Đức Tuấn livestream hát “Tình ca”, “Ngậm ngùi”, còn nhiều nghệ sĩ đồng loạt nhắc kỷ niệm dịp 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Phạm Duy.
Nhạc sĩ Phạm Duy sinh ngày 5/10/1921, qua đời vào ngày 27/1/2013, ở tuổi 93, để lại di sản sáng tác đồ sộ cùng tình yêu trọn đời dành cho âm nhạc
Đang kẹt dịch ở Phú Quốc, Kiên Giang, tối 5/10, Đức Tuấn dành thời gian làm đêm livestream các nhạc phẩm của ông. Anh nói: “Tôi diễm phúc khi là ca sĩ gắn bó với ông và âm nhạc của ông trong bảy năm cuối đời”.
Trong gần hai giờ, Đức Tuấn giao lưu về âm nhạc của Phạm Duy. Theo anh, nhạc sĩ luôn khéo léo kết hợp chất liệu nhạc dân tộc vào thể loại pop, tình ca. Anh hát theo yêu cầu khán giả nhiều nhạc phẩm như: Hẹn hò, Vợ chồng quê, Tình hoài hương, Ngày xưa Hoàng thị (phổ thơ Phạm Thiên Thư), Tình hờ, Con đường tình ta đi, Nương chiều, Giọt mưa trên lá, Em lễ chùa này, Ngậm ngùi… Nhiều ca khúc anh không có sẵn beat nhạc nhưng vẫn chiều fan và hát mộc như: Hò lơ, Thà như giọt mưa, Chiều về trên sông, Kỷ niệm, Người về, Nhớ người ra đi… Nickname Manh Duc Tran bình luận: “Giọng Đức Tuấn hát live chân phương, giàu cảm xúc”.
Đức Tuấn gắn bó với nhạc sĩ khi ông từ Mỹ về TP HCM sống năm 2005. Ông luôn đánh giá cao chất giọng của Đức Tuấn và vui khi anh góp phần đưa nhạc của ông đến với thế hệ trẻ những năm về sau.
Người yêu nhạc nhắc nhớ Phạm Duy bằng cách chia sẻ những hình ảnh, kỷ niệm cùng ông lúc sinh thời. Ca sĩ Ngọc Ánh đăng hình ảnh chị chụp cùng nhạc sĩ vào năm 2004 tại California (Mỹ) với lời chúc: “Mừng bác 100 tuổi”.
Biên tập viên âm nhạc Minh Đức đăng hình ảnh anh làm MC cho một chương trình về Phạm Duy ở Nha Trang năm 2008. Anh viết: “Con là fan, lần đầu tiên được ngồi cùng ông giao lưu nên có chút căng thẳng”. Anh cho biết thích album Phạm Duy Vol.7 của Phương Nam Film phát hành với nhiều bài hay như: Nếu một mai em sẽ qua đời (Nguyên Thảo), Tình ca mùa thu (Mỹ Lệ), Tỳ bà (Tấn Minh), Trên đồi xuân (Khánh Linh)…
Nhạc sĩ Nguyễn Hà nói năm anh 11 tuổi (1986) lần đầu biết đến nhạc sĩ Phạm Duy khi cùng bố mẹ nhắc đến nhạc của ông với hai từ: “Hay lắm, tài lắm” nhưng không có băng đĩa để nghe. Sau đó, anh được xem một chương trình tình ca Phạm Duy, thực hiện ở hải ngoại. Anh nhớ lại: “Show nằm gọn trong cuốn băng VHS nhưng chứa nhiều câu chuyện hấp dẫn của cả một đời hoạt động âm nhạc của ông vào lúc giao thời giữa nhạc cổ truyền và phương Tây, chữ quốc ngữ mới phổ biến. Nhạc sĩ đi dọc từ Bắc vô Nam sáng tác bằng làn điệu các vùng miền. Với một đứa bé mê nhạc và mới học nhạc như tôi, việc ngồi trước tivi thôi cũng thấy cả một chân trời của âm nhạc rộng lớn khi nghe chuyện về ông”.
Theo Nguyễn Hà, hình ảnh Phạm Duy với mái tóc bạc trắng ngồi trước “máy điện toán” và lời tâm sự một ngày làm việc của ông đã truyền cho anh nhiều cảm hứng với công nghệ mới. Anh nhận ra học nhạc là học cả đời, làm nhạc là “mỗi ngày dậy sớm, ngồi vào máy điện toán…”. Những ý tưởng này theo anh đến nay. Khi sản xuất nhạc, Nguyễn Hà luôn quan tâm công nghệ thu âm, nhạc cụ mới.
Đơn vị ký hợp đồng độc quyền khai thác tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy trong nước đã lên kế hoạch tổ chức nhiều sự kiện, gồm: Liveshow biểu diễn mừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh, phát hành album mới và sách ảnh của Phạm Duy. Tuy nhiên, đợt dịch thứ tư ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thực hiện kế hoạch này. Hiện các tác phẩm nhạc (gồm CD, nhạc hòa tấu, DVD liveshow) và sách biên khảo của nhạc sĩ đang được giảm giá tại hệ thống Nhà Sách Phương Nam từ ngày 5 đến 7/10.
Phạm Duy sinh tại Hà Nội, tên thật là Phạm Duy Cẩn. Ông được coi là một trong những nhạc sĩ lớn của nền tân nhạc với số lượng sáng tác đồ sộ, đa dạng về thể loại, trong đó có những bài đã trở nên rất quen thuộc với người Việt. Ngoài sáng tác, Phạm Duy còn có nhiều công trình khảo cứu về âm nhạc Việt có giá trị. Ông cũng từng là giáo sư tại trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Sau năm 1975, ông sang Mỹ định cư. Năm 2005, ông về nước an hưởng tuổi già đến khi mất.
Tâm Giao
Nguồn: https://vnexpress.net/nghe-si-tuong-nho-pham-duy-4367724.html