Hong KongĐạo diễn phim “Trái tim rồng” (1985) từng đề nghị tám Long hổ võ sư đóng cảnh nhảy từ tầng bảy, kết quả, bảy người gãy chân.
Phim tài liệu Long hổ võ sư ra mắt cuối tháng 8, nhận được quan tâm của nhiều khán giả khi là tác phẩm đầu tiên khai thác toàn diện về cuộc đời, công việc của các diễn viên chuyên đóng cảnh nguy hiểm trong phim Hong Kong, từ thập niên 1960 đến nay.
Poster phim tài liệu là một tấm lưng, ghi những sự việc trên phim trường. Năm 1983, Nguyên Võ bị ngã gãy cổ khi đóng Kì mưu diệu kế ngũ phúc tinh. Năm 1985, Lâm Chánh Anh bị chấn động não ở phim trường Cương thi tiên sinh. Năm 1986, Thành Long vỡ xương sọ khi đóng Long huynh hổ đệ, cùng năm, Hồng Kim Bảo gãy tay vì cảnh quay trong Đại phúc tinh.
Tác phẩm có sự tham gia của gần 100 người làm việc lĩnh vực phim hành động. Phim cũng dành nhiều thời gian nói về những người kém nổi tiếng hơn nhưng góp phần quan trọng làm nên nhiều cảnh kinh điển trên màn ảnh, như Hỏa Tinh, Tiểu Hầu, Lê Cường Quyền, Hoa Tử Nguyên…
Những người chuyên đóng cảnh nguy hiểm phim hành động Hong Kong được gọi là Long hổ võ sư. Không ít trong số họ xuất thân từ trường dạy diễn kịch, võ thuật của võ sư Vu Chiêm Nguyên. Ông là sư phụ của Thành Long, Hồng Kim Bảo, Nguyên Hoa, Nguyên Bưu… Ở tuổi niên thiếu, Thành Long hay Hồng Kim Bảo đều từng lăn xả trên phim trường, chịu đau đớn thể xác để có cơ hội diễn xuất. Dần dần, họ trở thành những trụ cột của dòng phim hành động.
Bấy giờ, các ê-kíp Long hổ võ sư của Lưu Gia Lương, Thành Long, Hồng Kim Bảo và Viên Hòa Bình cạnh tranh nhau, xem bên nào thể hiện được cảnh khó, khốc liệt hơn. Hỏa Tinh nói: “Chúng tôi thường nghiên cứu cảnh hành động của ai nguy hiểm hơn để tìm cách vượt qua người đó. Các anh em luôn so tài cao thấp. Người này nhảy từ tầng sáu, người sau phải nhảy từ tầng bảy xuống mới chịu”. Hollywood quay cảnh nguy hiểm bằng kỹ xảo còn các Long hổ võ sư làm phim bằng xương máu của họ.
Trong phim Kế hoạch A (1983), Thành Long có cảnh rơi từ tháp đồng hồ ở độ cao hơn 15 m. Trước khi Thành Long diễn, một số Long hổ võ sư thử nghiệm rơi trước, trong đó có Hỏa Tinh. Ông cho biết: “Trước tôi, đã có ba, bốn anh em rơi thử và bị thương. Đến lượt tôi, tôi rất sợ, không dám buông tay mà cứ bám trên tháp cả tiếng đồng hồ”. Hỏa Tinh may mắn không gặp tai nạn ở cảnh này, Thành Long cũng diễn thuận lợi, làm nên thước phim kinh điển của dòng phim hành động thế giới.
Nhưng Hỏa Tinh không may mắn ở tác phẩm khác – Long thiếu gia. Phim có cảnh Thành Long ngã từ tầng hai xuống, đè lên người Hỏa Tinh. Cảnh này quay 15 lần, khiến Hỏa Tinh bị thương ở eo, phải nằm một chỗ hai tháng.
Thập niên 1980, xe cấp cứu túc trực ở trường quay phim hành động. Khi đạo diễn hô “Cắt”, nhân viên không thu dọn đồ để nghỉ mà hô hào: “Cứu người”. Năm 1985, đạo diễn phim Trái tim rồng đề nghị tám Long hổ võ sư nhảy từ tầng bảy xuống, kết quả, bảy người gãy chân. Bấy giờ, không công ty nào chấp nhận bán bảo hiểm cho diễn viên đóng thế, diễn viên phim hành động.
