“Khu rừng của Páo” là phim độc lập đầu tay Thành Đạt sản xuất và đạo diễn cũng trở thành tác phẩm ghi dấu ấn đặc biệt cho anh chàng với “ông lớn” Netflix.
Vượt qua hàng trăm tác phẩm dự thi cuộc thi sản xuất phim ngắn do Sáng kiến “Quỹ Vẻ Đẹp Điện Ảnh – Kinh Tế Sáng Tạo Việt Nam” tiếp sức, “Khu rừng của Páo” do Nguyễn Phạm Thành Đạt biên kịch và đạo diễn đã xuất sắc giành được giải nhất chung cuộc. Từ “cái tên lạ”, Thành Đạt đang nỗ lực từng ngày để trở thành “cái tên quen” trên thị trường phim ảnh của Việt Nam.
“Khu rừng của Páo” hay câu chuyện của người trẻ về những “hủ tục” thế hệ trước để lại?
Thành Đạt kể rằng ý tưởng cho phim bắt đầu từ khi anh thực hiện một phim ngắn khác cũng khai thác chủ đề người H’Mông và gặp Phá, diễn viên chính của dự án đó. Trong quá trình thực hiện, Phá tâm sự cho Thành Đạt nghe câu chuyện của mình và không ngờ 1 năm sau, Phá lại được Thành Đạt mời đóng vai chính trong phim về cuộc đời của chính mình.
Vì được xây dựng trên câu chuyện có thật nên cái kết “Khu rừng của Páo” cũng để ngỏ bởi anh chàng Phá ngoài đời cũng đang mắc kẹt trong hủ tục, quan niệm của bản làng và tình yêu. Thành Đạt cho biết, Phá chỉ là một trong số rất nhiều những người trẻ hiện tại đang bị loay hoay không tìm ra lối thoát cho tương lai của mình bởi các tục lệ ở địa phương, dân tộc mình đề ra từ hàng trăm năm nay. Nó như sợi dây kéo sự phát triển ở lại nền móng xưa cũ, với những hệ lụy mà hủ tục ấy mang đến.
Chính vì thế, bên cạnh việc khai thác chủ đề về văn hoá tập tục lâu đời của dân tộc thiểu số ở Việt Nam cùng những khung hình mang đậm màu sắc núi rừng Tây Bắc, Thành Đạt cũng muốn góp một tiếng nói của người trẻ muốn “giải phóng” người trẻ khỏi những tập tục lạc hậu đang vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương.
Chính vì thế, khi phim giành được giải nhất của cuộc thi phim ngắn “Việt Nam của tôi” thì bên cạnh niềm tự hào, Thành Đạt cho biết mình rất mừng vì qua đó, phim có cơ hội tiếp cận đến mọi người hơn và truyền những thông điệp mà anh muốn nói đến công chúng nhiều hơn.
Cuộc phiêu lưu trên phim trường của chàng trai miền núi
Thành Đạt kể, khi bước chân vào trường thì những suy nghĩ ban đầu của anh chàng về môi trường làm phim thay đổi nhanh chóng. Là sinh viên ở top “gần trượt”, Thành Đạt nghĩ rằng mình thuộc dạng “dốt” nhất khóa nhưng đến khi vào trường, anh mới biết được rằng các bạn khác cũng chỉ đến với điện ảnh bằng bản năng và đam mê.
Được cọ xát và có nhiều cơ hội hơn để tìm hiểu về lĩnh vực mới mẻ này, Thành Đạt cũng nhanh chóng bắt tay thực hiện nhiều dự án của riêng mình. Từ những đề tài được giao trong trường cho đến những tác phẩm làm vì đam mê, Thành Đạt có cho mình một “kho” 4 phim ngắn được thầy cô đánh giá khá cao.
Hết năm học đầu tiên, Thành Đạt đã dần khẳng định việc rẽ hướng của mình là hoàn toàn chính xác. Cho đến “Khu rừng của Páo” thì Thành Đạt một lần nữa đặt một chân vào văn đàn của những nhà làm phim trẻ, tạo dựng được một vị trí trong làng điện ảnh dù là “ma mới” và được nhiều người công nhận.
