Connect with us

Hi, what are you looking for?

Bật Mí Showbiz 24H

Michel Bussi: ‘Việt Nam có thể xuất hiện trong sách trinh thám của tôi’


Hà NộiNhà văn trinh thám Michel Bussi nói về kinh nghiệm sáng tác, cho biết có thể đưa Việt Nam vào sách sau khi khám phá đất nước.

Ngày 25/10, Viện Pháp và Nhã Nam phối hợp tổ chức tọa đàm Trinh thám Pháp và Việt qua góc nhìn của các nhà văn nổi danh dịp Michel Bussi lần đầu tới Việt Nam.

Hơn 200 độc giả dự sự kiện và giao lưu với Bussi. Những người hâm mộ đến từ nhiều độ tuổi: Học sinh cho tới những người đã đi làm. Đa phần độc giả mang sách của ông để xin chữ ký, bày tỏ hào hứng khi có cơ hội gặp gỡ nhà văn. Bussi nói ông rất tự hào và xúc động khi được người đọc Việt Nam đón nhận.

Nhà văn Di Li (váy xanh) và Michel Bussi (thứ hai từ phải qua) trong buổi tọa đàm tại Hà Nội. Ảnh: Nhã Nam

Michel Bussi (thứ hai từ phải qua) và nhà văn Di Li (váy xanh) trong buổi tọa đàm tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, Hà Nội. Ảnh: Nhã Nam

Tác giả được mệnh danh “ông hoàng trinh thám” của văn học đương đại Pháp. Tiểu thuyết của ông đã được dịch ra hơn 35 thứ tiếng, nhiều bộ được chuyển thể thành phim. Theo Bussi, các tác phẩm thường lấy cảm hứng từ những nơi ông ghé thăm, từ đó tìm chất liệu xây dựng nhân vật và cốt truyện. Dịp này, ông hào hứng khi được tham quan, khám phá Việt Nam, muốn có cảm hứng để đưa vào tác phẩm trong tương lai.

Advertisement. Scroll to continue reading.

Nhà văn cho biết tiểu thuyết của ông dù có đề tài khác nhau đều mang màu sắc nhân văn, lạc quan. Ông cân bằng nỗi buồn và niềm hy vọng thay vì viết theo hướng đen tối, ma mị hay khai thác nỗi sợ hãi. Khi viết mỗi câu chuyện, Bussi tìm kiếm bản sắc văn hóa, cá nhân, xã hội. Những nhân vật của ông có động cơ phạm tội liên quan tới vết thương lòng và nội tâm.

Trong khuôn khổ tọa đàm, Michel Bussi và nhà văn Việt Di Li cùng trao đổi về nền văn học trinh thám của Pháp, Việt Nam và Âu Mỹ. Tại Pháp, nhiều nhà văn viết thể loại này khiến nơi đây trở thành một trong những quốc gia có truyện trinh thám bán chạy nhất thế giới. Theo Bussi, tác giả Pháp thích khai thác các yếu tố kỳ bí, khác tác giả Mỹ. Văn học Pháp hướng tới thơ ca nhiều hơn trong khi văn học Mỹ tập trung vào yếu tố vụ án và mang sắc thái lạnh lùng.

Di Li cho biết viết tiểu thuyết trinh thám là thử thách lớn đối với nhà văn Việt bởi trí tưởng tượng không phải thế mạnh của họ, lại dễ bị đặt lên bàn cân so sánh với các tác giả trên thế giới.

Nhà văn trinh thám Việt Li Di chia sẻ về khó khăn khi viết tiểu thuyết trinh thám với nhà văn Việt N

Di Li nói về những khó khăn của các nhà văn Việt khi viết truyện trinh thám. sinh năm 1978, là nhà văn và dịch giả. Di Li thành công với thể loại tiểu thuyết trinh thám, trong đó “Trại hoa đỏ” gây tiếng vang. Video: Thanh Giang

Advertisement. Scroll to continue reading.