Diễn viên Tiền Gia Lạc nói từng vài lần “đối diện thần chết” trên phim trường. Anh kể nhiệm vụ khi quay Trái tim rồng năm 1985 là: Lao vào kính chắn trên tầng ba, rơi xuống tấm bạt giăng ở tầng một, sau đó bị hất rơi lên nóc xe vừa chạy tới. Đoàn phim phải tính toán kỹ về thời điểm Tiền Gia Lạc rơi xuống, thời điểm xe chạy tới. Tuy nhiên quá trình quay, Tiền Gia Lạc không trúng vào tấm bạt mà rơi lên nóc xe, lập tức vào viện.
Ngoài ra, các “đả nữ” Hồ Huệ Trung, Lý Trại Phượng bị bỏng nhiều vị trí trên cơ thể khi đóng Devil Hunters (1989). Hùng Hân Hân hôn mê hai ngày vì trọng thương trên phim trường Đao (1995)…
Diễn viên Chân Tử Đan cho rằng các Long hổ võ sư liều lĩnh đến mức phi lý và khó tin. Anh nói: “Có những người liều lĩnh vì muốn thể hiện võ công của anh cừ nhất, chứng minh mình bản lĩnh, đàn ông. Ở góc độ khác, chính vì thói quen nghề nghiệp như thế, phim võ thuật ngày đó hay hơn bây giờ”. Diễn viên Dư Viên Ổn, từng làm Long hổ võ sư, cũng nói ngày nay “chẳng có võ thật mà xem nữa, tất cả đều là kỹ xảo”.
Nhiều Long hổ võ sư cho rằng dùng kỹ xảo, trí óc để quay cảnh hành động có ưu điểm là bảo vệ được diễn viên, cho họ cơ hội cống hiến lâu dài hơn. Còn nếu lăn xả bằng cơ thể, tới 50 tuổi, diễn viên khó trụ được với nghề. Hơn nữa, ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển, ý thức bảo vệ nhân viên trường quay được nâng cao. Vì thế, các nhà làm phim chủ yếu dùng kỹ xảo thay vì tìm người liều mạng. Đạo diễn Từ Khắc nói: “Những gì mà các võ sư long hổ thế hệ trước làm, sau này chẳng ai làm được. Mong mọi người biết đến cống hiến và sự nỗ lực của họ với phim hành động Hong Kong”.
Để làm phim tài liệu, đạo diễn Ngụy Quân Tử tiếp xúc hàng trăm đạo diễn, diễn viên, chỉ đạo hành động… Hiện khoảng 300 người tham gia Hội Diễn viên đóng thế, hành động, do Tiền Gia Lạc làm chủ tịch hội.
Năm 2017, Ngụy Quân Tử dự buổi tiệc dịp năm mới cùng các Long hổ võ sư, thấy họ hào sảng, vui vẻ. Nhưng Tiền Gia Lạc nói: “Điều anh thấy chỉ là bề ngoài. Những tiền bối này năm xưa liều mình đóng phim vì thế cơ thể nhiều thương tích. Nhiều người trong số họ không giỏi giữ tiền nên sau khi nghỉ hưu, cuộc sống của họ không mấy như ý”. Người cao tuổi nhất trong hội là Cao Tử Nguyên, 100 tuổi. Từ khi nghỉ hưu năm 70 tuổi, ông sống nhờ trợ cấp xã hội.
Ngụy Quân Tử cho rằng Long hổ võ sư là các anh hùng của dòng phim hành động Hong Kong. Nhờ công sức của họ, phim võ thuật có chỗ đứng trong lòng khán giả nhờ sống động, chân thực. Long hổ võ sư trở thành dấu vết không thể phai mờ trong lịch sử điện ảnh.
Nghinh Xuân
Nguồn: https://vnexpress.net/nhung-dau-don-o-hau-truong-phim-hanh-dong-4367374.html