Tuy nhiên, Thành Đạt cho biết: “Việc cầm chiếc cúp đầu tiên trong đời là niềm hạnh phúc lớn của mình cũng như đặt lên bản thân một trách nhiệm lớn hơn đó là thực hiện các dự án tử tế trong tương lai”.
May mắn cho Thành Đạt là nhận được sự ủng hộ của bố mẹ cho “cú twist” nghề nghiệp của mình. Đồng thời, các vị phụ huynh vẫn đang là nhà tài trợ chính cho các dự án phim của anh. Thành Đạt kể rằng, “Khu rừng của Páo” để hoàn thiện đến hiện tại phải bỏ ra chi phí khoảng 450 triệu, con số không hề nhỏ so với một chàng sinh viên năm 2 như anh. Nếu không có sự giúp sức của gia đình thì không chỉ “Khu rừng của Páo” mà các dự án khác cũng sẽ rất khó khăn trong việc được thực hiện.
Chính vì thế, khi nhận được thông tin thắng giải, người đầu tiên mà Thành Đạt gọi điện là bố mẹ. Chiếc cúp được trao cho Thành Đạt nhưng chính là phần thưởng mà anh giành tặng cho bố mẹ, những người đã yêu thương, động viên và hỗ trợ anh hết mình trong suốt thời gian qua. Cũng như một lời khẳng định chắc nịch của Đạt với gia đình rằng bước chuyển hướng của mình là hoàn toàn đúng đắn.
Thành Đạt và “giấc mơ cao bồi”
Thành Đạt chia sẻ rằng sau khi nhận được giải thưởng thì có nhiều đơn vị cũng ngỏ lời muốn hợp tác và tài trợ cho các phim của anh hơn. Trong đó, có không ít lời mời làm phim quảng cáo (TVC) nhưng anh từ chối vì đó không phải là mục tiêu mà Thành Đạt hướng đến.
Đạt chia sẻ rằng anh muốn thực hiện một dự án cao bồi tại Việt Nam và đang bắt tay vào thực hiện nó một cách nghiêm túc nhất. Khi được hỏi có sợ rằng những tác phẩm mang văn hóa Tây Âu vào Việt Nam như thế sẽ khó được hưởng ứng không thì Thành Đạt cho biết anh không ngại thử nghiệm hay sợ những khen chê của khán giả. Với anh, nếu cứ sợ sẽ không tạo ra được bất cứ sản phẩm nào hết. Với Thành Đạt, sự thành hay bại của một phim đến 70% là bởi người đạo diễn. Chính vì thế, người đạo diễn hay có thể coi là người kể chuyện chính là người “giữa mạch sống” cho một bộ phim. “Nghệ thuật là sự sáng tạo không giới hạn và điều gì cũng có thể thực hiện hóa trên màn ảnh chỉ cần một người kể chuyện đủ tốt“, Thành Đạt cho biết.
Cũng bởi nắm được tinh thần ấy mà Thành Đạt cho biết mình cần phải đi, phải nghe và trải nghiệm nhiều hơn nữa mới có thể có thêm nhiều vốn từ để kể những câu chuyện của mình một cách hấp dẫn nhất. Do đó, khi giành được giải Nhất, nhận được nhiều lời mời nhưng Thành Đạt không vội vàng, hấp tấp để kiếm tiền mà lại tập trung cho việc trau dồi, học hỏi nhiều hơn.
“Hiện tại, mình đang được mời tham gia 1 dự án điện ảnh dự kiến ra rạp vào năm sau. Tuy đây sẽ là cơ hội để mình có thể ghi tên lên màn ảnh rộng nhanh hơn dự kiến nhưng bản thân mình đang khá đắn đo. Bởi, mình muốn tạo nên những tác phẩm mang giá trị cốt lõi và tốt nhất đến với khán giả. Mà làm được điều đó thì cần thêm thời gian nữa“, Thành Đạt chia sẻ.
Nguồn: https://molistar.com/web-drama/dao-dien-9x-gianh-giai-nhat-cuoc-thi-lam-phim-netflix-va-giac-mo-cao-boi-tren-man-anh-rong