Sau khi phim ra rạp hôm 9/6, khâu bối cảnh của tác phẩm nhận nhiều lời khen. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết một trong những cảnh quay khó nhất thuộc giai đoạn Trịnh Công Sơn lên B’Lao (Lâm Đồng) dạy học đầu thập niên 1960. Êkíp lấy bối cảnh tại một bìa rừng ở Tà Năng (Lâm Đồng), lối đi khó vào, phải di chuyển bằng xe công nông. Khi tổ thiết kế xây xong trường học mái lá trên một quả đồi và chuẩn bị quay, trường bất ngờ bị bão giật sập. Đoàn làm phim phải chờ một tháng dựng lại bối cảnh.
Quay cảnh Trịnh Công Sơn và Dao Ánh đạp xe trên cầu Tràng Tiền (Huế), êkíp cũng gặp khó khăn vì trời mưa liên tục. Một con đường được phong tỏa cho cảnh Dao Ánh dạo bước trên đường phố đầy hoa phượng. Đỗ Hà – giám đốc mỹ thuật – cho biết tại gác Trịnh, căn nhà cũ của gia đình Trịnh Công Sơn, họ bài trí nội thất lại để tạo cảm giác ấm cúng, gần gũi.
Ở quán cà phê Tùng (Đà Lạt) – nơi Trịnh Công Sơn hẹn gặp Khánh Ly mời hợp tác, êkíp dựa vào tư liệu của gia đình chủ quán để tái dựng phần mặt tiền. Cột điện trụ tròn được bọc lại thành cột điện trụ vuông như xưa. Phần lề đường được thiết kế để tạo cảm giác phủ xi măng – thay vì gạch lát như hiện tại. Bảng cà phê Tùng được phục dựng, sơn màu đỏ. Trong cảnh Trịnh Công Sơn đạp xe gửi thư cho Dao Ánh, bưu điện Cây Gõ (Sài Gòn) được tái hiện với nhiều chi tiết như bảng hiệu, thùng thư…
Phan Gia Nhật Linh cho biết suốt hai tháng quay, êkíp sử dụng 700 bộ phục trang với 3.000 diễn viên quần chúng. Đạo diễn tự nhận liều lĩnh khi làm phim tiểu sử – thể loại còn mới với khán giả trong nước. Anh nói: “Từ khi phim chưa quay, tôi đã chịu nhiều lời soi xét. Tôi chấp nhận và hy vọng phim thành công để các nhà sản xuất có động lực làm tác phẩm tương tự”.
Em và Trịnh bắt đầu với sự kiện Trịnh Công Sơn lần đầu gặp nữ sinh Nhật Michiko Yoshii (Nakatani Akari đóng) cuối thập niên 1980. Theo đuổi luận văn cao học đề tài âm nhạc phản chiến, cô sang Việt Nam để tìm hiểu về cuộc đời và con người nhạc sĩ tài hoa. Từ dòng hồi tưởng của Trịnh Công Sơn, từng lớp ký ức được lần giở, làm sống dậy một thời hoa mộng bên những nàng thơ. Ở hiện tại, ông và Michiko cũng nảy sinh những rung động nhờ mối giao cảm trong âm nhạc. Ngoài bản dài 136 phút, nhà phát hành còn ra rạp phim Trịnh Công Sơn – dài 95 phút, tập trung vào thời trẻ của cố nhạc sĩ.
‘Em và Trịnh’: Hình ảnh cảm xúc, kịch bản ôm đồm
Ghi điểm với khâu âm nhạc và hình, phim có phần kịch bản rời rạc do ôm đồm tình tiết. Đạo diễn nỗ lực xây dựng cùng lúc ba chân dung nhạc sĩ: trải đời ở tuổi trung niên, nồng nhiệt vào thuở thanh xuân và chuộng hòa bình giữa thời bom đạn. Tuy nhiên, các tuyến truyện không được khai thác đủ kỹ, chuyển mạch liên tục khiến câu chuyện bị lưng chừng. Trong đó, tuyến về âm nhạc phản chiến chỉ dừng ở mức điểm qua, chưa đi sâu vào quá trình sáng tác.
Nguồn: vnexpress.net
editor: Mac Anh Hao