Connect with us

Hi, what are you looking for?

Bật Mí Showbiz 24H

FBI điều tra nghi vấn bảo tàng triển lãm tranh giả


MỹFBI điều tra nguồn gốc tác phẩm của danh họa Jean-Michel Basquiat ở triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật Orlando.

Ngày 29/5 (theo giờ địa phương), New York Times đưa tin Đội tội phạm nghệ thuật của FBI (Art crime team) đang điều tra tính xác thực của 25 bức tranh trong triển lãm Heroes & Monsters (diễn ra ngày 12/2-30/6) tại Bảo tàng Nghệ thuật Orlando. Các tác phẩm lần đầu được giới thiệu đến giới chuyên môn và công chúng.

Những người bị thẩm vấn bao gồm: chủ sở hữu tranh William Force và Lee Mangin, Aaron De Groft – giám đốc bảo tàng và các nhân viên. FBI yêu cầu cung cấp tài liệu làm việc giữa nhân viên bảo tàng và chủ sở hữu tác phẩm, bao gồm cả thư từ trao đổi với các chuyên gia về tranh. Họ cũng yêu cầu bảo tàng đưa hồ sơ liên quan đến các bức tranh.

Trước đó, sau khi được giới thiệu tại triển lãm, nhiều người bày tỏ nghi ngờ tính xác thực của các bức vẽ. Theo New York Times, FBI từ chối trả lời về tình hình vụ điều tra. Tại Mỹ, việc cố ý bán tác phẩm nghệ thuật giả mạo là tội ác liên bang.

Advertisement. Scroll to continue reading.
Không gian trưng bày triển lãm Heroes & Monsters, diễn ra từ ngày 12/2 đến 30/6. Ảnh: Macbeth Studios

Không gian trưng bày triển lãm “Heroes & Monsters”, diễn ra từ ngày 12/2 đến 30/6. Ảnh: Macbeth Studios

Theo bảo tàng, 25 tác phẩm được danh họa Basquiat sáng tác năm 1982, trên những tấm bìa cứng ông nhặt được. Khi đó, họa sĩ sống và làm việc tại xưởng vẽ bên dưới ngôi nhà của nhà buôn nghệ thuật Larry Gagosian tại Los Angeles, để chuẩn bị cho một buổi triển lãm ở phòng trưng bày của Gagosian.

Tranh sau đó được bán trực tiếp cho nhà biên kịch truyền hình Thad Mumford với giá 5.000 USD tiền mặt. Mumford gửi chúng vào kho lưu trữ và bỏ quên trong suốt 30 năm. Bảo tàng cho biết loạt tranh chỉ xuất hiện vào năm 2012 khi đưa ra đấu giá, do Mumford không thanh toán hóa đơn cho đơn vị lưu trữ ở Los Angeles. William Force và Lee Mangin – hai doanh nhân – đã mua lại với giá khoảng 15.000 USD.

Trong một cuộc phỏng vấn tại triển lãm, Lee Mangin cho biết sau khi mua những bức tranh vào năm 2012, ông cùng William Force đã gặp và ăn trưa với Thad Mumford ở Los Angeles. Nhà biên kịch kể cho họ nghe về việc mua 25 bức tranh từ Basquiat năm 1982. Cuộc gặp gỡ đáng nhớ đến nỗi nhà biên kịch phải đánh máy một bài thơ để kỷ niệm và nhờ Basquiat ký tên lên đó. Mumford trao bài thơ cho Mangin. Mumford đã qua đời năm 2018.

Aaron De Groft – Bảo tàng Nghệ thuật Orlando – đưa bài thơ vào triển lãm như bằng chứng xác thực về các bức tranh. “Bài thơ gần giống như một biên nhận, nó đề cập đến các tác phẩm, đến những dòng chữ trong tác phẩm và cả thời gian”, De Groft nói.

Advertisement. Scroll to continue reading.
Bức Untitled (Boxer) - một trong 25 tác phẩm triển lãm. Ảnh: New York Times

Bức “Untitled (Boxer) – một trong 25 tác phẩm triển lãm. Ảnh: New York Times

Nhà buôn nghệ thuật Larry Gagosian nhận định khó có chuyện Basquiat vẽ loạt tranh vào năm 1982. Một tác phẩm được vẽ trên tấm bìa cứng có in dòng chữ “Align top of FedEx Shipping Label here”. Lindon Leader – chuyên gia thương hiệu – cho biết phông chữ đó chỉ được tập đoàn FedEx sử dụng từ năm 1994 – sáu năm sau khi họa sĩ qua đời – khi thiết kế lại logo và bộ nhận diện.

