Khi “Gangnam style” vượt 2,1 tỷ lượt xem năm 2014, YouTube phải nâng cấp bộ đếm.
Năm 2012, Psy trở thành biểu tượng toàn cầu với ca khúc giễu nhại lối sống ở quận Gangnam giàu có của Seoul, đi kèm điệu nhảy ngựa nổi tiếng khắp thế giới. Một thập niên sau, bài hát vẫn tạo sức ảnh hưởng, là bước tiến quan trọng đánh dấu thành công của làn sóng K-pop toàn cầu, đồng thời tạo tiền lệ cho việc xác lập kỷ lục của các MV trên YouTube. Nhân kỷ niệm 10 năm bản nhạc pop ra đời, nhiều tạp chí lớn như Billboard, Insider nói về thành công của ca khúc.
Gangnam Style là video màu mè, vui nhộn, tưởng chừng như ngớ ngẩn. Ca sĩ, các vũ công ăn mặc kỳ cục, nhảy múa trên xe bus, thang máy, phòng tắm hơi – những nơi bình dân khác hoàn toàn với việc anh ta luôn miệng khẳng định “Anh có phong cách Gangnam” (Oppa, Gangnam style). Psy mang dáng dấp một gã quê mùa, đối lập hoàn toàn những gì người ta hình dung về cư dân ở khu phố sang trọng và sành điệu. Anh làm điều ít nghệ sĩ Hàn thực hiện: châm biếm giới thượng lưu Hàn Quốc.
Billboard gọi Gangnam style là khởi nguồn cho sự trỗi dậy của K-pop. Năm 2012, MV nhanh chóng lan rộng khắp châu Á, châu Âu, làm điên đảo nhiều khán giả Mỹ, trở thành một cụm từ thời thượng khi ấy.
Nửa năm sau, MV vượt qua Baby của Justin Bieber, trở thành video đầu tiên đạt một tỷ lượt xem trên YouTube. Psy nói trên tờ Insider: “Đó là cảm giác phi thường, vẫn hiện hữu đến tận hôm nay. Được đóng vai trò mở đường cho âm nhạc vượt mọi biên giới là niềm vinh dự”.
Kevin Meenan, Giám đốc âm nhạc tại YouTube, nhận xét Gangnam style có sức hấp dẫn khó cưỡng. Ngoài giai điệu bắt tai, động tác nhảy ngựa trong MV tạo ra một cơn sốt. Điệu nhảy phỏng theo dáng cưỡi ngựa, lắc người, đập tay vào nhau của Psy từng được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, Madonna… cover. Psy trở thành ca sĩ Hàn đầu tiên xuất hiện trên kênh Today của Mỹ, là người dạy Britney Spears những bước nhảy trong bài hát.
Kevin Meenan nói việc cover Gangnam Style đã tạo tiền lệ cho những vũ điệu khác, trong đó có Harlem Shake năm 2013. Ngày nay, các nghệ sĩ K-pop vẫn thường xuyên đăng các đoạn video nhảy múa đặc trưng để quảng bá trên YouTube, TikTok giống Psy.
Theo tờ Prestigeonline của Hongkong, ca khúc không chỉ là bước ngoặt sự nghiệp của Psy mà còn thay đổi ngành công nghiệp âm nhạc, là ví dụ điển hình về việc một nghệ sĩ không hát tiếng Anh có thể tiếp cận khán giả thế giới bằng internet. Nó cũng khiến nhiều tạp chí âm nhạc danh giá chú ý đến lượt xem trên YouTube. Năm 2014, Gangnam Style vượt ngưỡng 2,1 tỷ lượt xem, buộc các lập trình viên của Google phải nâng cấp bộ đếm cho mạng chia sẻ video. Bài hát giữ ngôi vị được xem nhiều nhất trong 5 năm, trước khi mất ngôi năm 2017. Tháng 8 năm nay, video đạt 4,5 tỷ lượt xem.
Nhạc phẩm còn mở ra cánh cửa mới cho K-pop, bên ngoài thị trường châu Á. Sun Lee, Giám đốc Đối tác Âm nhạc và Quan hệ nghệ sĩ tại YouTube, nhận xét sản phẩm thay đổi cách các nghệ sĩ K-pop chinh phục thị trường quốc tế. Trước ca khúc, khi thâm nhập nền âm nhạc Mỹ, họ thường bắt chước phong cách bản địa, làm việc với êkíp nhà sản xuất ở quốc gia này. Sau Gangnam style, nghệ sĩ K-pop nhận ra âm nhạc của họ có thể ghi dấu với khán giả nước ngoài, bằng chính ngôn ngữ và nét độc đáo của họ.
Nhìn lại một thập niên ca khúc gây chấn động làng nhạc, Psy nói trên tờ Billboard: “Bài hát mang tính biểu tượng, và sức ảnh hưởng của nó tồn tại dưới dạng một chiếc cúp tượng hình mà cả thế giới đã tặng cho tôi, được trưng bày trang trọng tại phòng khách. Tôi thường xuyên nhìn ngắm và cảm thấy tự hào”.
Hà Thu (theo Insider, Billboard)
Nguồn: vnexpress.net
Editor: Trần Thảo Vy