Connect with us

Hi, what are you looking for?

Bật Mí Showbiz 24H

Đêm thơ Hữu Thỉnh: Lời tự tình quá khứ


Đêm nghệ thuật “Sức bền của đất” như bản tổng kết, điểm lại các tác phẩm quan trọng trong đời sáng tác cúa nhà thơ Hữu Thỉnh.

Tối 8/5, nhà thơ Hữu Thỉnh và gia đình tổ chức đêm nghệ thuật dịp ông đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhì từ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Nhiều đồng nghiệp, nghệ sĩ, bạn bè… dự chương trình, thưởng thức các tiết mục ngâm, diễn tác phẩm của ông.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập hạng nhì cho nhà thơ Hữu Thỉnh (phải) vì hơn 60 năm cống hiến cho nghệ thuật nước nhà, trong buổi lễ ở Nhà hát Lớn Hà Nội, tối 8/5. Ảnh: VT

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập hạng nhì cho nhà thơ Hữu Thỉnh (phải) vì hơn 60 năm cống hiến cho nghệ thuật nước nhà, trong buổi lễ ở Nhà hát Lớn Hà Nội, tối 8/5. Ảnh: VT

Hữu Thỉnh sáng tác từ thập niên 1970, giữa những năm tháng cam go của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thơ ông giống như một bản ghi chép về chiến tranh, thể hiện khát vọng thống nhất đất nước của những thế hệ yêu hòa bình. Trong đêm diễn, nghệ sĩ Đinh Quang Đạt, Lê Kim Long, Đức Thọ tái hiện vở nhạc kịch Đường tới thành phố, chuyển thể từ trường ca cùng tên của nhà thơ, với không khí hào sảng.

Tự Long đọc thơ Hữu Thỉnh

Trích đoạn Tự Long đọc bài “Phan Thiết có anh tôi”. Video: Hà Thu

Advertisement. Scroll to continue reading.

Hữu Thỉnh khắc họa nỗi đau chiến tranh của người mẹ (Ngôi nhà của mẹ), người vợ ngóng chồng (Tờ lịch cuối cùng), người em mất anh (Phan Thiết có anh tôi) vì chiến loạn một cách nhẹ nhàng, thấm thía. Ông không miêu tả chết chóc, đau thương, mà chỉ xoáy tâm trạng cô đơn của những người ở lại. Trong Ngôi nhà của mẹ, ông viết:

“Chiến tranh đi qua mẹ con mình
Hàng gạch lún giữa sân cơn mưa còn đọng nước
Hôm nay con trở về nhà
Chiếc vó nhện trên tường cũ vô cùng thân thiết”

Với Tờ lịch cuối cùng, ông gợi nhớ chiến dịch Tết Mậu thân 1968, qua tâm trạng trông chồng của người phụ nữ:

“Hồi Mậu thân toan tính biết bao điều
Chị vẫn tin chữ hợp cuối trang Kiều
Hoa mai nở hai lần hoa có hậu
Chị vẫn tin có mùa thu xanh đền cho cuốc kêu tháng sáu
Vẫn tin có ngày hái quả cho anh”

Advertisement. Scroll to continue reading.

Người lính trong thơ Hữu Thỉnh mang theo nỗi nhớ quê hương, người thân ẩn giấu trong tim. Thế nhưng khi ra chiến trường, họ vẫn hồn nhiên, vô tư, giống các chàng lính trong Năm anh em trên một chiếc xe tăng (Doãn Nho phổ nhạc).

“Năm anh em trên một chiếc xe tăng,
Như năm bông hoa nở cùng một cội,
Như năm ngón tay trên một bàn tay,
Ðã xung trận cả năm người như một”

Dù chủ yếu sáng tác những vần thơ cách mạng, thơ tình đưa tên tuổi Hữu Thỉnh phổ biến với bạn đọc nhiều thế hệ, qua những tác phẩm như Sang thu (Lê Quang Vy phổ nhạc), Thơ viết ở biển (Phú Quang phổ nhạc thành Biển, nỗi nhớ và em). Trong đêm diễn, Đàm Vĩnh Hưng thể hiện hai tình khúc nổi tiếng phổ thơ của ông.

Chương trình diễn ra trọn vẹn, không có nhiều điểm nhấn nhưng tạo cho người xem cảm xúc dễ chịu, thoải mái. Khán giả chủ yếu là các bạn văn của Hữu Thỉnh, được thả hồn vào những vần thơ giàu triết lý, qua giọng đọc của nghệ sĩ Lê Khanh, Quốc Hưng, Tự Long, Xuân Bắc và tiếng hát của Lan Anh, Đàm Vĩnh Hưng, Thu Hằng.

Advertisement. Scroll to continue reading.
Lê Khanh đọc thơ Hữu Thỉnh

Trích đoạn nghệ sĩ Lê Khanh đọc bài “Ngôi nhà của mẹ”. Video: Hà Thu

Việt Thanh – con gái cả nhà thơ – đặt nhiều tâm sức khi đạo diễn đêm thơ của bố. Mỗi tiết mục đều có phối cảnh sân khấu riêng, được đan cài các phần múa hài hòa. Sân khấu trang trí công phu nhưng không loè loẹt, phù hợp cảnh miền quê, thành phố thời chiến mà nhà thơ đề cập trong tác phẩm.

Chương trình mang tên Sức bền của đất, lấy theo tên trường ca đầu tiên của Hữu Thỉnh, ngụ ý về tinh thần làm việc miệt mài của thi sĩ. Ở tuổi 80, ông mới rời cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam hai năm. Nhiều cây bút trong giới nể phục Hữu Thỉnh bởi ông luôn giữ sự minh mẫn, tinh tường, tâm huyết dành cho văn học.

Nghệ sĩ Lê Khanh là một trong những giọng đọc của đêm thơ. Ảnh: VT

Nghệ sĩ Lê Khanh là một trong những giọng đọc của đêm thơ. Ảnh: VT

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói đêm thơ Hữu Thỉnh đã tái hiện một giai đoạn đáng nhớ trong lịch sử dân tộc qua những giai điệu đậm chất trữ tình, giàu nhạc tính, nhịp điệu. Ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng chương trình nghệ thuật tái hiện phần nào những mốc son chính trong cuộc đời Hữu Thỉnh, thể hiện giọng thơ, tinh thần riêng biệt của ông.

Advertisement. Scroll to continue reading.

Là một trong những khán giả thưởng thức chương trình, nhà thơ Trần Đăng Khoa còn ấn tượng với cách dàn dựng sân khấu, vũ đạo, tạo hiệu ứng trong từng tiết mục. “Tôi nghĩ đêm thơ, nhạc của ông đẹp lộng lẫy, hàm súc, lắng đọng. Tôi tâm đắc bài Ngẫu hứng hai nhà, Thế Hùng phổ nhạc bởi ca từ, giai điệu ý nhị, sâu sắc”, ông Trần Đăng Khoa nói.

Hữu Thỉnh sinh năm 1942, tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du khóa đầu. Ông tham gia Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam liên tục từ khóa thứ ba đến khóa thứ tám, đảm nhận chức Chủ tịch Hội bốn nhiệm kỳ liên tiếp, từ năm 2000 đến 2020. Ông cũng là Đại biểu Quốc hội khóa 10 và 11. Ngoài ra, ông từng giữ chức Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Hà Thu



Nguồn: https://vnexpress.net/dem-tho-huu-thinh-loi-tu-tinh-qua-khu-4461130.html
Advertisement. Scroll to continue reading.
Click to comment

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Copyright © 2022 BATMISHOWBIZ