Tiểu thuyết của nhà văn Vũ Trọng Phụng không chỉ kể câu chuyện của một mỹ nhân buôn phấn bán hương, mà còn là lời cảnh tỉnh về đạo đức, giáo dục giới tính.
Vũ Trọng Phụng viết xong Làm đĩ năm 1936, xuất bản năm 1937. Khi mới ra đời, tác phẩm gây tranh cãi. Người cho rằng Làm đĩ là tiểu thuyết dâm ô, có hại cho việc giáo huấn đạo đức thanh thiếu niên. Ở phía ngược lại, các ý kiến cho rằng cuốn sách mang giá trị nhân bản.
Nghề buôn phấn bán hương gần 100 năm trước
Tiểu thuyết Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng kể về cuộc đời của nhân vật Huyền. Xen giữa bốn phần nội dung chính: Tuổi dậy thì, Ra đời, Lấy chồng, Trụy lạc, là các phần “Đoạn đầu” và “Đoạn cuối” như để dẫn dắt vào câu chuyện chính và nêu triết lý câu chuyện.
Ở phần “Đoạn đầu”, hai người bạn “tôi” và “Quý” lâu ngày tái ngộ, rủ nhau đi xem “trình độ mãi dâm” đất kinh kỳ đã tới mức độ nào. Từ đó, bức tranh của hoạt động mãi dâm gần 100 năm trước được phơi bày.
Một người vào hạng tay chơi bời lão luyện mách nước cho nhân vật “tôi” về một nhà kia là chốn Bồng Lai tiên cảnh. Rằng họ chỉ cần đem theo một số bạc kha khá đến đấy, sẽ được tiếp đãi như ông hoàng, có thể xin được ái tình ở những người đàn bà đẹp đẽ mà xã hội vẫn gọi là thượng lưu. Mụ chủ là mụ con quan, đã khôn khéo lại kín đáo vô cùng, khách làng chơi sẽ được bảo hiểm về đủ mọi phương tiện.
Hai người bạn tìm đến địa chỉ được mách. Đó không phải một nhà chứa xoành xĩnh, mà là tòa nhà tây, bề ngoài tỏ ra rằng chủ nhân ở trong là người lương thiện. Nhân vật “tôi” chưa dám tin ngay sự mãi dâm lại có thể đóng đại bản doanh ở trong một nơi như vậy.
Ngôi nhà lặng ngắt như tờ. Nhưng khi được tiếp chuyện bà chủ, hai vị khách được biết nơi đây có đủ những phụ nữ xinh đẹp, hạng thượng lưu, như bà thông, bà phán, gái nhảy… Khách hàng có nhu cầu người như nào, thì gia chủ mới cho đi mời và đón những cô gái làng chơi đến.
Theo lời của Duyên – cô gái phục vụ trong nhà thì “Từ 12 giờ trở đi rồi các anh xem! Ở nhà này ngày là đêm mà đêm là ngày”.
Khách đến nhà này là những hạng nào? “Ồ, đủ, các anh ạ. Các ông tây chánh sở này, chánh sở nọ, quan binh, thầy kiện, mõ tòa, tây đen cho vay lãi, khách chủ hiệu cao lâu, các ông nghị, các ông nhà buôn lớn…”.
Căn phòng nơi mua vui cũng được “bài trí lịch sự lắm, có thể so với phòng khách sạn tây lớn. Sập gụ trên có khay đèn, giường Hong Kong, ghế đi văng. Bồn rửa mặt có sẵn nhiều khăn bông trắng muốt taị một góc khác. Trên tường vô số ảnh mỹ nữ Tây phương khỏa thân, những ảnh người ta lấy ở những báo chí khiêu dâm như Paris Plaisirs, Evos, Sex Appeal”…
“Tây Thi, Hằng Nga, Nàng thơ, Mỹ nhân, đó là những tên người ta đặt thêm cho Huyền, ngoài cái tên ở giấy khai sinh”.
Tác phẩm hiện thức mang tính giáo dục giới tính
Nếu chỉ tả quang cảnh một chốn mãi dâm cao cấp, thì có lẽ tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đã không được tái bản nhiều lần. Kể về sự tha hóa của con nhà danh giá thành người buôn phấn bán hương, tác giả để cho nhân vật có cơ hội được giãi bày.
Nhà văn khéo léo lồng ghép những nội dung trong sách thành những trang viết trong ba đêm thức trắng của Huyền về quãng trầm luân cô trải qua. Và nhân vật tôi gọi những trang viết đó là một “phóng sự tiểu thuyết”.
Ở đoạn kết, nhân vật “tôi”, vốn là bạn học cùng Huyền trước đây, nay gặp lại người bạn gái bao người ngưỡng mộ năm xưa trong tình cảnh một cô gái nhảy kiêm mãi dâm, đã nói: “Không, anh không khinh bỉ em đâu! […] Thế thì đối với người nhân tình hay người chồng cả ghen sẽ lục tội đến cái quá khứ của Huyền, em cứ việc đưa ra cái mảnh đời này, và đáp: ‘Đây, tại sao tôi đến nỗi này, những nguyên cớ ấy, nó đây… ấy chính là đời tôi, tuy những tên người, tên phố, đã bị đổi cả’”.
Tiểu thuyết còn đưa ra bức tranh hiện thực tại nước ta ở buổi giao thời, giữa một bên là văn minh phương Tây đang tràn tới, một bên là văn hóa truyền thống nghìn năm vẫn hiện hữu rõ nét.
Ở xã hội ấy, khi những tiệm ảnh mọc lên vuốt ve vẻ đẹp các cô gái, những tiệm may âu hóa giúp người phụ nữ khoe cơ thể, các hình thức giải trí như khiêu vũ, “xem chớp bóng”, các trò tiêu khiển như đua ngựa, cá cược, mạt chược… khiến phụ nữ được cởi trói khỏi khuôn phép nghìn xưa.
Nhưng cũng chính xã hội ấy, sự hiện hữu của đạo lễ phong kiến vấn còn. Khuôn phép cũ khiến người ta tránh động chạm đến vấn đề ân ái. “… cái xã hội, mỗi khi đả động đến vấn đề nam nữ giao hợp, đã vô tâm khiêu dâm hơn là giảng dạy khoa học và ái tình giáo dục”.
Giữa bối cảnh ấy, đi giữa hai làn sóng một bên hô hào cởi mở, theo trào lưu “văn minh giải phóng phụ nữ”, một bên là những giấu diếm về chuyện ái ân, trinh tiết đã góp phần đẩy những cô gái như Huyền vào bước đường “làm đĩ”.
Làm đĩ do đó vừa là câu chuyện mang tính nhân bản, vừa là bức tranh hiện thực của buổi giao thời. Bất chấp những ý kiến trước đây cho rằng tác phẩm dâm uế, thì Làm đĩ vẫn là tiếng nói thức tỉnh, đưa ra một đề nghị: cần phải coi trọng giáo dục giới tính.
Nguồn: https://molistar.com/doi-song/lam-di-cua-vu-trong-phung-tieng-noi-thuc-tinh-ve-dao-duc