Một số người thân và bạn bè của Mumford khẳng định “ông không bao giờ đề cập đến sở thích nghệ thuật đương đại, chứ đừng nói đến việc mua tranh của Basquiat”. Biên kịch Sheldon Bull – đồng nghiệp của Mumford – cho biết: “Trở lại những năm 1970, trước khi có máy tính, chúng tôi thường gửi kịch bản cho nhân viên đánh máy. Điều đó không thay đổi trong những năm 1980. Tôi chưa bao giờ thấy Thad gõ một chữ cái nào. Anh ấy cũng không có máy tính”.

De Groft thể hiện sự tức giận trước những nghi ngờ về tính xác thực của tranh. Ông nói: “Danh tiếng của tôi đang bị đe dọa. Tôi hoàn toàn khẳng định đây là những ‘đứa con’ của Basquiat”. De Groft cung cấp phân tích về tác phẩm của một số chuyên gia như: chuyên gia chữ viết tay James Blanco, giám tuyển nghệ thuật Diego Cortez – thành viên của Ủy ban xác thực di sản Basquiat, phó giáo sư Jordana Moore Saggese – tác giả cuốn Reading Basquiat: Exploring Ambivalence in American Art

Tuy nhiên, Diego Cortez đã mất vào năm 2021, còn Saggese cho rằng báo cáo của bà đã bị chủ sở hữu xuyên tạc. Họ đã xóa trang trong đó bà nói rõ rằng chín trong số 25 bức tranh không thể là của Basquiat. “Họ càng quay lưng lại với tôi, tôi càng nghi ngờ về động cơ của họ”, bà nói.

Advertisement. Scroll to continue reading.

Colette Loll – Giám đốc công ty chuyên về xác thực tác phẩm – cho biết: “Việc thiếu các phân tích khoa học về phương pháp, vật liệu vẽ nói lên rất nhiều điều. Phân tích chữ viết tay hay các bài thơ không xác thực được tác phẩm”.

Theo New York Times, phần lớn thông tin về nguồn gốc tác phẩm dựa vào Mangin và Force. Cả hai từng ngồi tù vì tội buôn bán ma túy dưới nhiều tên khác nhau. Force bị bắt vào năm 1973 dưới cái tên William Parks khi vận chuyển cần sa từ Jamaica đến Miami bằng thuyền. Mangin – còn được biết đến với tên Leo Mangan – hai lần bị kết án liên bang vì tội buôn bán ma túy, vào năm 1979 và 1991. Năm 1996, Mangin bị bắt vì tội gian lận chứng khoán, kiếm về hơn tám triệu USD. Năm 2008, công ty của Mangin và vợ – bà Michelle – bị cáo buộc lừa đảo người tiêu dùng… Richard LiPuma – luật sư của Maggin – cho biết việc chủ sở hữu từng gặp rắc rối với pháp luật không liên quan đến việc các tác phẩm có phải hàng thật hay không.

Giá trị tác phẩm của Basquiat tăng vọt trong vài năm trở lại đây. Trong phiên đấu giá hôm 18/5, bức Untitled (1982) bán ở mức 85 triệu USD. Năm 2017, bức Untitled bán giá 110,5 triệu USD tại Sotheby’s – mức đấu giá cao nhất đối với một tác phẩm nghệ thuật của Mỹ. Theo Công ty thẩm định cổ vật và mỹ thuật Putnam, nếu 25 bức tranh được xác định của Basquiat, chúng có giá lên tới gần 100 triệu USD. Trưng bày tranh tại bảo tàng thường giúp nâng cao tính hợp pháp của tác phẩm, mà không cần xuất xứ rõ ràng.

Jean-Michel Basquiat do cầu thủ bóng rổ Brad Branson chụp tại bãi biển Venice, California năm 1984. Ảnh: Brad Branson

Jean-Michel Basquiat qua ống kính cầu thủ bóng rổ Brad Branson, tại studio ở Venice, California năm 1984. Ảnh: Brad Branson

Jean-Michel Basquiat sinh năm 1960 ở Brooklyn, là người Mỹ, gốc Phi. Basquiat bắt đầu sự nghiệp là nghệ sĩ graffiti, được họa sĩ Andy Warhol và phòng trưng bày ở New York ca ngợi là thần đồng. Vào giữa những năm 1980, họa sĩ đã kiếm được 1,4 triệu USD mỗi năm. Basquiat qua đời năm 1988, khi mới 27 tuổi vì sử dụng ma túy quá liều. Theo New York Times, cái chết của họa sĩ là bi kịch cá nhân và mất mát lớn đối với thế giới nghệ thuật.

Advertisement. Scroll to continue reading.

Hiểu Nhân



Nguồn: https://vnexpress.net/fbi-dieu-tra-nghi-van-bao-tang-trien-lam-tranh-gia-4469555.html
Click to comment

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Copyright © 2022 BATMISHOWBIZ