Quy định kiểm duyệt, phân loại phim trong nước, phim nhập khẩu, và chiếu nền tảng OTT (trên Internet) phải bình đẳng, theo luật sư Trương Trọng Nghĩa.
Thảo luận về dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi tại Quốc hội, chiều 25/5 ở Hà Nội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đặt vấn đề: “Luật phải tạo hành lang và môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa phim Việt Nam và các nền tảng OTT xuyên biên giới. Nếu đã tiền kiểm thì tất cả cùng tiền kiểm, hậu kiểm thì cùng hậu kiểm”. Cơ quan chức năng cần thu thuế, phí với nền tảng OTT xuyên biên giới khi họ có doanh thu cao từ người dùng trong nước.
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), nói phim trên mạng trong nước hiện không qua quy trình chặt chẽ như phim chiếu rạp. “Vì sao cùng một nền tảng chính sách nhưng lại có sự phân biệt đối xử, tiền kiểm và hậu kiểm trong khi cùng là phổ biến phim?”, ông Nhân nêu bất cập. Điều này cho thấy có khoảng trống pháp lý trong bảo vệ chủ quyền văn hóa. Các cơ quan cần “cân nhắc kỹ lưỡng” việc hậu kiểm phim trên không gian mạng.
Theo ông Nhân, loại hình phim trên mạng “tự do đi lại trên mặt trận văn hóa thời gian qua đã gây nên những tổn thương không nhỏ đến đời sống tinh thần xã hội”. Chẳng hạn, từ khi vào thị trường Việt Nam, Netflix đã phổ biến một số phim có nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ đất nước, là Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta; Bà Ngoại trưởng, Pine Gap.
Đại biểu Quốc hội cho rằng gỡ bỏ nội dung sai phạm “là việc làm không nhiều ý nghĩa, vì người xem đã tải xuống và đăng tải trên nền tảng khác”. Những nội dung độc hại đang từng ngày len lỏi vào giới trẻ, khi điện thoại thông minh phổ biến. “Việc xem nội dung trên các nền tảng này diễn ra mọi nơi, mọi lúc, thì có cách nào để phụ huynh kiểm soát, quản lý, đảm bảo trẻ xem phim trên mạng phù hợp với độ tuổi?”, ông Nhân nêu.
Tranh luận về vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), cho rằng OTT là xu hướng toàn cầu, có nhiều ưu điểm. Dịch vụ này rất khác phim chiếu rạp. Số lượng phim rất lớn, liên tục cập nhật, nếu áp dụng tiền kiểm như phim trong nước thì khó khả thi. Tiền kiểm phim trên nền tảng OTT còn làm người dân mất cơ hội tiếp cận tác phẩm, không hợp thông lệ quốc tế. Vì vậy, ông Cường ủng hộ phương án giao chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng tự phân loại, chịu trách nhiệm.
Đáp lại ông Cường, ông Trương Trọng Nghĩa nói: “Tôi chỉ đề nghị sự bình đẳng, bởi cần tránh một bên bị trói tay, trói chân (phim chiếu rạp trong nước), còn bên kia tự do (phim trên mạng). Điều này trái với nguyên tắc thị trường. Nguyên tắc hậu kiểm với điện ảnh Việt Nam là cần thiết”.
Ngoài ra, đại biểu Quốc hội cũng nêu các đề xuất: Dự án quay phim tại Việt Nam phải nộp kịch bản chi tiết, Việt Nam cần có chính sách huy động nguồn lực khuyến khích xuất khẩu phim… Theo ông Trương Trọng Nghĩa, điện ảnh hiện nay dùng công nghệ cao trong sản xuất, tiếp thị, lưu hành, phổ biến. Điện ảnh tạo ra giá trị vật chất rất lớn, thành ngành kinh tế của nhiều quốc gia.
Thời hội nhập, chỉ cú nhấp chuột thì phim nước ngoài đã vào giường ngủ, bàn ăn, bàn học của người trẻ. Các nước phát triển đang dùng điện ảnh thâm nhập thị trường nước khác, vừa tạo thương hiệu vừa tạo lợi nhuận. Có trường hợp điện ảnh còn được sử dụng cho mục đích chính trị, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.
Bên cạnh mặt tích cực, việc nhập khẩu quá nhiều phim có thể gây ra tác hại trước mắt và lâu dài. Tác hại trước mắt là phim khiêu dâm, đồi trụy, vi phạm chủ quyền. Tác hại lâu dài là tạo xu hướng bắt chước, sùng bái thần tượng, thời trang, thị hiếu, văn hóa nước ngoài. Nhu cầu văn hóa Việt Nam bị đẩy lùi trên sân nhà, còn sản phẩm văn hóa trong nước lại thiếu những hàng rào kỹ thuật để bảo vệ.
Vì vậy, ông Nghĩa đề nghị ba giải pháp. Một, thúc đẩy điện ảnh quốc gia đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của xã hội. Hai, bảo hộ hợp lệ điện ảnh trong nước để trở thành ngành kinh tế sáng tạo mạnh. Ba, tạo hành lang pháp lý để sản phẩm văn hóa được cạnh tranh lành mạnh, đồng thời ngăn chặn kịp thời sản phẩm trái đạo đức, vi phạm an ninh, chủ quyền.
Nguồn: https://vnexpress.net/kiem-duyet-phim-chieu-rap-phim-internet-phai-binh-dang-4468041.html