Ở nhà nhiều tháng, Thanh Hằng có lúc nhớ thắt lòng cảm giác catwalk ở những show thời trang trong tiếng vỗ tay của khán giả.
– Công việc của chị chịu ảnh hưởng ra sao khi làng thời trang “đóng băng” nhiều tháng qua?
– Trước đây, tôi làm việc liên tục, ít khi nghỉ ngơi. Nếu không diễn catwalk, tôi sẽ đi quay phim, làm giám khảo các cuộc thi về nhan sắc, người mẫu hay chụp lookbook, quay quảng cáo… Bỗng dưng, giờ tôi ở yên một chỗ, ít nhất là suốt bốn tháng qua. Mọi kế hoạch đều bị hoãn lại, trong đó có hai dự án quan trọng nhất là bộ phim Quỳnh Hoa Nhất Dạ do tôi sản xuất và một cuộc thi nhan sắc lớn tôi được mời tham gia. Nhưng, tôi không phàn nàn, vì so với những gì nhiều người người đang đối diện do đại dịch, có lẽ tôi vẫn còn may mắn.
– Chị nhớ sàn catwalk, không khí hậu trường các show diễn thế nào?
– Có những thứ trước đây vốn quen thuộc như cơm ăn áo mặc hàng ngày, khi xa rồi mới thấy nhớ. Những ngày ở nhà, tôi lật giở những bài viết, hình ảnh cũ để hồi tưởng không khí ồn ào, ríu rít trong hậu trường. Mọi người đều bận rộn với vai trò riêng, nhưng ai cũng hạnh phúc khi được làm việc, gặp nhau là chào hỏi, cười đùa. Tôi nhớ cảm giác lêu khêu trên đôi giày cao gót, bước từng bước theo điệu nhạc, những trang phục nặng nề phải mặc, hay những bộ mi giả muốn muốn sụp đôi mắt nhưng vẫn phải đeo hàng giờ.
Tôi cũng nhớ ánh đèn flash của các ống kính chiếu rọi thẳng vào mặt trong lúc mình đang tạo dáng. Tôi thèm tiếng vỗ tay của khán giả dành tặng nhà thiết kế và chúng tôi lúc kết màn – lúc tôi có thể thở phào nhẹ nhõm và nở nụ cười tươi trong chương trình. Gần 20 năm theo nghề, chúng tôi chưa bao giờ phải xa sân khấu lâu như vậy. Có những lúc nhớ khủng khiếp, nhưng tôi luôn tự nhủ những cảm xúc đó sẽ trở lại nhanh thôi, hãy kiên nhẫn thêm chút nữa.
– Thành công trong nhiều lĩnh vực, vì sao chị vẫn dành nhiều tình cảm cho sàn diễn, nơi cát-xê vedette chỉ mang tính tượng trưng?
– Tôi làm việc với nhiều vai trò khác nhau, thu nhập cũng đến từ nhiều nguồn. Nghề người mẫu định hình nên tôi, yêu thương, trao nhiều cơ hội cho tôi phát triển. Nhắc đến thời trang là nhắc đến Thanh Hằng và ngược lại. Tôi dùng tâm ý này mà đối đãi với những nhà sản xuất, nhà thiết kế hay bất kỳ ai có cùng đam mê.
Với những show diễn thông thường, nếu các nhà thiết kế chi trả cát-xê theo đúng giá trị của tôi thì họ khó kham nổi. Nhưng tôi nhìn thấy họ trân trọng mình, mong muốn hình ảnh tôi góp mặt trong bộ sưu tập của họ. Nói tôi không cần tiền cũng không phải. Nhưng khi tôi thấy vui, tôi sẽ đưa ra quyết định không phụ thuộc vào con số. Niềm vui khi được ủng hộ cho thời trang nước nhà cũng không thể tính toán được.
– Chị nghĩ nghề người mẫu thiệt hại ra sao so với các công việc khác trong showbiz thời dịch?
