Đêm nghệ thuật trực tuyến “Nối vòng tay lớn” nhận 102 tỷ 580 triệu đồng do các nhà hảo tâm đóng góp ủng hộ tuyến đầu chống dịch, tối 26/9.
Đêm nghệ thuật trực tuyến do tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu – AVSE Global khởi xướng, phối hợp Sở Văn hóa – Thể thao và Quỹ Trịnh Công Sơn tổ chức, thông điệp “Âm nhạc là liều thuốc tinh thần, kết nối mọi người”. Với đội phản ứng mang tên “Task Force-Beyond Covid” trong các lĩnh vực: y tế, kinh tế, xã hội, giáo dục…, đơn vị thực hiện mong muốn gây quỹ mua và vận chuyển thiết bị y tế từ nước ngoài về hỗ trợ lực lượng chống dịch trong nước.
Sau tiết mục mở màn – Hãy yêu nhau đi (Trịnh Công Sơn sáng tác), Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu qua cầu truyền hình, nêu lên tình hình khó khăn khi Covid-19 tác động mọi mặt đời sống con người toàn cầu.
Thủ tướng nói: “Vượt qua ý nghĩa của một đêm nhạc, tinh thần đại đoàn kết của toàn dân tộc Việt Nam tiếp tục được tỏa sáng, dù nơi đâu trên Trái đất này, dù mỗi người một hoàn cảnh, cách tiếp cận, mọi trái tim con người Việt Nam mang dòng máu ‘con Lạc cháu Hồng’ đều luôn hướng về nguồn cội, hướng về Tổ quốc thân yêu. Chúng ta đã và đang nhận được rất nhiều đóng góp về tinh thần và vật chất của những tấm lòng nhân ái trên khắp thế giới. Đảng và Nhà nước luôn trân trọng và cảm ơn những đóng góp đó. Tất cả vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân, Đảng và Nhà nước sẽ quyết tâm chính trị cao, nỗ lưc lớn, hành động quyết liệt, với các giải pháp phù hợp, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 và nhanh chóng khôi phục, thúc đẩy phát triển xã hội.
Quê hương là nhà. Quê hương là mái ấm. Quê hương là tình người. Quê hương là khát vọng, là nguồn cội, là nơi để hướng về, để suy ngẫm, và yêu thương. Truyền thống đoàn kết, nhất trí, trái tim nhân ái của mọi người Việt Nam trên khắp thế giới, sẽ hội tụ, sẽ lan tỏa nhất là trong thời khắc khó khăn của đất nước, là liều thuốc, động lực quan trọng để chúng ta chiến thắng trong mọi nghịch cảnh, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19. Chúc các quý vị sức khỏe và bình an”.
Tiếp nối ý của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ở phần kết chương trình, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP HCM – phát biểu: “… Đêm nay, thực sự ngôn ngữ âm nhạc đã nối liền tâm hồn mỗi chúng ta như bài hát chủ đề của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – người có nhiều năm gắn bó với thành phố thân yêu này. Chúng ta hy vọng và chờ đợi sau những ngày tháng khó khăn, thành phố nhất định đón chào ngày mới với những nụ cười nối trên môi tất cả mọi người. Chúng ta tiếp tục xây dựng thành phố đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, và sẽ có những hình thức phù hợp để ghi lại những hy sinh mất mát, những đóng góp to lớn trong đại dịch này”.
Trong hai giờ, chương trình truyền tải tinh thần lạc quan qua chùm ca khúc gửi gắm tình yêu quê hương đất, tình cảm con người. Sài Gòn – mảnh đất chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch, hiện lên tình tứ, dịu dàng với Tình ca phố (sáng tác: Quốc Bảo, biểu diễn: Đức Tuấn), Sài Gòn chưa xa đã nhớ (sáng tác: Quang Thái, biểu diễn: Tạ Minh Tâm)…
Vợ chồng nghệ sĩ Cẩm Vân, Khắc Triệu hát Sài Gòn, tôi sẽ của thầy giáo tiếng Anh Thái Dương, nhạc phẩm được hưởng ứng trên mạng xã hội. Ca khúc ra đời những ngày đầu thành phố giãn cách, gửi gắm tình yêu với mảnh đất Sài Gòn, mong ước nhịp sống bình thường sớm trở lại.
