James Hong – người Mỹ gốc Hoa – tham gia hơn 600 bộ phim, là diễn viên lớn tuổi nhất được gắn sao trên Đại lộ Danh vọng Hollywood.
Ở tuổi 93, James Hong thành nghệ sĩ thứ 2.723 có sao trên Đại lộ Danh vọng Hollywood, ngày 10/5. Ông là một trong 19 diễn viên gốc Á nhận vinh dự này. Số sao của diễn viên châu Á được gắn chỉ chiếm 0,7% sao trên Đại lộ.
Ana Martinez, Nhà sản xuất của Đại lộ Danh vọng Hollywood, nói trong buổi lễ: “James Hong là một diễn viên hoạt động bền bỉ. Ở tuổi 93, ông vẫn nỗ lực chứng minh đam mê của mình. Ông là nguồn cảm hứng cho những người thực hiện chương trình!”.
Ngôi sao được hoàn thành nhờ chiến dịch gây quỹ cộng đồng, cho James có được một dấu ấn trên Đại lộ Danh vọng Hollywood. Chương trình do diễn viên Daniel Dae Kim phát động năm 2020 trên website gây quỹ GoFundMe. Kim chỉ mất bốn ngày để huy động đủ số tiền 55.000 USD. Trong đó, 50.000 USD bao gồm phí tạo dựng, lắp đặt và bảo trì ngôi sao trên Đại lộ. Số tiền còn lại dùng để trang trải các khoản phí dịch vụ.
Trên trang gây quỹ GoFundMe, Daniel Dae Kim viết: “Tất cả chúng ta đều biết Đại lộ Danh vọng quan trọng như thế nào trong lịch sử Hollywood. Khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đổ xô đến đây để có khoảnh khắc với thần tượng của họ. James xứng đáng có một ngôi sao cho riêng ông”.
James Hong phát biểu ở sự kiện với kênh CNN: “Tôi tự hào vì những cống hiến trong sự nghiệp diễn xuất. Tôi tự hỏi khi nào mình nên về hưu, chắc chắn không phải bây giờ”.
James Hong sinh ngày 22/2/1929 tại Minneapolis, Minnesota. Cha mẹ ông là người Hoa di cư từ Hong Kong đến Chicago, Illinois, qua Cannada và sau cùng định cư tại Minneapolis. Hong kể với CNN lần đầu tiên ông quan tâm đến nghệ thuật biểu diễn là khi xem các nghệ sĩ kinh kịch Bắc Kinh diễn tập tại cửa hàng của cha mình. Cha mẹ Hong muốn con trở thành một kỹ sư, nhưng vào tháng 6/1950, Chiến tranh Triều Tiên xảy ra, ông nhập ngũ. Trong thời gian đi lính, Hong thường xuyên pha trò, kể chuyện cười để xua đi căng thẳng cho các binh sĩ. Cũng từ đó, ông nhận ra mình có năng khiếu diễn xuất.
Ông gặp không ít khó khăn lúc mới bắt đầu vào nghề. Năm 1953 sau khi chiến tranh kết thúc, Hong rời Minnesota đến Hollywood, nơi khan hiếm diễn viên gốc Á. Cùng năm đó, ông xuất hiện lần đầu tiên trên chương trình phát thanh You Bet Your Life của Groucho Marx, một trong những diễn viên hài vĩ đại nhất nước Mỹ. Sau chương trình, ông đảm nhận những vai nhỏ trong một số phim truyền hình nhưng không được ghi tên trong phần credit.
James Hong từng bị phân biệt chủng tộc – vấn đề tồn đọng ở Hollywood nhiều thập niên. Có lần, ông quên lời thoại khi đang đóng phim The New Adventures of Charlie Chan (1957). J. Carrol Naish – nam diễn viên đóng vai Charlie Chan – giận dữ với Hong. Êkíp đã sa thải ông ngay sau đó. “Tôi đến phòng phục trang và xin lỗi anh ấy, nhưng Naish không chấp nhận. Tôi nghĩ Naish có thành kiến với những người châu Á như tôi”, James kể với CBS News hồi tháng 1.
