Ca sĩ Phi Nhung từng gây sốt khi đóng cặp Mạnh Quỳnh trong vở cải lương kinh điển “Lan và Điệp” thập niên 2000.
Hơn 30 năm theo nghề, ngoài sở trường hát nhạc dân ca – quê hương, Phi Nhung còn ghi dấu ấn khi lấn sân diễn xuất với các vở cải lương vang bóng một thời. Sau khi chị qua đời, nhiều khán giả tìm xem lại Lan và Điệp (soạn giả Loan Thảo) – một trong số hiếm tác phẩm Phi Nhung từng diễn nguyên tuồng. Ra mắt năm 2000, vở gây sốt trong và ngoài nước, đến nay vẫn là một trong những tác phẩm cải lương được xem nhiều nhất trên Youtube với gần 15 triệu lượt.
Trong vở, chị và Mạnh Quỳnh tái hiện mối tình kinh điển của sân khấu miền Nam. Trước đó, khán giả thập niên 1970 từng thổn thức với lối ca diễn của nghệ sĩ Thanh Kim Huệ – Chí Tâm trong bản thu đầu tiên. Phi Nhung chọn cách thể hiện mới: tiết chế nét sầu khổ nhưng ánh mắt vẫn thoáng nỗi u uẩn. Trong đoạn Lan tiễn Điệp lên thành phố học, Phi Nhung diễn vẻ ngại ngùng xen lẫn thiết tha của một cô gái miền Tây trước lúc chia xa mối tình đầu đời. Cử chỉ ấp úng, “gãi đầu gãi tai” của Lan khi dặn dò Điệp vừa gây tiếng cười, vừa gợi thương cảm.
Ở những cảnh sau, Phi Nhung càng dốc sức đi sâu tâm lý nhân vật. Chị diễn nỗi đau thấu tâm can của cô gái bị người tình phản bội hôn ước, nhưng vẫn gắng khuyên anh đối xử tốt với người đến sau. Hồi cuối, khi Lan sắp trút hơi thở cuối cùng ở chùa, biểu cảm của chị gợi thương xót khi kết hợp cùng những câu ca cổ: “Lá bàng ngoài kia cũng ngập ngừng rơi trong gió/ Như nỗi buồn xưa chồng chất giữa tim sầu/ Mỗi một giọt mưa là một dòng lệ nghẹn ngào/ Mỗi chiếc lá bàng rơi như con thuyền nhỏ/ Bơi ngược dòng về bến hẹn xa xưa…”. Trên Youtube, nhiều khán giả cho biết khóc khi xem lại đoạn này. “Giờ thì Lan đã bỏ Điệp thật rồi”, Thảo Vy viết.
Sinh thời, Phi Nhung dành tình yêu lớn với cải lương, dốc lòng học hỏi. Năm 2018, chị góp mặt trong vở Đời cô Lựu (soạn giả Trần Hữu Trang) – tác phẩm nghệ sĩ Gia Bảo dựng lại nhân dịp 100 năm cải lương ra đời. Chị đóng Kim Anh (con gái cô Lựu) – vai kinh điển của nghệ sĩ Lệ Thủy. Bạch Tuyết (vai Lựu) cho biết ban đầu Phi Nhung hồi hộp, áp lực khi diễn cùng loạt tên tuổi lớn của sân khấu. Lúc tập tuồng chung với bà, Phi Nhung không ngại hỏi han, nhờ phân tích kỹ thuật diễn cho từng phân cảnh. Đêm diễn chính thức, phân đoạn của Phi Nhung là một trong những điểm nhấn đặc sắc nhất với cảnh Kim Anh đau đớn, thương xót khi biết về cuộc đời bi kịch của mẹ. Lối ca vọng cổ của chị lấy nhiều tiếng vỗ tay từ khán giả bởi âm sắc khàn đặc trưng, làn hơi dài, xuống nhịp chuẩn xác.
