Lin Chuan, 23 tuổi, sắp tốt nghiệp thạc sĩ ngành khoa học máy tính tại Đại học Bắc Kinh, đang háo hức tham gia lĩnh vực Web 3.0.
Chuan hiện thực tập tại hãng tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc Baidu và công ty liên doanh blockchain GGV Capital. Anh cho biết đã tìm đến Web 3.0 sau khi thấy cơ hội việc làm ở Web 2.0 dần cạn kiệt.
Không chỉ Chuan, Web 3.0 đang là lĩnh vực mới được sinh viên và những người trẻ vừa ra trường ở ngành công nghệ khắp nơi trên thế giới quan tâm. Họ bị thu hút bởi ý tưởng làm việc độc lập, tiềm năng thăng tiến và cơ hội làm giàu.
Cú sập tiền số cũng khiến nhiều công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này rơi vào vòng xoáy tử thần. Làn sóng sa thải diễn ra khắp thế giới. Ngày 14/6, sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất ở Mỹ Coinbase cho biết sa thải 1.100 nhân viên và hủy hơn 300 lời mời làm việc đã đưa ra trước đó.
Dù vậy, những tin tức xấu dường như không làm nản lòng những người trẻ tuổi quyết tâm nhảy vào Web 3.0. Ratan Kaliani, 20 tuổi, sinh viên năm cuối tại Đại học California, Berkeley, đã làm toàn thời gian trong một công ty khởi nghiệp về DEX (trao đổi phi tập trung) và một tổ chức chuyên về blockchain với đội ngũ nòng cốt là sinh viên. “Khi đã đam mê thứ gì đó, bạn sẽ có tâm lý khám phá nó đến cùng”, Kaliani nói.
Saif Uddin Mahmud, 24 tuổi, người Bangladesh, tốt nghiệp cử nhân kỹ thuật máy tính tại Đại học Quốc gia Singapore, cũng có niềm tin lớn vào Web 3.0. Anh hiện cùng bạn bè lập kế hoạch cho một công ty khởi nghiệp ở lĩnh vực này.
Cả Kaliani và Mahmud đều có chung niềm tin rằng, blockchain và Web 3.0 là hệ thống được hỗ trợ bởi tính phi tập trung và không phân cấp. Nó cải thiện triệt để so với Web 2.0 hiện tại vốn bị chỉ trích là bóc lột sức lao động, kiểm soát người dùng, còn tiền kiếm được là để làm giàu cho các công ty đứng sau.
Theo Mahmud, các sự cố về tiền số gần đây chỉ là sự thanh lọc những công ty, cá nhân muốn làm giàu nhanh, giữ lại công nghệ nòng cốt và đặt nền móng cho tương lai.
Tuy nhiên, cũng có những người trẻ thận trọng với Web 3.0. Benjamin Peck, sinh viên năm thứ ba tại Đại học Yale-NUS ở Singapore, cho biết đã thực tập tại một công ty tiền số và nhận thấy đó là sự mạo hiểm. “Không nhiều doanh nghiệp tiền điện tử chứng minh mình có lợi nhuận lâu dài, khả năng phục hồi khi gặp sự cố hoặc có thể tạo nên tác động lên toàn thị trường. Họ thiếu tính bền vững”, Peck nhận xét.
Một sinh viên khác hiện theo học ngành khoa học máy tính tại Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) nói cậu đã tham gia thị trường tiền số cách đây 7 năm khi mới 14 tuổi. Cậu đã khai thác Bitcoin và Ethereum nhiều năm, nhưng không đình tìm việc trong lĩnh vực này. “Trong một số trường hợp, chúng có thể có ứng dụng, nhưng đây không phải là một lĩnh vực bền vững. Xã hội vẫn cần phải có quy chế kiểm soát, nếu không sự hỗn loạn sẽ xảy ra”, cậu nói.