Thu Vân, Lê Trung Thảo, Võ Minh Lâm… thi “Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang 2022”.
Vòng chung kết cuộc thi bắt đầu từ ngày 17 đến 21/10 tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, TP HCM. Sân chơi năm nay có 27 gương mặt tranh tài ở nhiều hạng mục, trong đó có chín trường hợp được đặc cách vào thẳng chung kết do từng đoạt các giải thưởng.
Nhiều thí sinh từng có thành tích nổi bật trong sự nghiệp như nghệ sĩ Lê Trung Thảo, Thu Vân, Khánh Tuấn, Hà Như. Các giọng ca từng đoạt “Chuông Vàng Vọng cổ” như Võ Minh Lâm, Nguyễn Minh Trường, Nguyễn Văn Khởi, Phương Cẩm Ngọc, Nhật Nguyên… hứa hẹn khiến sân khấu thêm màu sắc, gay cấn.
Nghệ sĩ Ưu tú Thu Vân (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) cho biết cô mang tâm thế “lính mới” khi đến với giải. Mục tiêu của cô không phải danh hiệu, huy chương mà là trải nghiệm làm nghề, hòa cùng các đồng nghiệp. Nghệ sĩ nói: “Tôi cảm thấy bản thân phải học hoài, học mãi”.
Ở đêm thi đầu tiên, Thu Vân dự thi vai đào mùi Huệ trong trích đoạn Duyên kiếp gây ấn tượng. Các thí sinh như Võ Thị Hồng Mảnh (nghệ danh Hồng Mảnh, đến từ Trung tâm Văn hóa tỉnh Cà Mau) diễn vai đào mùi Hiếu trong trích đoạn Một phút một thời. Phan Thành Đông – nghệ danh Thanh Đông (hoạt động tự do) – dự thi vai kép hài Tèo trong trích đoạn Giũ áo bụi đời… cũng để lại chú ý.
Ban tổ chức cho biết thí sinh toàn quyền chọn kịch bản. Sau khi đăng ký tác phẩm dự thi, các chuyên gia gồm nghệ sĩ tên tuổi, nhiều kinh nghiệm sẽ góp ý, tư vấn thêm. Năm nay, có nhiều thí sinh lựa chọn các trích đoạn dự thi mang tính hiện đại, phản ánh nhiều vấn đề nóng của xã hội.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TP HCM, Trưởng ban tổ chức, cho biết giải cải lương Trần Hữu Trang góp phần tạo nên sự sôi động cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật TP HCM, nhất là trong bối cảnh đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa trở lại mạnh mẽ sau đại dịch.
Cuộc thi năm nay mở rộng đối tượng, bao gồm cả thí sinh tự do. Bà Thanh Thúy nói: “Ban tổ chức mong sân chơi sẽ tạo cơ hội cho các nghệ sĩ thường đóng vai phụ, ít có điều kiện được đứng trên các sân khấu, vở diễn lớn có cơ hội thỏa sức với nghề. Quy chế cuộc thi là nghệ sĩ đã hoạt động nghề chuyên nghiệp 5 năm, không giới hạn tuổi tác”.
Sau đêm thi đầu tiên, bà Thanh Thúy nhìn nhận điểm sáng đến từ nội lực, sự nghiêm túc, đầu tư, dàn dựng tác phẩm của thí sinh. “Tôi thấy nhiều gương mặt có điểm khác biệt so với vòng sơ tuyển, tính chuyên nghiệp thể hiện rõ nét hơn. Những tràng pháo tay khán giả dành cho một số tiết mục đã chứng minh điều đó”, bà Thúy nói.
Tại vòng chung kết, thí sinh sẽ diễn một trích đoạn cải lương tự chọn (không quá 25 phút), trả lời câu hỏi từ Hội đồng báo chí. Ban tổ chức sẽ trao huy chương ở các thể loại vai: kép mùi – đào mùi, kép độc – đào độc, kép lão – đào mụ, kép hài – đào lẳng.
Hội đồng nghệ thuật chung khảo gồm nghệ sĩ Trần Ngọc Giàu, Giang Mạnh Hà, Ca Lê Hồng, Thoại Mỹ, Thanh Thanh Hiền, Thanh Điền, Quế Trân. Hội đồng tư vấn nghệ thuật gồm Nhà giáo Ưu tú Diệu Đức, nghệ sĩ Kim Phương, Phượng Loan. Lễ tổng kết và trao giải sẽ diễn ra tại Nhà hát Thành phố, tối 31/10.
Giải thưởng Trần Hữu Trang được đặt theo tên soạn giả cải lương nổi tiếng. Cuộc thi tổ chức lần đầu năm 1991, tiền thân là giải Thanh Tâm. Ngoài mục đích tìm kiếm tài năng, tăng cường lực lượng nghệ sĩ kế thừa, sân chơi tạo điều kiện giao lưu, học hỏi, khơi gợi ý thức tự rèn luyện, tôn trọng nghề nghiệp. Giải thưởng từ cuộc thi sẽ được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chứng nhận, là cơ sở đề xuất xem xét, bổ sung thành tích nghệ thuật cá nhân trong các đợt xét danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú của Nhà nước.
Giải từng là bệ phóng tên tuổi cho nhiều nghệ sĩ như Ngọc Huyền, Vũ Linh, Tài Linh, Kim Tử Long, Thanh Ngân, Vũ Luân, Tú Sương…
Tân Cao
Nguồn: vnexpress.net
Editor: Trần Thảo Vy