôi cho rằng các cuộc thi góp phần quảng bá du lịch, văn hóa vùng miền, quốc gia, kích cầu kinh tế”, ông Vinh nói.
Tại Thái Lan, Philippines, Indonesia, số lượng cuộc thi mang danh “nam vương”, “nữ hoàng” mỗi năm có thể lên đến 60. “Việc nở rộ sân chơi hoa hậu cho thấy sự phát triển của các công ty giải trí Việt”, ông Chu Tấn Văn, đại diện một công ty giải trí trong nước nhận xét.
Song việc này cũng gây nên tình trạng loạn thi sắc đẹp. Kim Nguyên (35 tuổi, sống tại TP HCM) nói: “Giờ hoa hậu cứ mọc lên như nấm sau mưa, không thể nhớ nổi cô này bước ra từ cuộc thi nào, đoạt danh hiệu gì. Với đà này, vài năm nữa ra đường là đụng hoa hậu”.
Thí sinh có nhiều lựa chọn nên dễ bắt gặp tình trạng một người đẹp tham gia nhiều cuộc, ngay cả ở những sân chơi lớn. Tân Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 Ngọc Châu trước khi đăng quang vốn là quán quân, hoa hậu của nhiều cuộc thi. Các người đẹp Hương Ly, Lê Hoàng Phương… cũng quen mặt với khán giả. Trong Top 38 chung kết Miss World Vietnam 2022 xuất hiện Nam Em, Mai Phương… Chuyện thí sinh bị loại ở cuộc thi này tiếp tục tìm đến cuộc khác cũng không hiếm, như Đàng Vương Huyền Trân vừa rớt bán kết Miss Universe Vietnam liền ghi danh Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam.
Bà Phạm Kim Dung, tổng giám đốc Công ty Sen Vàng – đơn vị nắm giữ bản quyền Miss World Vietnam, Miss Grand Vietnam và cử thí sinh thi Miss World, Miss International, Miss Grand International hàng năm – nhìn nhận thực trạng đang khiến công chúng “bội thực” trong việc thưởng thức, nhớ tên cuộc thi, gương mặt đoạt giải.
Ông Lê Xuân Sơn – trưởng ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam – cho biết cuộc thi ông đang phụ trách với thâm niên hơn 30 năm hiện không do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cấp phép. Ông đặt câu hỏi: “Nếu tiếp tục như vậy, liệu còn cuộc thi mang tầm quốc gia nữa hay không?”. Ông Sơn cho rằng nếu không có biện pháp chấn chỉnh, công chúng sẽ dần mất thiện cảm với hoa hậu, kể cả cuộc thi lâu năm, uy tín.
Các nhà điều hành, tổ chức sự kiện nhận định trong hỗn loạn tất yếu có sự sàng lọc, đào thải, doanh nghiệp nào tâm huyết, nghiêm túc sẽ trụ vững.
Theo chuyên gia trong ngành, chất lượng cuộc thi nhan sắc dựa vào khâu tổ chức, giải thưởng, giám khảo, hoạt động của hoa hậu sau đăng quang. Hiện một số cuộc thi đã phần nào khẳng định được vị thế nhờ không ngừng cải tiến, đầu tư.
Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 được nhận xét có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Chung kết (25/6) diễn ra tại một trung tâm tổ chức sự kiện với sức chứa gần 10.000 khán giả. Ban tổ chức đầu tư sân khấu màn hình led cực đại, sân khấu catwalk dài 60 mét. Dàn giám khảo có Natalie Glebova, Catriona Gray, Harnaaz Sandhu – ba mỹ nhân đăng quang Miss Universer lần lượt các năm 2005, 2018, 2021.
Bà Kim Dung nói chi phí mỗi cuộc do Sen Vàng tổ chức thường không dưới 70 tỷ đồng, gồm tiền tổ chức, sân khấu, họp báo, vé máy bay, ăn ở cho thí sinh và khách mời… Trước đây, Hoa hậu Việt Nam chỉ có một đêm chung kết truyền hình trực tiếp, riêng năm 2018, 2020 đã tăng lên năm, sáu. Năm 2016, cuộc thi mời ngôi sao quốc tế Bi Rain trình diễn. Hồi tháng 4, kinh phí tổ chức chung khảo Miss Word Vietnam 2022 ở Thái Nguyên được đầu tư 40 tỷ đồng. Ông Hoàng Nhật Nam – đạo diễn chương trình – nói vòng chung kết ở Quy Nhơn vào tháng 8 gồm ba đêm thi quan trọng, mức đầu tư sẽ lớn hơn, dự kiến hút 20.000 khán giả xem trực tiếp.
Hoa hậu hiện là ngành công nghiệp sắc đẹp trên thế giới. Việt Nam đang hướng đến mô hình này nhiều năm qua nhưng để đạt độ chuyên nghiệp vẫn là thách thức cho các nhà tổ chức.
Nhằm tạo sự mới mẻ, Miss Universe Vietnam, Miss World Vietnam… xây dựng truyền hình thực tế để thí sinh thêm cơ hội chứng tỏ bản thân. Hoa hậu Việt Nam khởi động mùa thứ 32 từ ngày 6/7, điểm nhấn là vòng thi phụ “Người đẹp nhân ái”. Ban tổ chức thường mất nhiều thời gian để khảo sát địa điểm, hoàn cảnh khó khăn.
Về chất lượng thí sinh, từ năm 2018, Sen Vàng Entertainment đã chủ động quảng bá cuộc thi ở nhiều tỉnh thành, tổ chức casting tại các đại học nhằm tìm thí sinh có ngoại hình, trình độ học vấn… Sắp tới, khi Miss Grand Vietnam diễn ra, đơn vị sẽ áp dụng hình thức này rộng rãi hơn.
Việc đào tạo, tìm việc làm, định hướng hình ảnh cho hoa hậu, á hậu sau đăng quang cũng được một số công ty chú trọng. Bà Mỹ Dung – đại diện Hoa khôi Du lịch Việt Nam – nói: “Điều quan trọng là ban tổ chức sẽ thực hiện trách nhiệm thế nào sau cuộc thi, có bao nhiêu dự án cộng đồng đóng góp cho xã hội, không phải trao vương miện là xong”.
Ông Nguyễn Quang Vinh cho rằng khán giả có quyền lựa chọn để theo dõi. “Mỗi người có quyền quyết định ủng hộ các cuộc thi chất lượng cao, phớt lờ sân chơi ‘ao làng’, để nó tự triệt tiêu. Đó là quy luật của nền kinh tế thị trường”, ông Vinh nói.
Tân Hà Dung
Nguồn: vnexpress.net
Editor: Thao Vy