“Tôi dốc hết tài sản chữa bệnh cho mẹ, chỉ mong cho mẹ sống vui, sống khỏe. Thân xác tôi còn không màng thì tài sản chỉ là chuyện nhỏ”, danh ca Ngọc Sơn nói.
“Sứ mệnh của tôi là sinh ra để báo hiếu cha mẹ”
Khi nhắc tới Ngọc Sơn, ngoài những ca khúc để đời về tình mẫu tử thiêng liêng thì điều mà khán giả không thể không nghĩ tới, chính là sự hiếu thảo của anh với đấng sinh thành. Khi nghe lời khen đó, lúc mẹ còn sống và khi mẹ đã ra đi mãi mãi, cảm xúc của anh có gì khác biệt?
Khi ba mất, tôi chưa chuẩn bị cho sự ra đi của song thân nên thời điểm đó, tôi “đóng” mình lại, mấy năm không đi hát. Tôi buồn, không hứng thú gì với việc nhảy nhót trên sân khấu.
Tôi thương cha, thương mẹ lắm, thương tới mức nghĩ là, cha mẹ mà chết, chắc mình chết luôn, không sống được. Đó là thứ tình cảm tự nhiên ở trong máu thịt mình rồi. Mỗi người một sứ mệnh nhưng tôi nghĩ, sứ mệnh của tôi là sinh ra để báo hiếu cho cha mẹ.
Trước khi mẹ qua đời, tôi đưa mẹ đi khắp nơi chữa bệnh. Tôi dốc hết tài sản cho mẹ, chỉ mong cho mẹ sống vui, sống khỏe. Thân xác tôi còn không màng thì tài sản chỉ là chuyện nhỏ.
Mẹ tôi qua đời trong lúc Covid hoành hành, mọi người đều ở nhà. Tôi đau khổ tột cùng, khóc sưng mắt mấy ngày mấy đêm. Nhưng nghĩ lại, nhìn ra xung quanh, còn biết bao nhiêu người mất cha, mất mẹ, hoàn cảnh đau khổ hơn nữa. Tôi muốn chia sẻ với người khác nhưng rất ngại người khác chia sẻ ngược lại với mình cho nên tự bảo lòng, phải vững tâm và vượt qua tất cả.
Tôi viết nhạc, rèn luyện thể thao để mang tới cho mọi người năng lượng tích cực và cũng lấy đó làm năng lượng tích cực cho mình. Nhưng thật sự, ai cũng có nỗi đau. Tuy nhiên, giờ tôi đã hồi phục và mang một trách nhiệm rất lớn là, thời gian dành cho cha mẹ thì giờ tôi dành cho đại gia đình, bay khắp nơi biểu diễn.
Thời điểm mẹ mất, anh đang là F1 phải cách ly, không được gần mẹ giây phút cuối. Anh có được nghe lời trăng trối của mẹ?
Tôi không nghe được gì hết. Mẹ ra đi, tôi không màng gì cả. Cuộc đời này, tôi lo được cho mẹ trọn vẹn tới ngày mẹ nằm xuống là mừng rồi, trọn chữ hiếu rồi. Trong một quãng thời gian dài, tôi không lên truyền hình là vì chăm mẹ. Chỉ còn mình tôi chăm mẹ, vì anh chị em mỗi người một nơi hết rồi.
Anh có bị day dứt vì khi mẹ mất, mình không thể ở bên?
Biệt danh “bụt con”, không màng tài sản vật chất
Điều mẹ luôn luôn dạy anh khi còn sống là gì?
Mẹ thương con là đủ rồi. Tình thương của mẹ đủ để con lớn khôn, trưởng thành. Trong nhà, mọi người gọi tôi là “bụt con”, không biết phản kháng là gì. Nói thật là hồi nhỏ, tôi muốn đi tu. Mình hiền quá, không đụng tới ai được hết. Chưa kể, phân nửa gia đình nhà nội đi tu.