Hai diễn giả dành nhiều lời khuyên cho những ai muốn theo đuổi sự nghiệp viết trinh thám. Đối với Michel Bussi, điều quan trọng nhất là kích thích sự tò mò của người đọc, khiến họ muốn đồng hành để phá án. Tác phẩm cần mang luồng gió mới sau ngày làm việc và học tập mệt mỏi của mỗi người.

Trước đây, truyện trinh thám ngắn do khán giả bằng lòng với cốt truyện đơn giản nhưng hiện nay, độc giả đã quá quen với nội dung cũ. Bussi nói các nhà văn cần đầu tư cốt truyện đặc biệt, sáng tạo và nhiều bất ngờ nếu muốn giữ chân người đọc. Họ phải đặt bản thân vào vị trí của độc giả. Các tác giả nên lồng ghép văn hóa của nơi họ viết trong tác phẩm.

Những yếu tố trên đòi hỏi người viết phải có óc tưởng tượng, sáng tạo về chủ đề, tìm hiểu và đặt chân tới những vùng đất cũng như nền văn hóa mới. Họ không nên viết khi chỉ xem hay đọc thể loại trinh thám bởi đây là cách “mỳ ăn liền”.

Buổi tọa đàm đồng thời là dịp ra mắt bản dịch tiếng Việt cuốn sách mới nhất của Michel Bussi – Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử bé. Ông cho biết tiểu thuyết lấy ý tưởng từ vụ mất tích của nhà văn Antoine de Saint-Exupéry và cái chết của Hoàng tử bé trong tác phẩm cùng tên.

Advertisement. Scroll to continue reading.

Antoine mất tích trong khoảng thời gian Thế chiến thứ Hai. Vài tháng trước khi mất tích, Antoine đã viết Hoàng tử bé. Cuối truyện, Hoàng tử bé chết. Thi thể của Antoine và nhân vật đều không bao giờ được tìm thấy. Nhận thấy giữa tác phẩm và đời thực của nhà văn có nhiều điểm tương đồng, ông nảy ra ý tưởng cho cuốn sách.

Michel Bussi (thứ hai từ trái qua) chụp ảnh cùng đại diện những người tổ chức sự kiện. Ảnh: Thanh Giang

Michel Bussi (thứ hai từ trái qua) chụp ảnh cùng đại diện những người tổ chức tọa đàm. Ông sẽ đến Huế (ngày 29/10), Đà Nẵng (ngày 31/10) và TP HCM (ngày 3/11). Ảnh: Thanh Giang

Michel Bussi sinh năm 1965 tại Pháp, là nhà văn, nhà nghiên cứu chính trị, giảng viên Địa lý tại Đại học Rouen. Ông điều hành Khoa Nghiên cứu hỗn hợp của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp cho đến năm 2016.

Tháng 1/2019, theo bảng xếp hạng GFK của Le Figaro, Bussi là nhà văn Pháp có lượng sách bán ra nhiều thứ hai (gần một triệu bản năm 2018). Tên ông lọt vào bảng xếp hạng từ năm 2014 với vị trí thứ tám, năm 2015 lên vị trí thứ năm, năm 2017 ông giữ vị trí thứ hai.

Ông có sáu cuốn sách đã được xuất bản tại Việt Nam: Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử bé, Hoa súng đen, Kho báu bị nguyền rủa, Vết khắc hằn trên cát, Xin đừng buông tay, Mẹ đã sai rồi. Năm 2023, Bussi sẽ xuất bản một cuốn sách ông đang viết. Bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của ông cũng sẽ được trình chiếu tại Pháp. Ông cũng đang làm việc để chuyển thể tiểu thuyết sang truyện hoạt hình, truyện tranh.

Advertisement. Scroll to continue reading.

Thanh Giang



Nguồn: https://vnexpress.net/michel-bussi-viet-nam-co-the-xuat-hien-trong-sach-trinh-tham-cua-toi-4528018.html

Copyright © 2022 BATMISHOWBIZ