Chiến dich Điện Biên Phủ mãi vang vọng trong lòng mỗi người con đất Việt
Chiến dịch Điện Biên Phủ được thế giới ngợi ca như một kỳ tích khó tin của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong một cuộc chiến hoàn toàn không cân sức. Lần đầu tiên, quân đội của một nước từng là thuộc địa đã đánh bại đội quân Pháp hiện đại, trang bị tối tân, được đồng minh Mỹ hỗ trợ toàn diện.
56 ngày đêm kiên cường ở lòng chảo Mường Thanh với chiến thuật đánh trận “vây lấn” bằng giao thông hào đã làm nên những dấu ấn lịch sử chưa từng có, đưa Điện Biên Phủ trở thành chiến dịch “chấn động địa cầu”.
Xem thêm: Sáng ngời tinh thần Điện Biên Phủ
Những bộ phim tài liệu kỷ niệm 30 năm 40 năm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
Hằng năm, trong mỗi dịp kỷ niệm, nhà nước luôn nỗ lực gửi gắm mong muốn tái hiện lại trận chiến “thần thánh” Điện Biên Phủ lên phim ảnh, lưu giữ và truyền lại cảm xúc chiến thắng bi tráng qua từng thế hệ.
Năm 1994, kỷ niệm 40 chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 – 1994), bộ phim Hoa Ban Đỏ được ra mắt.
Năm 2004, kỷ niệm 50 năm chiến thắng, nhà nước đặt hàng hãng phim truyện Việt Nam dự án phim Ký Ức Điện Biên với kinh phí hơn 13 tỉ đồng, được xem là mức đầu tư kỷ lục vào thời điểm đó.
Năm 2014, kỷ niệm 60 năm chiến thắng “thiên sử vàng”, nhà nước lại đặt hàng hãng phim truyện Việt Nam dự án phim mới với mức đầu tư tiếp tục giữ kỷ lục là 21 tỉ đồng. Nếu tính theo giá USD năm 2014, đây là dự án phim triệu USD. Dự án này khi ra rạp có tựa đề Sống Cùng Lịch Sử.
Tuy nhiên, càng với giá kỷ lục, phim lại càng tỏ ra đuối sức với những điểm yếu về kịch bản, cách tiếp cận đề tài. Ký Ức Điện Biên, Sống Cùng Lịch Sử đều không làm hài lòng khán giả, chưa thể hiện được đúng tầm vóc cần có của cuộc chiến. Phim ra rạp không bán được vé, phải nhanh chóng rút khỏi rạp.
Những lý do khiến phim được đầu tư khủng nhưng vẫn đuối sức
Cố gắng mô phỏng lại cuộc chiến nhưng chưa tới
Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử có những đặc thù rất riêng biệt, được ví “có một không hai”, “vô tiền khoáng hậu”.
Để vây đánh tập đoàn cứ điểm được coi là “pháo đài bất khả chiến bại” của Pháp, quân ta đã thực hiện chiến thuật “vây lấn” bằng cách đào phá các giao thông hào thành một hệ thống, từ đó xây dựng trận địa, âm thầm siết chặt gọng kìm bao vây đối thủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ còn được gọi là “Chiến tranh chiến hào”.
Bên cạnh hình ảnh giao thông hào ngang dọc khắp chiến địa, còn là hình ảnh quân dân kéo pháo, thồ hàng vượt đường đèo nguy hiểm vào chiến trường. Những hình ảnh vốn đã trở thành biểu tượng và đi vào lịch sử cùng Điện Biên Phủ.
Khi bắt tay vào làm phim, các đạo diễn sẽ phải chịu sức ép về việc chuyển tải đúng và trúng “chất” Điện Biên Phủ. Vì lý do này, các phim về chiến dịch Điện Biên Phủ đều phải đầu tư rất lớn về bối cảnh, với những hào giao thông, hầm hàm ếch, cứ điểm địch… Bộ phim nào cũng sẽ có hình ảnh trận địa chiến hào, hình ảnh chiến sĩ đào hầm ban đêm, quân dân sôi sục thồ hàng nhu yếu phẩm vào chiến địa…
Sự nỗ lực mô phỏng lại một chiến địa khốc liệt rất khó. Mô phỏng đúng thôi chưa đủ, phải gợi lại được cả tinh thần, tầm vóc của cuộc chiến, điều này chưa bộ phim nào làm được.
