Ca sĩ Thanh Lam từng hát sai một nốt trong bài “Romance 3”, bị nhạc sĩ Phú Quang giận suốt bốn năm.
Chiều 23/8, con gái, con rể nhạc sĩ cùng một số ca sĩ tổ chức buổi gặp gỡ giới thiệu đêm nhạc Phú Quang, diễn ra vào tháng 10. Tám tháng từ khi ông qua đời, nghệ sĩ Trinh Hương không nguôi xúc động khi nhắc về bố.
Cô nói: “Bố tôi là người năng động, hơn một năm nằm liệt giường, ông không thể đi cà phê, gặp gỡ bạn bè. Khi bệnh trở nặng, ông không thể trò chuyện, ăn uống nhưng tinh thần vẫn minh mẫn. Nhìn vào đôi mắt ông, tôi thấy nỗi buồn sâu thẳm. Nhiều lúc, tôi không biết việc mình cố níu giữ bố, đưa ông từ viện này qua viện khác là đúng hay sai. Nhưng các bác sĩ đều nói đến tận khi qua đời, ý chí sống của ông vẫn mạnh mẽ”.
Cô nhớ kỷ niệm sinh nhật cuối cùng của ông ngày 8/7 năm ngoái. Khi Trinh Hương mua bánh, hoa đến tặng bố, ông mỉm cười. Ngày hôm ấy, cô mời người nhà bệnh nhân nằm cùng khu ăn món yêu thích của nhạc sĩ – bún chả.
Với Trinh Hương, bố giống một người bạn lớn. Bố mẹ ly hôn từ khi cô mới một tuổi, nghệ sĩ sống với mẹ, được bố đón về chơi mỗi cuối tuần. Cô thân thiết với vợ sau của bố – nghệ sĩ flute Nguyễn Hồng Nhung, được bà yêu thương, chăm sóc như con ruột.
Mẹ Trinh Hương – nghệ sĩ ballet Phạm Thị Chung – hướng con gái học piano cổ điển từ nhỏ, không cho cô xem tivi, nghe nhạc pop, nghe đài. Mỗi lần gặp bố, hai người cùng đi chơi, hỏi han nhau chứ không bàn chuyện âm nhạc. Đến năm 14 tuổi, Trinh Hương đi du học ở Nga. Một ngày, bạn cùng phòng bật đĩa nhạc, cô hỏi: “Nhạc của ai hay vậy?”. Bạn há hốc mồm, nói: “Băng cassette tao lấy trong hành lý của mày, nhạc của bố mày đấy”. Sau này, khi về nước, nhạc sĩ Phú Quang đưa con gái, con rể vào chơi trong các đêm nhạc của ông. Từ khi ấy, Trinh Hương mới nghe nhạc của bố nhiều hơn.
Nhạc sĩ Phú Quang luôn ủng hộ con gái vô điều kiện. Thời Trinh Hương mới yêu nghệ sĩ violin Bùi Công Duy, nhiều người thân, bạn bè ngăn cản vì cô hơn bạn trai sáu tuổi. “Mọi người nói Duy có tài lại đẹp trai, sẽ không thể ở bên tôi lâu. Chỉ có bố khuyên: ‘Bố nghĩ muốn đi với nhau đến hết cuộc đời, hai người cần có sự đồng điệu trong tâm hồn. Bố nhìn thấy ở con và Duy sự đồng điệu ấy’. Nhờ bố, tôi vững tin ở bên chồng cho đến tận bây giờ”, Trinh Hương nói.
Khoảng năm 2006, khi nhiều người khuyên ở lại Nga tiếp tục phát triển sự nghiệp, vợ chồng Trinh Hương vẫn quyết định về nước. Lúc ấy, chỉ Phú Quang ủng hộ các con, ông nói: “Bố nghĩ, môi trường chỉ là một phần, nếu bản thân muốn, ở đâu các con cũng có thể làm nghề”.