Ba tôi là Phạm Ngọc Thanh, huân chương kháng chiến hạng nhất. Tôi chụp bức hình đó và đặt làm hình nền điện thoại, đi đâu cũng khoe. Đó là niềm tự hào của tôi. Nhiêu đó đủ rồi, gia tài của tôi là đại gia đình.
Đi qua Covid, tôi còn không có tiền đóng bảo hiểm, phải khất lại. Học trò bảo, “có gì thầy nói con, con trợ cấp” nhưng tôi bảo thôi. Từ từ rồi cũng qua, cũng vẫn sống.
Mọi thứ mẹ đứng tên hết. Điện thoại của mẹ thì con dâu giữ. Tôi không biết gì hết và cũng không màng. Mẹ ra đi thanh thản là được rồi. Còn căn nhà hiện tại tôi đang ở, tôi hiến cho từ đường dòng họ rồi. Những tài sản khác, từ từ xử lý sau.
Tuy nhiên, tôi vẫn tập tạ, tập thể hình rất khỏe. Giọng tôi rất khỏe, không bao giờ khàn. Tứ đổ tường là nghiêm cấm, không chơi. Đi diễn ở nước ngoài, người ta mời rượu ngon lắm, tôi nhất khoát không dùng. Mình là ca sĩ nên phải giữ giọng.
Anh tuy không màng tài sản nhưng làm cả đời, cuối cùng nhìn lại, gần như là tay trắng. Chẳng lẽ anh không có một chút gì buồn?
Không. Mẹ quá hiểu tôi là người thế nào. Cho nên khi mẹ ra đi, không để lại tài sản gì là đúng. Mẹ hiểu tính tôi, sống là cho hết. Chỗ này nghe nói đất Ngọc Sơn, chỗ kia nhà Ngọc Sơn nhưng sổ sách, giấy tờ mất hết. Tôi không quan tâm. Sứ mệnh của tôi là lo cho cha mẹ. Mình đối với cha mẹ tốt thì mới đối với người khác tốt được.
Và từ lúc trước khi xây nhà, tôi đã nghĩ, sau này hiến nhà làm từ đường rồi. Mình đã nghĩ thế từ đầu nên không màng gì. Bù lại, tôi có rất nhiều anh em thân tình.
Chuyện cái trứng gà đẻ hoang và bài học đạo đức
Trong mắt anh, mọi người ai cũng tốt, ai cũng là thiên thần. Đã bao giờ, anh bị chơi xấu?
Với anh em trong showbiz, ai tôi cũng thương. Showbiz là giới phức tạp nhất. Họ rất tốt chứ không xấu. Vì trân trọng tình cảm của khán giả nên họ mới muốn hát trước, sợ khán giả bỏ về.
Tôi không nhìn ai bằng con mắt xấu xí hết. Trong showbiz, va chạm là chuyện bình thường, tôi không bao giờ buồn giận ai. Đó là căn tu. Đó là phước đức của ông bà.
Hồi xưa, bố tôi dạy, nói dối sẽ gặp nói dối. Người nói dối sẽ không bao giờ may mắn. Hồi đó nhà tôi nghèo lắm, ăn cơm độn khoai mì, hạt bo bo thôi.
Thấy mẹ vất vả, tôi xin mẹ cho đi bán thuốc lá dạo. Tôi chạy ra cảng bán. 1 ngày bán được 2 điếu. Bởi vì mình vừa đến, chưa kịp mở lời chào hàng thì có bạn khác tới năn nỉ rồi. Tôi thấy tội quá nên thôi, không mời nữa. Mình hiền quá, buôn bán không được.
Bữa đó, trên đường về, tôi thấy một cái trứng gà đẻ hoang. Tôi chụp cái trứng lên, mừng quá vì đang đói lắm. Về luộc trứng, tôi định ăn rồi nhưng tự suy nghĩ lại, chột dạ mà đem cái trứng để lại chỗ cũ và thấy lòng thanh thản.
