“Đừng đổ thừa cho phim ảnh gây xáo trộn xã hội này. Nói như vậy, khác nào bảo chiếu phim thiếu nhi, hoạt hình thì xã hội không còn tội phạm?”, diễn viên Huỳnh Kiến An chia sẻ.
Trong phiên họp thứ 3 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự án Luật Điện ảnh ngày hôm qua, 14/9, Thiếu tướng Lê Tấn Tới – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh cho rằng, cần quy định rõ và chi tiết hơn về nội dung, hành vi nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh.
Ông cũng nhận định: “Hiện 1 số phim có tình tiết cổ súy cho hành vi vi phạm pháp luật, ví dụ phạm tội nhưng không bị xử lý, lối sống ích kỷ, phản ánh quá chân thực, quá chi tiết sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… vô hình trung làm người xem nhận thức sai và bắt chước làm theo.
Điển hình, sau khi VTV chiếu phim “Người phán xử” thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm “xã hội đen” xảy ra rất nhiều. Đất nước chúng ta quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng trong phim thì pháp luật không giải quyết được, mà đưa cho ông trùm làm người phán xử, kể cả phán xử lực lượng công an. Phán xử tất cả. Mà phim đó chiếu trên giờ vàng thì ai chịu trách nhiệm về vấn đề này?”.
Đừng đổ thừa cho phim ảnh gây xáo trộn xã hội này!
Diễn viên Huỳnh Kiến An – một người chuyên trị vai ông trùm bày tỏ suy nghĩ: “Tôi thật sự quan ngại khi có một vị đại biểu Quốc hội mà suy nghĩ như vậy. Tôi là một người làm trong nghề và tôi thật sự bị sốc khi nghe thế.
Nói như vậy, khác nào bảo chiếu phim thiếu nhi, hoạt hình thì xã hội không còn tội phạm? Tôi là diễn viên chuyên vai ông trùm. Chẳng lẽ gia đình tôi cũng bị ảnh hưởng bởi các vai diễn của tôi, vợ con tôi trở thành người không tốt?
Các nước khác làm phim còn dữ dội hơn mình. Về tội phạm, nước nào chẳng có, chẳng lẽ họ cũng đổ thừa cho điện ảnh? Nếu đổ thừa cho điện ảnh thì chẳng nước nào còn điện ảnh nữa.
Đừng đổ thừa cho phim ảnh gây xáo trộn xã hội này. Không phải vậy, nó nằm ở phạm trù khác. So sánh như vậy hoàn toàn không nên và không có cơ sở.
Hơn nữa, phim của mình kiểm duyệt ngày càng khắt khe. Phim Việt Nam, hầu như 99% tội phạm, tới cuối cùng là bị bắt. Tôi đóng phim mấy chục năm, lại chuyên vai ông trùm nhưng không có ông trùm nào cuối cùng thoát được hết. Ông nào cũng bị bắt”.
Nghệ thuật mang tính giáo dục con người
Lột tả càng chân thực thì người xem càng nhớ được nội dung, bài học mà tác phẩm đưa ra. Cái kết có hậu luôn dành cho người thiện và cái kết không có hậu cho người làm điều không đúng”.
Bày tỏ quan điểm về việc thiếu tướng Lê Tấn Tới nói, sau phim “Người phán xử” các băng ổ nhóm tội phạm “xã hội đen” xảy ra rất nhiều, Nguyễn Quốc Trường Thịnh cho hay:
“Thiếu tướng hay tôi hay bất kỳ ai khi xem một bộ phim cũng đều là khán giả. Với tâm thế một người xem phim, mỗi người sẽ có một quan điểm và góc nhìn khác nhau. Người khen hay, người chê dở nhưng vẫn tiếp tục coi. Những góc nhìn đó là sự phản biện, đấu tranh cho nghệ thuật tốt lên.
Cái gì cũng vậy, muốn phát triển thì phải có đấu tranh. Điều đó bình thường. Có những bộ phim, ở thời điểm này, gây tranh cãi, không chấp nhận được nhưng 5 năm, 10 năm nữa, nó lại được tôn vinh khi giá trị của nó được nhìn nhận.
Thời nào cũng có nhưng vì ngày xưa, báo chí, phương tiện truyền thông, mạng xã hội, phim ảnh… chưa phát triển mạnh như bây giờ nên người ta không tiếp cận được nhiều như bây giờ. Chúng ta nên biết ơn những người làm nghệ thuật nói chung và phim ảnh nói riêng, bởi họ phản ánh đời sống và sau mỗi tác phẩm luôn là những bài học giáo dục con người“.
NSND Trung Anh, diễn viên phim “Người phán xử” thẳng thắn bày tỏ, ông cảm thấy bị xúc phạm trước phát biểu này. Đồng thời, ông cũng lo ngại rằng, một người làm về luật Điện ảnh mà có suy nghĩ như vậy, sẽ làm ảnh hưởng tới toàn ngành.
Nguồn: https://molistar.com/truyen-hinh/on-ao-y-kien-phim-giang-ho-lam-tang-toi-pham-dien-vien-chuyen-dong-ong-trum-buc-xuc-toi-bi-soc