Ông cũng chiều con rể – nghệ sĩ violin Bùi Công Duy. Cả hai thân thiết nhờ sở thích bóng đá, có thể trò chuyện hàng giờ về đội tuyển yêu thích – câu lạc bộ Manchester United (Anh). “Mọi người không thể tưởng tượng được hình ảnh của bố khi xem bóng đá. Trước mỗi pha ghi bàn, những tình huống đáng tiếc hay một cú phạt penalty, ông háo hức, hò hét say mê. Thỉnh thoảng, hai bố con cá cược với nhau để thêm phần gay cấn”, Bùi Công Duy nói.
Ngoài con gái cả, nhạc sĩ Phú Quang có với người vợ thứ hai con thứ Giáng Hương, con út Phú Vương. Cả hai đều học nhạc từ bé nhưng không theo nghệ thuật. Trước khi qua đời, nhạc sĩ viết trong di chúc Trinh Hương là người kế thừa di sản âm nhạc của ông. Ông dặn dò ngoài việc giữ gìn tác phẩm, cô có nhiệm vụ tổ chức các đêm nhạc Phú Quang hàng năm, kết nối các em bằng âm nhạc của bố. Vì thế, ba chị em chung tay làm liveshow sắp tới. Trinh Hương chịu trách nhiệm sản xuất chính, Giáng Hương biên tập âm nhạc, Phú Vương thiết kế banner, vé mời của chương trình.
Khó tính, cẩn thận trong công việc, hóm hỉnh trong cuộc sống là điều nhiều người nhớ về nhạc sĩ. Thanh Lam kể một lần, cô hát sai một nốt trong bài Romance 3, bị nhạc sĩ giận bốn năm. Khi giận ai, ông không nói nhiều, chỉ lẳng lặng không mời hát ở các liveshow của mình. Hết giận, ông tự làm lành bằng cách chủ động gọi điện. Thanh Lam nói “ghen tỵ” với Tấn Minh vì ít bị nhạc sĩ quát mắng, cũng không bị ông giận dỗi bao giờ.
Tấn Minh được nhạc sĩ phát hiện năm 1993, khi anh mới vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Vài năm sau, ông bắt đầu mời Tấn Minh tham gia các đêm nhạc. Hai người gặp gỡ nhau hàng tuần, tâm sự đủ chuyện từ công việc, cuộc sống gia đình, tình yêu. Anh học được từ ông sự kỹ lưỡng, cầu toàn trong nghệ thuật.
Hà Linh – trợ lý nhiều năm của Phú Quang – không đếm nổi số lần bị nhạc sĩ mắng mỏ, nhưng vẫn yêu quý ông bởi sự tử tế. Trước mỗi lần diễn ra show nhạc, ông thường mất ăn mất ngủ, đòi đổi kịch bản sát giờ, êkíp đều phải nương theo. “Sự giận dỗi của ông cũng là nét đáng yêu. Giận rồi lại thôi. Ở gần ông nhiều năm, tôi có cơ hội gặp nhiều bóng hồng trong các sáng tác. Tôi hay đùa: ‘Người yêu cũ của chú phải ngồi kín hàng ghế đầu Nhà hát Lớn’, ông chỉ cười. Nhạc sĩ sống đức độ nên dù cuộc tình đã qua, tôi thấy ai cũng trân trọng ông”, Hà Linh nói.
Đêm nhạc đầu tiên gia đình tổ chức sau khi nhạc sĩ Phú Quang qua đời mang tên Miền ký ức, lấy từ tên ca khúc Trong miền ký ức, phổ thơ Hoàng Hưng, ra đời năm 1997. Bài hát là nhạc phẩm đầu tiên Phú Quang viết về Hà Nội, dù không nhắc đến tên thành phố. Khi ấy, nhạc sĩ sống ở TP HCM, nhớ da diết quê hương với những con đường bụi đỏ, nóc nhà thờ đầy gió, những chuyến xe đông, cơn gió mùa se sắt. Năm 28 tuổi, Thanh Lam vào Sài Gòn thu âm ca khúc.
Hà Thu
Nguồn: vnexpress.net
Editor: Trần Thảo Vy