Khi đạo diễn “Em và Trịnh”, Phan Gia Nhật Linh thường xuyên được gia đình Trịnh Công Sơn trao đổi việc chọn lọc tình tiết vào phim.
Phan Gia Nhật Linh đạo diễn phim điện ảnh về cuộc đời cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, dự kiến ra rạp vào tháng 6. Dịp này, anh nói về những thử thách khi thực hiện dự án và các kế hoạch tương lai.
– Lý do anh chọn hướng khai thác các mối tình, những phụ nữ đi qua đời Trịnh Công Sơn cho dự án?
– Khoảng 5 năm trước, hãng phim Galaxy mời tôi đạo diễn dự án phim nhạc kịch dùng các bài hát của Trịnh Công Sơn và đề xuất một số ý tưởng kịch bản. Tuy nhiên, việc dùng nhạc Trịnh để kể một câu chuyện khác rất khó. Sau khi nghiên cứu về ông, tôi thấy có nhiều điểm thú vị và đề xuất làm phim về chính nhạc sĩ. Tôi nghĩ câu chuyện về chủ nghĩa lãng mạn trong cuộc đời Trịnh Công Sơn và cách nó ảnh hưởng tới âm nhạc của ông sẽ dễ tiếp cận với khán giả. Bản thân tôi cũng thấy rung động về những mối tình đó.
– Anh gặp áp lực gì khi đưa câu chuyện về một nhân vật nổi tiếng lên màn ảnh rộng?
– Làm phim nói chung luôn có những áp lực và tôi đã quen với điều đó. Với những nhân vật không ai biết đến, ta dễ dàng thuyết phục khán giả tin hơn. Khi họ đã có hình dung riêng về câu chuyện và nhân vật, êkíp đối mặt thử thách gấp nhiều lần. Tuy nhiên, cá nhân tôi rất thích việc phá vỡ những hình dung và định kiến đó. Áp lực lớn nhất là từ bên trong mình, làm sao kể câu chuyện này chạm được đến người xem.
Với tôi, điều khó nhất của dự án này là tìm được câu chuyện. Tôi đọc rất nhiều tư liệu về Trịnh Công Sơn và phải chọn lọc chi tiết để đưa vào phim. Quá trình này giống như người làm điêu khắc. Tư liệu là một tảng đá. Vấn đề của người làm phim là gọt bỏ những thứ thừa để tạo ra tác phẩm cuối cùng.
– Anh thuyết phục gia đình Trịnh Công Sơn ra sao để họ hỗ trợ phát triển dự án này?
– Tôi hay đùa rằng đoàn phim được Trịnh Công Sơn dẫn đường, dẫn lối. Tôi cùng đại diện hãng phim và anh Nguyễn Quang Dũng đi gặp vợ chồng chị Trinh – em gái nhạc sĩ và là người giữ trọng trách quản lý di sản của ông. Gia đình cho biết có nhiều người đã đến và gửi kịch bản sẵn nhưng không thuyết phục được họ.
Lúc đó, tôi mới có ý tưởng sơ khai và nói muốn làm về đám cưới không thành giữa nhạc sĩ và cô gái người Nhật Michiko Yoshii. Tôi nhớ có nói một ý rằng cảm thấy Trịnh Công Sơn không yêu một con người cụ thể. Ông yêu một ý niệm, một vẻ đẹp. Anh Trực – chồng chị Trinh – cho biết từ trước đến nay chưa có ai nói với gia đình điều này. Em gái của nhạc sĩ nói thích phim Em là bà nội của anh do tôi đạo diễn, có sử dụng hai bài nhạc Trịnh. Sau đó, gia đình rất hỗ trợ, gửi cho nhiều tư liệu quý về nhạc sĩ.
– Ngoài yếu tố âm nhạc, lãng mạn, phim được giới thiệu “kể nhiều câu chuyện của thời đại trước”. Anh chọn lọc, cân bằng các yếu tố đó trong phim như thế nào?
– Đó cũng là một thử thách lớn của tôi. Từ đầu, tôi nói với nhà sản xuất muốn làm phim về một câu chuyện tình yêu thời chiến. Tính thời đại trong tác phẩm rất quan trọng. Ngoài dòng nhạc lãng mạn, Trịnh Công Sơn cũng nổi tiếng với các sáng tác phản chiến. Cô gái người Nhật (Michiko Yoshii) từng đến Việt Nam làm luận án về tinh thần phản chiến trong nhạc Trịnh. Tôi thấy không thể tách rời điều đó khỏi kịch bản. Nó cũng như một loại gia vị để tạo nên kịch tính cho các mối tình trong phim.
Khi viết kịch bản, tôi xây dựng nhạc sĩ là người phản đối chiến tranh. Các nhân vật khác có nhiều quan điểm khác nhau về chủ đề này: người phản đối, người ủng hộ và người chỉ muốn chạy trốn. Trong phim, Trịnh Công Sơn có ba bạn thân. Tôi sử dụng họ như ba tấm gương phản chiếu về chính nhạc sĩ. Nếu ông chọn việc phản đối, không phản đối hoặc ủng hộ, số phận sẽ trở thành một trong ba người này.
Nhận dự án, tôi xác định từ đầu sẽ có ý kiến đa chiều. Gia đình nhạc sĩ cũng thường nhắc nhở tôi phải cẩn thận. Với tôi, làm phim này giống như đi trên dây. Tôi đi hỏi ý kiến rất nhiều bên và kiểm tra các câu chuyện trong phim có quá nhạy cảm hay không. Tôi phải cân nhắc kỹ vì nhiều nhân vật có thật ngoài đời. Đôi khi, tôi phải biến những người đó trở thành hư cấu, thành một nhân vật mang tính biểu tượng cho câu chuyện.
