Đề văn thi vào lớp 10 tại TP.HCM sáng nay, 11.6 gây bất ngờ cho nhiều học sinh. Chủ đề xuyên suốt của đề thi là “Bức thông điệp của thời gian”.
10 giờ 10 phút trưa nay, tại điểm thi Trường THCS Chánh Hưng, P.5, Q.8, TP.HCM, học sinh ùa ra sau khi kết thúc bài thi ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10. Nhiều học sinh cho hay “vừa đọc đề là bất ngờ với chủ đề chính của đề thi “Bức thông điệp của thời gian”.
Thí sinh tên Đức cho hay em không nghĩ là đề thi chọn chủ đề này. Tuy nhiên, những câu hỏi trong phần đọc hiểu và nghị luận xã hội thì rất thú vị.
“Trong ý hỏi ở phần đọc hiểu, em quan tâm phần nào hơn giữa “học hỏi từ quá khứ” và “quan tâm từ hiện tại”, em đã lựa chọn rằng em quan tâm cả hai. Vì không thể nào chỉ sống với quá khứ hoặc hiện tại mà không có sự kết nối, liên kết giữa 2 bên”, thí sinh Đức chia sẻ.
Đáng chú ý, phần nghị luận văn học có 1 lựa chọn cho học sinh viết cảm nhận về 2 khổ thơ trong bài Sang thu của Hữu Thỉnh và liên hệ với một tác phẩm khác để thấy được sự chuyển biến của thiên nhiên, con người theo bước đi của thời gian.
Thầy cô nói gì về đề văn tuyển sinh lớp 10 TP.HCM?
Thạc sĩ Trần Nguyễn Tuấn Huy, mạng lưới chuyên môn ngữ văn Q.5, TP.HCM – tổ trưởng tổ văn trường THCS Trần Bội Cơ, cho hay chủ đề “Bức thông điệp của thời gian” trong đề thi văn tuyển sinh vào lớp 10 hướng người thi đến sự suy ngẫm sâu sắc hơn về cuộc sống.
“Đây là một vấn đề không xa lạ nhưng có lẽ sẽ mới bởi chúng ta, nhất là các bạn trẻ thường chẳng đặt lòng mình để nghĩ về điều này. Càng trẻ ta càng vô tư và hoài phí về giá trị tồn tại song song với chính ta”, thạc sĩ Tuấn Huy nói.
Đáng chú ý, câu nghị luận xã hội của đề thi khá hay. “Phải chăng chỉ cần thời gian trôi qua bạn sẽ trưởng thành”, ở góc nhìn tuổi trẻ viết một bài văn khoảng 500 chữ để trả lời câu hỏi trên, đề yêu cầu.
“Không chỉ bàn luận một vấn đề mang tính giáo điều, tư tưởng mà khi đặt vấn đề trong hoàn cảnh xã hội các em phải có những suy nghĩ, trăn trở để từ đó rút ra cho bản thân những bài học và hành động thiết thực”, thầy Huy nói.
Cũng theo thầy Huy, câu nghị luận văn học có cấu trúc khá giống mọi năm (chọn 1 trong 2 đề) hướng tới đánh giá các kỹ năng cảm nhận, bình luận, phân tích văn chương.
Đề số 2 cho học sinh xem một tin nhắn từ thời gian và cho biết: “Từ tin nhắn của thời gian và những trải nghiệm trong quá trình đọc, hãy viết bài văn nghị luận về một quyển sách hoặc một tác phẩm văn học đã giúp em hiểu thêm về chính mình.
Thầy Huy đánh giá: “Đặc biệt năm nay đề số 2 không nặng lý luận, thường mọi năm học sinh khá e dè khi lựa chọn để làm đề này. Nhưng năm nay một đề nghị luận văn học với tính gợi mở và khá gần gũi với cuộc sống như vậy mình nghĩ học sinh sẽ rất hứng thú để trải nghiệm thử sức”.
Sáng nay, khoảng 94.000 học sinh tại TP.HCM có mặt tại 150 điểm thi để tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022 – 2023. Môn thi đầu tiên là ngữ văn. Chiều nay, thí sinh tiếp tục làm bài thi môn ngoại ngữ. Sáng mai 12.6, các em làm bài thi môn Toán.
Những năm trở lại đây, đề văn vào lớp 10 tại TP.HCM luôn được đánh giá là cởi mở, sáng tạo, cho thí sinh nhiều cảm hứng làm bài và luôn có tính phân hóa.
Đây không phải là lần đầu tiên đề thi văn vào lớp 10 tại TP.HCM chọn một chủ đề chính xuyên suốt toàn bộ đề thi, tương ứng với các câu hỏi phần đọc hiểu, nghị luận xã hội, nghị luận văn học để thí sinh làm bài thi.
Năm 2020, đề thi văn vào lớp 10 TP.HCM được hệ thống theo một chủ đề nhất quán 3 phần là “lắng nghe”. Đề thi được đánh giá khoa học, logic, bám sát thời sự. Câu nghị luận xã hội yêu cầu học sinh viết “phải chăng lắng nghe là một biểu hiện của yêu thương”. Đề bài vừa đảm bảo những câu hỏi về kiến thức, kiểm tra kỹ năng đọc hiểu văn bản, lập luận, vừa tạo độ mở cho những học sinh muốn sáng tạo.
Tạo gian hàng trên TikTok Shop quá khó?
Làm thế nào để ra ngàn đơn trên TikTok?
Livestream bán hàng sao cho hiệu quả?
Hợp tác với KOLs mà không mất quá nhiều chi phí?
Nguồn: https://molistar.vn/xa-hoi/de-van-buc-thong-diep-cua-thoi-gian-vao-lop-10-tphcm-vi-sao-gay-bat-ngo