Gia Bảo cho biết hồi tháng 4, khi tổ chức mini-show cho nghệ sĩ Hồng Nga, anh mời chị một vai đóng cùng bà. Ca sĩ hào hứng nhận lời, nói anh đừng nghĩ ngợi về cát-xê vì lo Gia Bảo thiếu kinh phí làm show. Dự định mãi gác lại khi TP HCM đóng cửa các sân khấu hồi tháng 5. Ngoài cải lương, Phi Nhung cũng từng thử sức với Hồ Quảng khi diễn vai Chúc Anh Đài trong Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài, hay tuồng xã hội trong Bến đợi – vai Lụa.
Dù chưa từng qua trường lớp diễn xuất, những lần Phi Nhung làm khách mời trong các tiểu phẩm hài đều được hưởng ứng. Năm 2005, trong vở Gieo quẻ đầu năm, chị lần đầu diễn hài, đóng vai một thiếu nữ đi coi bói về đường gia đạo. Kịch bản đơn giản nhưng Phi Nhung liên tục tạo tiếng cười trong những màn “đối đáp lượm liền” với gã thầy bói gian manh (Hoài Linh). Tiểu phẩm thành công, mở đường cho loạt tiết mục hài gây tiếng vang sau này của Phi Nhung. Chị thường kết hợp nhiều cây hài đình đám, như Chí Tài (Gà què ăn quẩn cối xay), Trường Giang (Vợ chồng Đậu)… Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi cho biết Phi Nhung rất mê kịch. “Mỗi lần gặp nhau, chị thường nhờ tôi sắp xếp một vai để tham gia, dù ít ‘đất’ cũng không ngại”, chị nói.
Lối diễn linh hoạt, đáp ứng nhiều dạng vai, Phi Nhung từng được nhiều đạo diễn mời góp mặt trong các phim điện ảnh, truyền hình. Dù là vai nhỏ, chị gây ấn tượng bởi những phân đoạn tạo tiếng cười duyên. Năm 2011, Phi Nhung lần đầu lên màn ảnh nhỏ với vai chị Năm giúp việc trong phim Lâu đài tình ái – diễn cùng Hoài Linh, Chí Tài. Trong Hello cô Ba – phim hài Tết 2012, chị đóng cùng Phước Sang, vai cô vợ thương chồng nhưng tính tình hung dữ. Nét đằm thắm, mộc mạc cũng giúp chị được chọn vào những vai phụ nữ miền Tây với số phận khắc khổ, như Út Tài Lanh – cô gái vừa mang bầu vừa nuôi mẹ già (12 bến nước), hay Ba Huệ – người vợ nông thôn điển hình, yêu chồng thương con (Chuyện tình làng hoa). Chị còn thử sức dạng vai phản diện ở Nhà có năm nàng tiên, tạo nên nhiều tình huống bất ngờ ở cuối phim.
Trước khi qua đời, Phi Nhung ấp ủ một phim ca nhạc tên Mai Hoài Trinh do chị đóng chính, bên cạnh các nghệ sĩ Thoại Mỹ, Phượng Loan, Trinh Trinh… Hữu Quốc – người dựng phần diễn xuất của Phi Nhung – cho biết chị kỹ tính đến mức dù phim đã quay xong hơn một năm, đến giai đoạn hậu kỳ nhưng vẫn chưa hài lòng. Khi ấy, chị nói với anh: “Để em chăm chút thêm phần hình ảnh cho đẹp rồi chọn ngày họp báo ra mắt nha anh”. “Vậy mà, nàng Mai Hoài Trinh đã lỗi hẹn không về. Những thước phim này sẽ trở thành một miền ký ức cho chúng tôi và khán giả mộ điệu”, Hữu Quốc nói.
Tam Kỳ
Nguồn: https://vnexpress.net/phi-nhung-ca-si-dam-me-dien-xuat-4364388.html