– Lý do anh chọn và tin tưởng dàn diễn viên trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm điện ảnh?
– Tôi vốn không chủ đích sẽ chọn một dàn diễn viên mới cho dự án. Khâu casting chào đón tất cả đến thử sức. Lúc đầu, tôi từng mời một nam ca sĩ nổi tiếng đóng chính. Tuy nhiên, cậu ấy nói một điều khiến tôi rất đồng tình. Là người làm giải trí, ca sĩ đó muốn đóng một phim mà khán giả khi xem sẽ thấy mình. Nếu nhận lời tham gia và đóng hay, mọi người sẽ thấy Trịnh Công Sơn, không thấy cậu ấy. Nếu đóng dở, người ta chỉ thấy ca sĩ này, không nghĩ đến nhạc sĩ. Cả hai trường hợp đều không tốt nên cậu từ chối. Đó cũng là lý do quan trọng khiến tôi chọn nhiều diễn viên mới cho dự án.
Mỗi khi casting, tôi tin vào trực giác đạo diễn. Thấy một người bước vào phòng, tôi đôi khi đã biết khoảng 50% họ có hợp với nhân vật hay không. 50% còn lại phụ thuộc vào cách họ diễn và tương tác với đồng nghiệp.
– Có nhiều lời khen lẫn chê về những hình ảnh đầu tiên của phim, anh đón nhận ra sao?
– Tôi nghĩ chuyện đó rất công bằng. Sau khi hoàn thiện, bộ phim thuộc về khán giả và họ có quyền thích hoặc không. Tôi không thể làm ra tác phẩm để tất cả thích hoặc ghét. Tôi cũng coi chuyện đó là tín hiệu tốt, cho thấy họ quan tâm tới phim. Một số diễn viên tìm đến tôi để tâm sự sau khi đọc các bình luận. Tôi nói các bạn ấy đã làm hết sức và nên cảm thấy vui vì điều đó.
– Âm nhạc Trịnh Công Sơn được anh đưa vào tác phẩm như thế nào?
– Em và Trịnh ban đầu dự định là một phim musical (nhạc kịch). Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng thể loại đó cần một dòng âm nhạc khác phù hợp hơn. Dự án được chuyển thành phim music (ca nhạc) với các bài hát do chính nhân vật thể hiện. Mỗi ca khúc được chọn đưa vào tác phẩm mang ý nghĩa riêng, gắn bó với nhân vật hoặc cảm xúc của họ. Nhà sản xuất đưa ra một danh sách 10 ca khúc cần phải có trong phim. Cá nhân tôi cũng thích những sáng tác đó nên không thấy khó khăn. Tôi chọn thêm ba bài ngoài danh sách vì chúng mang tính cột mốc, quan trọng với câu chuyện.
– Anh áp lực ra sao về doanh thu phim?
– Ban đầu, hãng phim đặt cho tôi một con số để cố gắng. Hai năm qua, Covid-19 đã thay đổi thị trường. Mọi người chỉ biết làm hết sức, không thể dự đoán được doanh thu. Sau khi hoàn thành, tôi cùng hãng phim và gia đình nhạc sĩ đều tự tin về dự án.
Tôi không kỳ vọng chuyện bán vé vì điều đó giống một cái bẫy đáng sợ. Khi làm phim đầu tay (Em là bà nội của anh), tôi chỉ mong hòa vốn để có cơ hội làm tiếp. Dự án đó trở thành phim trăm tỷ. Lúc ấy, tôi cũng đặt mục tiêu các sản phẩm tiếp theo phải có doanh thu cao hơn. Tuy nhiên, kỳ vọng sẽ đem đến thất vọng. Mục đích làm phim của tôi không để kiếm tiền. Nếu chỉ nghĩ đến chuyện đó, tôi có thể làm nhiều thứ khác.
– Kế hoạch của anh sau “Em và Trịnh”?
– Tôi mới mở một hãng phim riêng tên AIƠI, để bản thân có cơ hội làm những dự án của mình. Đến nay, tôi có bốn phim điện ảnh nhưng đều là sản phẩm đặt hàng. Tôi rót nhiều tâm huyết vào chúng nhưng không có quyền tự quyết. Trong những năm tới, tôi hy vọng làm được những phim lớn hơn. Ước mơ 10 năm của tôi là làm tác phẩm về Bạch Đằng Giang. Tôi đã lên kế hoạch từng bước cho phim từ nhiều năm trước. Tôi cũng muốn xây dựng một vũ trụ điện ảnh về triều đại nhà Trần, để khán giả hiểu hơn về bối cảnh lịch sử giai đoạn đó.
Sắp tới, tôi sẽ giữ vai trò sản xuất trong hai dự án. Phim đầu tiên là Mặt nạ Fanti, tác phẩm điện ảnh đầu tay của Andy Nguyễn. Phim thứ hai là Ngày xưa có một chuyện tình, chuyển thể từ truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Chung Chí Công đạo diễn. Năm sau, tôi dự kiến ngồi ghế đạo diễn hai phim. Thứ nhất là Số đỏ, từng công bố năm 2020. Phim thứ hai là một dự án dark comedy – fantasy (hài đen – giả tưởng) dựa trên kịch bản đoạt giải liên hoan phim BIFAN. Tôi cũng chưa rõ thị trường Việt Nam đã sẵn sàng cho thể loại này. Tuy nhiên, trong trường hợp thất bại, đó vẫn là dự án phim của tôi.
Đạt Phan
Nguồn: https://vnexpress.net/phan-gia-nhat-linh-lam-phim-em-va-trinh-giong-di-tren-day-4461704.html