– Ca sĩ có thể livestream hàng giờ để hát giao lưu với khán giả hoặc quay MV tại nhà. Nhưng người mẫu chúng tôi không thể chỉ mặc đồ đi vòng vòng trong nhà để đỡ nhớ nghề.
Những ngày này, mọi người đều siết chặt chi tiêu, tiết kiệm nhiều hơn. Ít ai nghĩ đến chuyện sắm sửa quần áo mới hay xem show. Thời trang bây giờ trở thành một thứ xa xỉ. Các sàn diễn hay studio chụp ảnh cũng ngừng hoạt động mấy tháng qua, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người mẫu. Một số bạn trẻ đã chuyển sang kinh doanh online để kiếm tiền.
Tôi nhìn thấy tất cả điều đó. Thời điểm này, bất cứ ai trong chúng ta cũng đối diện với những khó khăn, tổn thất hay mất mát. Nhưng trên hết, tôi nghĩ khi còn giữ được mạng sống, sức khỏe, thì việc xây dựng lại là điều không khó. Tôi cũng từng xuất phát từ hai bàn tay trắng mà. Rồi sẽ có những điều chỉnh, tính toán hợp lý cho giai đoạn bình thường mới của xã hội, và tôi tin mọi người sẽ thích nghi được thôi.
– Chị đánh giá thế nào về mô hình show diễn không khán giả, phát livestream trong tương lai?
– Thật ra, diễn online chỉ là giải pháp tình thế. Nghệ sĩ trình diễn cần không gian, cần năng lượng thật giữa mình và khán giả. Sự tương tác trực tiếp giữa người với người bao giờ cũng mang đến nhiều cảm xúc và giá trị hơn. Ví dụ, tôi tự nhận là người không thể bắt kịp xu hướng livestream. Tôi không quen với việc mở màn hình điện thoại lên, chỉ thấy mình trong đó rồi tự nói tự cười. Thỉnh thoảng, tôi mới quay một video rồi đăng tải trên mạng xã hội, còn livestream thì rất hiếm.
– Cuộc sống của chị trong bốn tháng giãn cách diễn ra thế nào?
– Sẽ có người nói rằng tôi mạnh mẽ, nhưng mọi thứ đều có lý do. So với các y bác sỹ đang ngày đêm chữa trị cho các bệnh nhân hay các cán bộ tuyến đầu, việc chúng ta được ở yên trong nhà đã là may mắn. Tôi hiểu được điều này nên tập cho bản thân thích nghi nhanh chóng. Không thể phóng năng lượng ra ngoài, trên các sàn diễn, tôi quay vào bên trong để sống chậm lại và sâu hơn. Tôi tự tạo điểm tựa tinh thần cho mình.
Tôi thiền, tập yoga, đọc sách, nghiên cứu phim, nấu ăn, thêu thùa… Khi thấy chán thứ gì đó, tôi tìm hoạt động thay thế. Thời gian qua, tôi đã đọc hết năm cuốn sách dày, nấu được kha khá món ăn mặn lẫn ngọt. Bạn bè hay trêu tôi đã có đầy đủ phẩm chất của một người vợ hiền, chỉ đợi hết dịch là mang đi “gả” (cười).
– Điều đầu tiên chị sẽ làm khi hết giãn cách là gì?
– Tôi háo hức đếm ngược từng ngày. Khi có thể thoải mái đi lại, tôi muốn về thăm gia đình trước tiên sau mấy tháng chung thành phố mà không gặp nhau. Sau đó, tôi sẽ qua kiểm tra căn nhà mới đang thi công dở, giải quyết vài công việc còn tồn đọng. Tôi chưa vội đi đến chỗ đông người hay du lịch mà sẽ đợi đến khi dịch được kiểm soát hoàn toàn.
Vân An
Nguồn: https://vnexpress.net/thanh-hang-toi-them-nghe-khan-gia-vo-tay-4361486.html