Nói chung thì bố chồng Nam cái gì cũng tốt chỉ có điều là chưa được thấu đáo thì phải.


Mọi người còn nhớ vì bà Xuân (Quách Thu Phương) không chịu đồng ý để Nam (Phương Oanh) cưới Long (Mạnh Trường) nên gia đình họ Hoàng trở nên xào xáo. Muốn cho đôi trẻ được nên duyên, ông Khang đã tạo sức ép khiến bà Xuân phải gật đầu để Nam được vào Hoàng gia. Chính vì thế, tình cảm của vợ chồng ông Khang bị một vách ngăn vô hình. Trong một lần bà Xuân đến công ty thăm chồng vì muốn hàn gắn lại sợi dây tình cảm thì vô tình nhìn thấy ông Khang tỏ ra rất thân mật với một người phụ nữ khác. Khi bà Xuân hỏi, ông Khang đã cho biết đó là đối tác của công ty nhưng cũng không ngần ngại để “khịa” nhẹ vợ khi khen người phụ nữ kia: “sắc sảo, thông minh lại hiểu chuyện”. Chính sự so sánh khập khiễng này của ông Khang đã đẩy bà Xuân vào bi kịch rằng cảm thấy mình thua kém, không có chỗ đứng trong lòng chồng cũng như vị trí ở gia đình bị lung lay. Điều này đã khiến bà Xuân quyết thi “Hương sắc thời gian” để chứng minh cho mọi người thấy mình không bất tài, vô dụng.



Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc bà Xuân bị bạn xấu lừa, chiếm đoạt tài sản và rơi vào túng quẫn đến mức suýt làm liều là nhảy cầu quyên sinh. Đến lúc này, ông Khang mới nhận ra được rằng bi kịch của vợ chính là hệ quả của sự vô tâm mà mình tạo ra. Từ việc hiếu thảo với mẹ mà nhiều lần khiến vợ phải ấm ức, rồi đến việc phân xử không hợp tình hợp lý giữa mẹ và vợ đã tạo nên những xung đột trong gia đình. Ông luôn cảm giác vợ khe khắt với con dâu trưởng để rồi hình thành một bức màn khiến hai vợ chồng không thấu hiểu và đồng cảm với nhau. Câu nói của bà Xuân khi trên cầu rằng: “Hơn 30 năm làm dâu nhà anh, em cảm thấy cô đơn lắm” khiến nhiều người vô cùng xót xa. Bỏ tương lai để về tề gia nội trợ nhưng nhận lại là sự so bì, thiếu quan tâm và ỏ ê của chồng đã khiến bà Xuân dần thành người thừa trong chính tổ ấm của mình.

So sánh dâu trưởng với dâu thứ khiến cuộc gia đấu bị châm ngòi


Đầu tiên là việc sắp xếp công việc ở cơ quan. Một mặt ông Khang khuyên Thy nên hạn chế việc ở công ty để chăm sóc gia đình, mặt khác lại bày tỏ muốn Nam vào làm khiến cho cô dâu thứ bị khó chịu. Tiếp đến, khi Nam giúp được bà Xuân tai qua nạn khỏi thì ông Khang lại có màn so sánh Thy với Nam vô cùng khập khiễng: “Con về nhà trước Nam, hiểu gia đình hơn. Ấy vậy mà trong chuyện này, Nam lại chu đáo hơn con“. Những lời được cho là bóng gió này khiến cho cái nhìn của Thy về Nam ngày càng ác cảm hơn chứ không có sự nể phục hay “nhìn chị dâu mà học tập” như ý ông Khang muốn. Thậm chí, chính vì những lần bị hết bố chồng đến chồng mát mẻ về chuyện không làm tròn bổn phận dâu con trong nhà, Thy đã bắt đầu nhen nhóm ý định nổi loạn và chắc chắn sẽ không để cho chị dâu được dương dương tự đắc mãi như thế. Hẳn nhiên, một cuộc gia đấu sẽ chính thức “nổ” ra. Nhưng lần này, Thy chỉ có một mình một chiến tuyến.

Rõ ràng, việc so sánh người này với người khác nếu không khéo léo sẽ vô tình đẩy hai người đang yên đang lành trở thành thù địch với nhau. Ấy thế mà, ông Khang lại hết lần này đến lần khác mang điều đó ra để áp dụng với những người thân của mình. Điều này tạo nên những tấn bi kịch có thể đoán trước nhưng người trong cuộc lại không hiểu cho. Khán giả thì thở dài cho biết: “Tưởng là bố chồng quốc dân ai ngờ lại thành người chuyện tạo “sóng gió” cho gia đình“. Hy vọng rằng, ông Khang cũng nhận ra những điều ấy để căn chỉnh lại lời nói của mình mỗi khi có ý định so sánh lần nữa.
Nguồn: https://molistar.com/truyen-hinh/bat-ngo-chua-nhan-vat-tao-song-gio-lai-chinh-la-ong-khang-so-sanh-dieu-gi-la-tanh-banh-tap-lu
