Connect with us

Hi, what are you looking for?

Bật Mí Showbiz 24H

‘Diễn viên hạng ba’: Lời xin lỗi với quá khứ


Trong kịch “Diễn viên hạng ba”, nghệ sĩ Thanh Điền đóng vai cha già đi tìm con rơi, xin được chuộc lỗi vì sai lầm trong quá khứ.

Tác phẩm công diễn cuối tuần qua tại Nhà văn hóa Thanh Niên (quận 1, TP HCM) – điểm diễn mới của sân khấu Hồng Hạc do đạo diễn Việt Linh thành lập. Chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Lý Lan, vở lấy bối cảnh tại một sân khấu nhỏ, nơi kiếm sống của các diễn viên vô danh.

'Diễn viên hạng ba' - bi kịch không chỉ trên sân khấu

Cảnh đầu vở “Diễn viên hạng ba”. Video: Mai Nhật

Sau một buổi diễn, Mỹ Duyên (Kỳ Thảo) – cô gái chuyên đóng vai phụ – được một khán giả Việt kiều Pháp vào tận hậu trường tặng hoa. Anh ngỏ ý mời cô giả làm con gái của ông Tư (Thanh Điền) – người cha nửa mê nửa tỉnh của anh – do cô này đang ở Australia, không thể về nước. Anh muốn cô kề cận, chăm sóc cha để ông có thể khuây khỏa những ngày cuối đời. Được hứa trả thù lao cao, Duyên nhận lời trong cơn túng quẫn vì phải gửi tiền chữa bệnh cho chị ở quê nhà. Từ đây, một vở kịch cha – con diễn ra giữa đời thực, Duyên lo âu liệu ông Tư có thể phát giác.

Advertisement. Scroll to continue reading.

Diễn xuất của hai gương mặt chính – Kỳ Thảo và Thanh Điền – tạo sức hút cho tác phẩm. Trở lại sau hai năm vắng bóng sân khấu, Thanh Điền vào vai một cụ già ngồi xe lăn, tâm trí không còn tỉnh táo. Giữ nét diễn lạnh với giọng thoại đều đều, Thanh Điền khiến người xem bị cuốn theo các tình tiết. Có lúc, khán giả nơm nớp không biết vai của Duyên khi nào bị lộ tẩy, lúc bật cười vì những lời bâng quơ của ông Tư vô tình khiến các nhân vật chột dạ.

Thanh Điền - vai ông Tư và Kỳ Thảo - vai Mỹ Duyên trong kịch Diễn viên hạng ba. Ảnh: Mai Nhật

Thanh Điền – vai ông Tư và Kỳ Thảo – vai Mỹ Duyên trong kịch “Diễn viên hạng ba”. Ảnh: Mai Nhật

Sang hồi hai, cuộc đời hai nhân vật chính dần được hé lộ qua những màn đối thoại thân tình. Họ – hai kẻ xa lạ – bị buộc phải tham gia vở kịch vì nỗi niềm riêng. Với ông Tư, đó là vai diễn cuối đời. Vì muốn tìm con rơi, ông giả vờ mê man để được các con đưa về nước. Ông muốn gặp lại đứa con thất lạc lần cuối để nói lời tạ lỗi với quá khứ. Với Duyên, ngoài chuyện tiền nong, cô nhận lời làm con gái ông Tư vì thèm cảm giác gần gũi bên người thân. Duyên mồ côi từ nhỏ, sống cùng chị gái hơn 15 tuổi. Thiếu thốn tình cảm gia đình, cô theo nghề diễn chỉ để được gọi tiếng “ba”, “má” với những người xa lạ.

Biên kịch Việt Linh cùng đạo diễn Lê Chi Na phát huy sở trường về lời thoại giàu tính văn học. Nhân vật ông Tư và Mỹ Duyên khơi gợi cảm xúc người xem qua những dòng tâm sự đẫm triết lý: “Tuổi nào cũng có vai để diễn nhưng vai của người già đau đớn, khó khăn hơn”, “Cuộc sống có nhiều lớp lắm con à, đôi khi phải nhắm mắt mới thấy được hết, phải giả điếc mới nghe được hết”, “Có những bí mật mà khi tìm thấy chìa khóa, ta trở thành tù nhân của nó”…

