Connect with us

Hi, what are you looking for?

Bật Mí Showbiz 24H

‘Nợ non nước’ – tác phẩm về thời trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh


Vở cải lương “Nợ non nước” khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ấu thơ đến lúc lên tàu sang Pháp.

Vở chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thế Kỷ, ra mắt tối 19/5 tại Nhà hát lớn Hà Nội, dịp kỷ niệm 132 năm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mở đầu là hình ảnh chàng trai Nguyễn Tất Thành (Minh Hải đóng) vào Sài Gòn, chuẩn bị ra đi tìm đường cứu nước. Theo dòng hồi tưởng, những sự kiện từ khi lọt lòng đến lúc trưởng thành của nhân vật hiện lên. Qua đó, tác phẩm thể hiện tình yêu gia đình, quê hương, sự thay đổi về nhận thức, tư tưởng của nhân vật chính.

Trích đoạn 'Nợ non nước' 1

Trích đoạn Nguyễn Tất Thành (áo dài trắng) tại trụ sở Liên Thành Thương Quán ở Sài Gòn. Video: VTC10

Advertisement. Scroll to continue reading.

Với thời lượng 120 phút, êkíp chọn lọc những lát cắt tiêu biểu trong 20 năm đầu cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguyễn Sinh Cung chào đời trong vòng tay của ông bà ngoại và cha mẹ một ngày giữa mùa sen tháng 5 ở Nghệ An. Năm 1901, mẹ Nguyễn Sinh Cung – bà Hoàng Thị Loan – qua đời ở Huế, khi chồng và con trai đầu đi công vụ ở xứ Thanh. Nguyễn Sinh Nhuận – em trai Nguyễn Sinh Cung – cũng mất không lâu sau đó vì đói khát, ốm đau.

Bước ngoặt tác động mạnh đến tư tưởng của Nguyễn Tất Thành là khi cha – ông Nguyễn Sinh Sắc, tri huyện Bình Khê, Bình Định – bị triệu hồi về Huế chịu án phạt vì bênh vực dân nghèo, khích lệ tinh thần yêu nước… Khi cha và anh trai về Huế, Nguyễn Tất Thành được bạn cũ của cha giới thiệu đến dạy học ở trường Dục Thanh.

Trích đoạn

Trích đoạn Nguyễn Tất Thành và Lê Thị Huệ tại bến cảng Sài Gòn. Video: VTC10

Sau đó, Nguyễn Tất Thành lên đường vào Sài Gòn, đến trụ sở Liên Thành Thương Quán. Đây là tổ chức kinh doanh do các sĩ phu yêu nước ở Bình Thuận sáng lập năm 1906 để hưởng ứng phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng. Tại đây, Nguyễn Tất Thành tìm kiếm cơ hội lên tàu sang Pháp, tìm đường cứu nước.

Advertisement. Scroll to continue reading.

Nợ non nước còn lồng ghép đời sống tình cảm riêng tư của Nguyễn Tất Thành, bên cạnh những nỗi lo về nước nhà. Khi trò chuyện với người quen, Nguyễn Tất Thành kể về lần tương tư cô gái tên Huệ. Huệ xinh đẹp, hiền dịu, sinh ra trong gia đình làm quan, từng là học trò của cha ông thời ở Huế. Tuy nhiên, vua Thành Thái bị người Pháp phế ngôi, cha Nguyễn Tất Thành bị điều đi nơi khác làm quan tri phủ, cả hai mất liên lạc từ đó. Tại bến cảng Sài Gòn, khi chuẩn bị sang Pháp, Nguyễn Tất Thành gặp lại Huệ. Họ thăm hỏi rồi vội vàng nói lời từ biệt.

Lấy cải lương làm chủ đạo, tác phẩm kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, ca Huế và dân ca Nam Bộ… Ở cảnh chàng trai Nguyễn Sinh Sắc và cô gái Hoàng Thị Loan cùng bạn bè vui chơi, đối đáp trong một đêm trăng bên dòng sông Lam, giai điệu Hò khoan vang lên rộn ràng.

Ở cảnh bà Hoàng Thị Loan đau ốm, yêu cầu Nguyễn Sinh Cung hát ru con út đang khóc, bài Hò ru con được lồng ghép: “À ơi, ru em em théc cho muồi. Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu”. Khi bà Loan qua đời, trời đổ mưa gió, một bên là Nguyễn Sinh Cung gọi mẹ, một bên em bé Nguyễn Sinh Nhuận khóc ngặt, giai điệu dân ca Huế vang lên khiến nhiều khán giả xúc động.

Âm nhạc, điệu nhảy của Pháp được lồng ghép trong một vài khung cảnh ở Sài Gòn, khi Nguyễn Tất Thành lên tàu xin làm phụ bếp.

Advertisement. Scroll to continue reading.

Ông Ngô Bá Lục – khán giả của buổi diễn – nhận xét tác phẩm gây ấn tượng khi kết hợp cải lương và dân ca ví giặm xứ Nghệ, tạo nên không gian ngọt ngào. “Đạo diễn đã chắt lọc, lựa chọn những bài có thể kết hợp hai loại hình, hòa quyện vào nhau. Khi nghệ sĩ đang hát ví giặm, chuyển qua vọng cổ, tôi vẫn thấy rất nhuần nhuyễn. Một vở diễn về Chủ tịch Hồ Chí Minh đầy chất thơ, lãng mạn và trang trọng, thành kính”, ông Bá Lục nói.

Nghệ sĩ Minh Hải đóng vai Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Hoàng Huế

Nghệ sĩ Minh Hải đóng vai Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Hoàng Huế

Trước đó, tại buổi họp báo giới thiệu tác phẩm, đạo diễn Triệu Trung Kiên cho biết thách thức khi thực hiện vở diễn về Chủ tịch Hồ Chí Minh là làm sao vừa hấp dẫn, thu hút khán giả, vừa không trùng lặp các tác phẩm trước đó. Êkíp dành nhiều thời gian tham gia các hội thảo khoa học, nghiên cứu về việc Chủ tịch Hồ Chí Minh, để lồng ghép tư liệu vào vở diễn. Tác phẩm được chuẩn bị hai năm trước song do dịch, đầu năm nay nhà hát mới dàn dựng và công diễn.

Nợ non nước là phần đầu tiên trong dự án sân khấu Nước non vạn dặm về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh do Nhà hát Cải lương Việt Nam thực hiện. Hai phần sau dự kiến ra mắt vào năm 2023 và 2024, tập trung vào hành trình Nguyễn Tất Thành hoạt động ở nước ngoài rồi về nước làm cách mạng.

Hiểu Nhân

Advertisement. Scroll to continue reading.


Nguồn: https://vnexpress.net/no-non-nuoc-tac-pham-ve-thoi-tre-cua-chu-tich-ho-chi-minh-4465771.html
Click to comment

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Copyright © 2022 BATMISHOWBIZ