Connect with us

Hi, what are you looking for?

Bật Mí Showbiz 24H

Số phận trắc trở của kiệt tác ‘The Night Watch’

 

“The Night Watch” – kiệt tác của Rembrandt – từng bị cắt bớt vì quá to, hai lần bị dao đâm và bị kẻ tâm thần trốn trại tạt acid.

Theo Artnews, The Night Watch được nhắc lại như một trong những kiệt tác nghệ thuật bị tấn công nhiều nhất trong lịch sử, sau khi Hoa hướng dương của Van Gogh bị ném súp cà chua. Tranh hiện được trưng bày tại bảo tàng Rijksmuseum ở Amsterdam, Hà Lan, với tư cách tác phẩm nổi tiếng nhất, thu hút 2,2 triệu người tham quan mỗi năm.

Rembrandt hoàn thành tác phẩm vào năm 1642, ban đầu đặt tên là Militia Company of District II under the Command of Captain Frans Banninck Cocq, là bức chân dung nhóm, mô tả đại đội dân quân. Đại úy Frans Banning Cocq và trung úy Willem van Ruytenburgh được bao quanh bởi 16 người. Bức họa nổi tiếng vì ba yếu tố: kích thước 363×437 cm, nặng 337 kg, nghệ thuật sử dụng ánh sáng và bóng tối, chuyển động trong bức tranh chân dung tĩnh.

Advertisement. Scroll to continue reading.

Theo dailyartmagazine, qua thời gian, tranh được phủ một lớp vecni sẫm màu và bụi bẩn tạo cảm giác bối cảnh tác phẩm như diễn ra vào buổi đêm, yếu tố khiến các học giả đặt tên là The Night Watch.

Bức The Night Watch. Ảnh:Rijksmuseum

Bức “The Night Watch”. Ảnh:Rijksmuseum

Bức họa có tuổi đời 380 năm từng nhiều lần phải dịch chuyển, bị hư hại theo thời gian. The Night Watch lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng tại khu phức hợp Kloveniersdoelen ở Amsterdam. Năm 1715, tranh được chuyển đến tòa thị chính Amsterdam. Theo The Guardian, tranh bị cắt ở cả bốn cạnh để có thể nằm gọn giữa hai cánh cửa tại tòa thị chính: 60 cm ở bên trái, 22 cm phía trên, 12 cm phía dưới, 7 cm bên phải. Điều này khiến tranh bị mất hai ký tự ở bên trái, đỉnh vòm, lan can và cạnh của bậc thang. Các phần bị thiếu hiện chưa được tìm thấy.

Khi Napoleon chiếm đóng Hà Lan, tòa thị chính trở thành cung điện hoàng gia, tranh được chuyển đến dinh thự Trippenhuis. Napoleon đã ra lệnh trả lại bức họa nhưng sau khi cuộc chiến kết thúc, tác phẩm lần nữa được chuyển đến Trippenhuis và ở đó cho đến năm 1885, khi tòa nhà chính của Rijksmuseum được hoàn thành.

Tranh được đưa ra khỏi bảo tàng vào tháng 9/1939, khi Thế chiến Hai bắt đầu. Tấm canvas được tách ra khỏi khung và cuộn quanh một thanh hình trụ, cất trong két sắt đặc biệt ở hầm Rijkskluis thuộc Maastricht suốt bốn năm. Tại đây có hệ thống kiểm soát khí hậu để đảm bảo tranh không bị hư hại. Sau khi chiến tranh kết thúc, bức họa được gắn lên khung và trở lại Rijksmuseum.

Advertisement. Scroll to continue reading.

Năm 2003, bảo tàng tu sửa, The Night Watch được chuyển đến một địa điểm tạm thời. Tranh được tách khỏi khung, bọc trong giấy, cho vào khung gỗ để di chuyển đến địa điểm mới. Tháng 4/2013, tác phẩm trở lại vị trí ban đầu.

Ngoài di chuyển, tranh nhiều lần bị tấn công. Ngày 13/1/1911, một thợ đóng giày thất nghiệp, cựu đầu bếp Hải quân dùng dao chém vào tác phẩm để phản đối việc anh ta không tìm được việc làm. Tuy nhiên, lớp sơn bóng dày giúp tranh không bị hư hỏng. Năm 1940, lớp sơn bóng được loại bỏ.