Ngoài chuyện tình cảm gia đình, vở kịch thể hiện góc nhìn về người tốt – kẻ xấu, vòng xoáy tiền bạc giữa cuộc sống. Đối lập Duyên là Chí (Kim Hải) – người chồng luôn chạy theo đồng tiền, xem đó là phương thức duy nhất để giải quyết mọi sự cố. Đạt (Đăng Khoa) – một “diễn viên hạng ba” khác – phân vân có nên cứu người gặp tai nạn giữa đường sau nhiều lần bị người thân họ đánh đến đổ máu. Tác phẩm có lúc trở thành những mẩu đối thoại, tranh luận không hồi kết về nhân sinh quan, để rồi bỏ ngỏ cho khán giả tự tìm câu trả lời.

Advertisement. Scroll to continue reading.

Bối cảnh vở kịch được dàn dựng đơn giản nhưng hiệu quả. Chỉ với hai phông nền, đạo diễn khắc họa hai thế giới khác nhau: cuộc sống bấp bênh, thiếu thốn trong hậu trường sân khấu của các diễn viên vô danh, và bệnh viện xa hoa nhưng lạnh lẽo – nơi ông Tư điều trị. Đèn follow có lúc chỉ chiếu vào diễn viên, khắc họa hai tâm trạng cô độc tìm đến nhau trong hoàn cảnh trớ trêu.

Điểm trừ của tác phẩm là âm thanh nhiều lần trục trặc, giọng diễn viên lúc được, lúc mất. Có lúc, họ phải tự chỉnh micro trên sân khấu. Khâu chuyển cảnh kéo dài – dù cảnh trí không quá phức tạp – cũng làm người xem giảm phần nào cảm xúc khi theo dõi.

Hàng trăm người dự buổi công diễn mừng Hồng Hạc trở lại sau một năm ảnh hưởng vì dịch bệnh. Khán giả Phước Châu (TP HCM) cho biết xem vở này lần hai, lần đầu là năm 2015, do một nam đạo diễn dàn dựng. Anh muốn mở rộng biên độ cảm xúc khi xem phiên bản của một đạo diễn mới, dàn diễn viên mới. “Và tôi đã không uổng công, bởi lần này, tôi đã có thêm nhiều xúc cảm ngẫm ngợi. Ngoài ra, thời gian đại dịch làm gián đoạn mọi sinh hoạt văn hóa – không riêng gì sân khấu kịch tại Sài Gòn, bây giờ khán giả, nghệ sĩ được dịp tái ngộ càng thấy trân quý hơn”, Phước Châu nói.

Việt Linh (phải) bên đạo diễn Lê Chi Na trong buổi công diễn trở lại ở sân khấu Hồng Hạc. Ảnh: Mai Nhật

Việt Linh (phải) bên đạo diễn Lê Chi Na trong buổi diễn trở lại ở sân khấu Hồng Hạc. Ảnh: Mai Nhật

Đạo diễn Việt Linh hạnh phúc khi thấy sân khấu tiếp tục sáng đèn sau thời gian dài. Với êkíp, dù gặp nhiều khó khăn, họ luôn theo đuổi công thức làm nghề an toàn, chung thủy với mục tiêu đã chọn – tôn vinh cảm xúc, đậm chất văn học và điện ảnh. Tháng 7 tới, Hồng Hạc tiếp tục ra mắt vở mới – Mọi điều ta chưa nói, chuyển thể từ tiểu thuyết của Marc Levy.

Advertisement. Scroll to continue reading.

Sân khấu Hồng Hạc được thành lập tháng 12/2015, với hàng chục kịch mục được dàn dựng, biểu diễn. Một số tác phẩm được khán giả đón nhận như Thiên Thiên (đạo diễn: Việt Linh, Phạm Hoàng Nam), Tro tàn rực rỡ (đạo diễn Lê Thụy), Giờ của Quỷ (đạo diễn Hồng Ánh), I am đàn bà (đạo diễn Hạnh Thúy)… hay những vở thể nghiệm như Ngộ nhận (đạo diễn Tây Phong), Tấm và hoàng hậu (đạo diễn Thiên Huân)…

Mai Nhật



Nguồn: https://vnexpress.net/dien-vien-hang-ba-loi-xin-loi-voi-qua-khu-4461170.html
Click to comment

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Copyright © 2022 BATMISHOWBIZ