Khi nhớ lại, tôi thấy hãnh diện vì từ bé mình đã ý thức được “nghèo phải cho sạch, rách phải cho thơm”. Cuộc đời tôi cũng chưa từng biết chê bai một ai. Mình nói xấu thì mình cảm thấy mình xấu trước nên lúc nào tôi cũng đồng cảm, yêu thương, trân trọng mọi người và những gì đến với mình trong cuộc sống này.
Đàn ông có xu hướng chọn người yêu, người bạn đời giống mẹ của mình. Anh có như vậy không? Có phải vì anh không tìm được người phụ nữ nào gần giống với mẹ nên tình duyên mới lỡ dở đến bây giờ?
Không phải. Gặp nhau là nhân duyên. Tôi thương người phụ nữ có nét đẹp tâm hồn, còn bề ngoài tôi nhìn quá nhiều hoa hậu, nếu rung động vẻ ngoại hình thì chết. Tôi là “anh Ba lịch sự”. Mỗi người một sở thích. Người thích nhà cao cửa rộng, xây kim cương, dát vàng… nhưng gia tài lớn nhất của tôi là âm nhạc và tình cảm của đại gia đình.
Nhiều lúc tôi nghĩ, không biết mình sống vì mục đích gì. Tôi chuẩn man, rất yêu phụ nữ nhưng không dám đùa với chuyện đó, vì lương tâm, thành ra mình sống cô đơn luôn. Tôi tu, đấu tranh với chính mình, ăn chay trường. Tôi chọn không có con. Con của tôi là những đứa con tinh thần về âm nhạc.
Tôi chú tâm vào sức khỏe, tập tạ và sáng tác thật nhiều thay vì thời gian nghĩ đến mẹ. Tôi đóng góp cho xã hội và xem đó là niềm vui cho mình. Con người sống nay chết mai, tôi hiến trước nhà cho từ đường, nên an tâm sống kiếp tằm nhả tơ đến hết cuộc đời, báo đáp cho đại gia đình.
Xã hội ngày nay, có nhiều người con hiếu thảo nhưng cũng có không ít những đứa con bất hiếu. Cũng có không ít bậc cha mẹ “tệ bạc” với con mình. Anh có lời nào muốn gửi gắm tới họ, thông qua câu chuyện của mình?
Chìa khóa đi đến thành công của tôi là 8 điều chân tình. Trong đó có 3 điều cực kỳ quan trọng. Một là hiếu thảo, thờ cha kính mẹ. Cái đó không phải để thể hiện với mọi người mà là tâm linh của tâm hồn mình. Dù anh nổi tiếng cỡ nào mà không hiếu thảo cũng bị sập ngay.
Thứ hai là tôn sư trọng đạo. Tôi có rất nhiều học trò. Học trò báo hiếu tôi bằng việc hiếu thảo với cha mẹ đầu tiên. Biểu hiện của tôn sư trọng đạo bằng chính con đường mình đi, cách đối nhân xử thế. Không nên trách đời, trách người mà hãy tự trách mình. Tôi bị rất nhiều tin đồn không hay nhưng không giận trách ai.
Nghệ sĩ lúc già, nhiều người neo đơn, phải sống trong viện dưỡng lão dù có con cái và con cái cũng không tới nỗi nghèo khổ. Anh có suy nghĩ gì về những hoàn cảnh này của tiền bối? Anh nghĩ thế nào về chuyện con cái không chăm lo cho cha mẹ lúc già yếu?
Tôi thương lắm. Tôi cũng tổ chức nhiều chương trình thăm các cụ, chỉ biết chia sẻ thôi. Nhưng cuộc đời mà, sinh con ra, đâu phải đứa nào cũng có hiếu. Nếu ai cũng có hiếu hết thì đâu cần học thêm những lời khuyên về thờ cha kính mẹ, hiếu thảo làm gì. Cuộc đời có người này, người kia. Phận số mỗi người mỗi khác. Thôi thì chúng ta hãy “trồng cây nhân đức” trước.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Nguồn: https://molistar.com/hau-truong/ngoc-son-me-qua-doi-toi-dau-kho-tot-cung-khoc-sung-mat-may-ngay-may-dem