“Sài Gòn tôi sẽ náo nức như thường
Sẽ thơm phở ngon, sẽ huyên phố phường
Sài Gòn tôi sẽ thắm tươi hoa cờ
Sẽ vang tiếng ca muôn lời thơ…”.
Tiết mục ca cổ của Thanh Ngân, Lê Tứ tạo điểm nhấn cho chương trình. Họ hát bài Sức sống những dòng sông của Hoàng Song Việt, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, con người Sài Gòn. Các nghệ sĩ cũng gửi gắm mong ước về cuộc sống bình thường mới qua các khúc tình ca Giọt nắng bên thềm (sáng tác: Thanh Tùng, Thanh Lam biểu diễn), Đêm thành phố đầy sao (Trần Long Ẩn, Tùng Dương hát).
Các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn vang lên trong đêm nhạc, thể hiện tinh thần chung sức chung lòng của dân tộc. Ca sĩ Mỹ Kyo York chọn hát Để gió cuốn đi vì xúc động trước tinh thần tương trợ của người Việt. Hà Lê biểu diễn Huế – Sài Gòn – Hà Nội, gửi gắm thông điệp đoàn kết ba miền. Các nghệ sĩ tham gia chương trình hòa giọng trong bài Hãy yêu nhau đi, Nối vòng tay lớn.
Bà Trịnh Vĩnh Trinh – đại diện gia đình cố nhạc sĩ – nói ở phần kết: “Đất nước đang trải qua những thời khắc gian nan, trong dịch bệnh vẫn sáng lấp lánh tình yêu giữa người với người, giữa chúng ta với quê hương. Dân tộc chúng ta luôn khát khao chiến thắng. Chúng ta hãy ‘nối vòng tay lớn, cùng nhau khống chế Covid-19, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Tôi và gia đình tin rằng ngày đó sẽ không còn xa nữa”.
Dù đều biểu diễn tại nhà, các nghệ sĩ nỗ lực mang đến những tiết mục nhiều màu sắc, nhờ nỗ lực tập luyện chỉnh chu, biến tấu linh hoạt. Sống ở hai nơi Hà Nội – TP HCM, nghệ sĩ Thanh Bùi, Hoàng Quyên dành nhiều ngày bàn bạc để tiết mục song ca We are one trực tuyến hoàn hảo.
Trong không gian nhỏ tại nhà, Hà Lê vẫn nhảy nhót, khuấy động không khí. Dàn nhạc gồm vài chục người của Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen trình diễn ăn ý bản hòa tấu Vó ngựa trời Nam, sáng tác của nghệ sĩ Huỳnh Tú. Nhiều nghệ sĩ như Thanh Lam, Hồng Nhung, Cẩm Vân… dựng sân khấu đẹp tại gia, tạo hiệu ứng tốt cả về thị giác lẫn âm thanh cho khán giả.
Chương trình ghi điểm khi phát xen kẽ các video ghi lại hình ảnh tình nguyện viên, y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Dù không thể tham gia trực tiếp đêm nhạc do sức khỏe, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn – giám đốc âm nhạc – xuất hiện trong video tư liệu nhiều cảm xúc. Chị Kiều Đàm Linh – vợ anh – nói tin tưởng chồng tiếp tục vượt bệnh tật nhờ ý chí kiên cường. Bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, TP HCM, nơi nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn điều trị – cho biết đơn vị ông vừa hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân, vừa hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn mượn câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” – để khích lệ tinh thần cộng đồng đồng lòng chống dịch.
Hà Thu Xem diễn biến chính
Nguồn: https://vnexpress.net/noi-vong-tay-lon-keu-goi-duoc-hon-102-ty-dong-chong-dich-4362338-tong-thuat.html