Kịch bản thiếu câu chuyện, thiếu cảm xúc
Trong 3 bộ phim kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, Hoa Ban Đỏ của đạo diễn Bạch Diệp được đánh giá giàu cảm xúc hơn cả. Giữa cuộc chiến khốc liệt, giữa những cảnh đào hầm, chiến đấu, Hoa Ban Đỏ đan xen những câu chuyện đời thường, giản dị.
Đó là phân cảnh anh đầu bếp bật khóc khi nghe tin một tiểu đội đã hy sinh gần hết với câu thoại “thế mà hôm qua, mấy đứa vẫn dặn tôi đừng cắt cơm em nhé”. Đó là khi đoàn văn công đến biểu diễn vội vàng giữa giây phút bình yên hiếm hoi.
Đó còn là câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng, lãng mạn của tiểu đoàn trưởng Phương và Tấm. Cuộc chia tay của họ giữa rừng ban nở trắng được ví là phân cảnh đẹp nhất phim và đầy cảm xúc.
Ký Ức Điện Biên với mức đầu tư “khủng” từng được kỳ vọng khi ra mắt. Ngay khi ra rạp, phim bị chê về kịch bản khiên cưỡng, thô cứng, thiếu thuyết phục. Kịch bản yếu cũng là “điểm chết” của dự án triệu USD Sống Cùng Lịch Sử. Việc đưa các bạn trẻ về lại chiến trường xưa, khiến họ cảm thấy mình như được trở lại, hòa nhập vào cuộc chiến… đã không mang lại hiệu ứng như mong đợi. Phim lê thê, thiếu điểm nhấn, và thiếu cảm xúc cần có với một dự án phim lịch sử.
Xem thêm: Xem ngay top phim tài liệu hay nhất mà mọi thế hệ đều ‘ghiền’
Có một “Chiến thắng Điện Biên” trong thời đại mới
Đó là của chiến tranh máu lưa, chúng ta tưởng niệm, tri ân nhưng cũng không quên cố gắng xây dựng và phát triển. Đi lên từ trong mưa bom bão đạn, mảnh đất lịch sử năm ấy nay đã có những đổi mới không ngừng.
Đến Điện Biên hôm nay, du khách sẽ được chứng kiến một sự đổi thay mạnh mẽ mang tính đột phá trước sự ngỡ ngàng của chính người dân địa phương. Cả lòng chảo Mường Thanh đang sôi động bởi sự hiện diện của những nhà đầu tư hàng đầu Việt Nam.
Lặng lẽ vươn lên trong đại dịch
Trong hơn 2 năm qua, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt của đời sống xã hội. Trong đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Xác định phải tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh để phục hồi nền kinh tế, UBND tỉnh Điện Biên đã nỗ lực triển khai các giải pháp, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành với doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc, xây dựng các chính sách kiến tạo phát triển…
Đánh giá một cách khách quan, vượt qua những khó khăn trong đại dịch từ sự tác động tích cực của hàng chục nguồn vốn, bức tranh toàn cảnh kinh tế – văn hoá – xã hội Điện Biên đã và đang có những sự đổi thay mạnh mẽ mang tính đột phá. Một hệ thống phong phú các chương trình, dự án, kế hoạch tạo nên sức mạnh tương hỗ trong đầu tư đang đánh thức những tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên dành cho mảnh đất vốn đã bị bom đạn cày xới ngổn ngang từ gần 70 năm trước.