Ngày 14/9/1975, Wilhelmus de Rijk – giáo viên thất nghiệp – đi thẳng tới nơi treo The Night Watch và chém vào phần dưới trung tâm bức tranh. Một lính canh ngăn cản nhưng anh ta vẫn đâm được 12 nhát, có vết dài hơn 60 cm. Ở phần trung tâm, tranh bị rách toạc hơn 30 cm. Rijk tuyên bố được Chúa ra lệnh làm điều đó. Các nhà chức trách cho biết anh ta có tiền sử bệnh tâm thần và bị bắt vì tội danh cố ý hủy hoại tài sản. Tranh được phục chế thành công sau bốn năm, nhưng sự hư hại vẫn có thể phát hiện khi nhìn cận cảnh. Rijk tự tử vào tháng 4/1976, trước khi bị buộc tội.

Advertisement. Scroll to continue reading.

Ngày 6/2/1990, một bệnh nhân tâm thần bỏ trốn đã phun acid lên tranh. Nhân viên bảo vệ đã nhanh chóng ngăn lại và xử lý bằng cách phun nước lên mặt tranh. Cuối cùng acid chỉ xâm nhập vào lớp dầu bóng của tác phẩm, được phục chế hoàn toàn.

Tranh được phục chế hơn 25 lần từ khi ra đời, theo Artnews. Tháng 7/2019, bảo tàng bắt đầu đợt trùng tu tranh phức tạp nhất lịch sử. Khoảng 25 người cùng vận chuyển bức tranh nặng 337 kg vào phòng kính rộng 7 m2 được xây dựng đặc biệt. Sau đó họ tách tấm canvas ra khỏi khung gỗ và căng lên khung nhôm đặc biệt để tránh cong vênh. Một nhóm 21 chuyên gia làm việc để tác phẩm trở lại vẻ đẹp ban đầu. Quá trình phục chế được thực hiện trước khách tham quan và truyền hình trực tiếp tới hàng triệu người trên thế giới.

Theo The Guardian, các nhà phục chế, chuyên gia dữ liệu và sử gia nghệ thuật tại Rijksmuseum gọi là Chiến dịch Night Watch. Hiện quá trình thực hiện vẫn chưa hoàn thành.

Di chuyển bức

Di chuyển bức “The Night Watch” vào phòng kính. Video: Rijksmuseum

Advertisement. Scroll to continue reading.

Cũng nằm trong dự án trùng tu, chuyên gia bảo tàng đã chụp từng phần bức tranh. Sau đó, họ dùng AI tái tạo những phần bị cắt bỏ dựa theo dữ liệu lịch sử rồi ghép toàn bộ thành bản sao kỹ thuật số có độ phân giải 44,8 gigapixel (tức 44.804.687.500 pixel), khoảng cách giữa mỗi bức ảnh chỉ là 20 micromet (0,02 mm). Với độ phân giải siêu cao, người xem có thể phóng to bức ảnh đến mức nhìn thấy được các vết nứt chi tiết trên bề mặt. Điều này giúp các nhà khoa học dễ nghiên cứu, theo dõi chính xác quá trình lão hóa của nó.

Tuy nhiên, phiên bản số hóa không được giới thiệu lâu dài bởi nó khiến công chúng lầm tưởng họ đang xem bản gốc đầy đủ. “Các phần mở rộng là cách diễn giải khoa học chứ không phải của nghệ sĩ”, đại diện bảo tàng nói.

Bảo tàng trang bị hệ thống đèn LED bền vững với nhiệt độ màu 3.200 K, nguồn sáng trắng ấm, chỉ số hoàn màu trên 90 giúp thể hiện trọn vẹn sự tinh tế bảng màu phức tạp của tranh. Hệ thống đèn cũng giúp bảo tàng tiết kiệm 80% năng lượng, đảm bảo cho tranh môi trường an toàn hơn do không có bức xạ và nhiệt.

Hiểu Nhân

Advertisement. Scroll to continue reading.


Nguồn: vnexpress.net

Editor: Trần Thảo Vy



Advertisement. Scroll to continue reading.

Copyright © 2022 BATMISHOWBIZ