Trong phim Confessions of an Opium Eater (1962) do Albert Zugsmith đạo diễn, James Hong bức xúc khi được giao vào vai một nhóm người Trung Quốc hút thuốc phiện vì cho rằng điều này xúc phạm người châu Á.
Ông nói với tờ Deadline: “Tôi và một số diễn viên Trung Quốc đi đến văn phòng đạo diễn và nói đây không phải là hình ảnh tốt đẹp, vì họ đều nghiện ngập, cái nhìn của Hollywood về chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng Zugsmith đã không nghe, ông ấy vẫn muốn làm phim để hạ nhục chúng tôi”. Sau lần đó, Hong mất việc.
Năm 1965, Hong cùng nam diễn viên Mako Iwamatsu thành lập nhóm diễn viên người Mỹ gốc Á ở Los Angeles, tên East West Players. Trong suốt 57 năm, nhóm này đã nuôi dưỡng những tài năng như Dennis Dun, Takayo Fischer, George Takei, Tsai Chin… Có thời điểm, khoảng 70% diễn viên người Mỹ gốc Á ở Hollywood cộng tác với East West Players.
Ngay từ khi thành lập, nhiệm vụ của East West Players là tạo ra một không gian nơi các diễn viên gốc Á thể hiện những vai diễn vượt ra ngoài khuôn mẫu, định kiến của Hollywood. Hong và những người đồng sáng lập đã chuyển thể Rashomon (1950) – phim kinh dị tâm lý của Akira Kurosawa – thành vở kịch đầu tiên của nhóm, công diễn tại tầng hầm của một nhà thờ ở Công viên Griffith, Los Angeles.
East West Players bắt đầu nhận được những đánh giá tích cực và các khoản tài trợ, có một sân khấu ở khu Little Japan. Đến nay, họ đã dàn dựng hơn 228 vở kịch, từ The Tempest, Mamma Mia! tới các tác phẩm như Yellow Face và Chinglish của các nhà văn Mỹ gốc Á.
Nam diễn viên quan niệm nếu không diễn tròn vai được giao sẽ không bao giờ hoàn thành những mục tiêu quan trọng trong đời. Để duy trì nghiệp diễn, ông đảm nhận vai phụ, từ người lính thợ, tù nhân Trung Quốc cho đến anh chàng điều hành một tiệm giặt là…
Với kinh nghiệm gần 70 năm, James Hong được CNN ghi nhận là diễn viên gốc Á có số lần đóng phim Hollywood nhiều hơn cả các diễn viên Âu Mỹ. Tính đến đầu năm nay, ông xuất hiện trong hơn 600 tác phẩm, gồm 469 chương trình truyền hình, 149 phim truyện, 32 phim ngắn và 22 trò chơi điện tử. Ông đóng các phim Blade Runner (1982), Chinatown (1974), lồng tiếng cho các nhân vật trong phim hoạt hình như Kung Fu Panda, Mulan (1998), Turning Red (2022)… Hong là diễn viên còn sống duy nhất từng làm việc với Clark Gable, ngôi sao của phim Gone with the Wind (1939) và Groucho Marx.
Gần đây, ông gây chú ý khi tham gia phim điện ảnh Everything Everywhere All at Once, Daniel Kwan và Daniel Scheinert đạo diễn. James Hong vào vai Gong Gong, người cha nghiêm khắc của nhân vật chính Evelyn Wang (Dương Tử Quỳnh). Trong phim, Evelyn cố gắng làm hài lòng cha mình nhưng Gong Gong phủ nhận mọi cố gắng của cô. Sự thờ ơ của Gong là một trong những áp lực khiến Evelyn khám phá ra bản thân có cuộc sống ở những vụ trụ khác nhau. James nói vai diễn đáng nhớ vì khơi gợi cho ông cảm xúc về những nhân vật từng đóng.
James Hong hiện sống ở Los Angeles, California với vợ Susan Tong, kết hôn năm 1977. Họ có một con gái, April (sinh năm 1978). Ông hiếm khi chia sẻ đời tư với giới truyền thông. Với Hong, gia đình là chỗ dựa vững chắc để ông kiên trì theo đuổi nghệ thuật.
Quế Chi
Nguồn: https://vnexpress.net/james-hong-sao-goc-a-93-tuoi-chinh-phuc-hollywood-4462655.html