Lãnh đạo chủ chốt tỉnh Điện Biên trực tiếp kiểm tra các dự án trọng điểm
Có thể thấy, chương trình xóa đói giảm nghèo là một chủ trương tầm vĩ mô của Đảng, qua đó, tính ưu việt của chế độ xã hội được thể hiện mà không cần phải lý giải bằng lời. Trên chặng đường triển khai, chúng ta nhận thấy dấu ấn nhập cuộc hăng hái và chủ động của cả hệ thống chính trị xã hội; được các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành chức năng quan tâm và nhân dân các dân tộc đồng tình hưởng ứng, với tinh thần phấn đấu làm “một trận” Điện Biên trong thời đại mới…
Năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, cùng với nỗ lực phòng, chống, kiểm soát tốt dịch COVID-19, tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính Nhà nước; thay đổi tinh thần, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức; tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Cùng với đó, tỉnh Điện Biên cũng khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh; tăng cường gặp mặt, đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là trong bước thực hiện dự án đầu tư, giải phóng mặt bằng. Đồng thời tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể các dự án đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước đã được quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư; thực hiện phân loại, xử lý cụ thể từng dự án, nhất là các dự án chậm tiến độ.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều thay đổi và được cải thiện theo hướng tích cực, thu hút được các nhà đầu tư lớn đến tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu, ký thỏa thuận hợp tác, như: Tập đoàn Sun Group, FLC, Vingroup, Hải Phát, Flamingo, SGO, Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng Tây Bắc…
Trong năm 2021, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 17 dự án (thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại dịch vụ, sản xuất vật liệu xây dựng…) với tổng mức đầu tư đăng ký hơn 6.276 tỉ đồng. Lũy kế đến nay có 226 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 36.000 tỉ đồng; trong đó, có 149 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, 33 dự án đang thực hiện đầu tư.
Cùng với chấp thuận chủ trương đầu tư, tỉnh tập trung rà soát các dự án không đủ điều kiện tiếp tục triển khai để chấm dứt hoạt động. Bên cạnh đó, nhờ những chính sách tích cực, đặc biệt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập, trong năm 2021, toàn tỉnh có 125 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký trên 2.230 tỉ đồng…
Một Điện Biên trong thời đại mới
Thấm thoắt đã gần 70 năm, kể từ thời khắc lịch sử lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tung bay trên nóc hầm Đờ-cát. 68 năm “sao dời vật đổi”, Điện Biên đang tự hào đi lên bằng ý chí bất khuất như ngọn Pú Hồng không biết cúi đầu.
Từ trong đau thương mất mát, có một Điện Biên đang từng bước phát huy nội lực, tranh thủ thời cơ, tạo ra những “chiến thắng Điện Biên” trong thời đại hội nhập và phát triển.
Giờ đây, sau 68 năm với bao nỗ lực của các thế hệ người Điện Biên, trên mảnh đất bom cày đạn xới năm xưa, một thành phố trẻ đang vươn mình trong hội nhập và phát triển. Trên toàn bộ vùng Tây Bắc nước ta, Điện Biên Phủ là thành phố đầu tiên được thành lập và là thành phố duy nhất có vị trí chiến lược trọng yếu trong thế trận an ninh – quốc phòng khu vực.
Năm xưa, khi chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam phải mất hàng tháng trời đạp rừng cắt núi mới tới được Điện Biên. Vậy mà hôm nay, từ Thủ đô Hà Nội, chỉ hơn nửa giờ trên chuyến bay bất kỳ của các hãng hàng không, hay từ Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ mất chưa đầy 2 giờ đống hồ là bạn đã có mặt giữa Mường Thanh, để khoan khoái vít cong ngọn rượu cần từ bàn tay ngọc ngà của các “nàng tiên” xứ sở “hoa ban nở thành người con gái Thái”.
Những ngày này, như một lẽ tự nhiên, danh từ riêng Điên Biên Phủ với ý nghĩa thiêng liêng nhất, đã được chuyển hoá thành động từ; để chỉ sự sum họp, sự quay về với tinh thần đồng tâm hiệp lực, san sẻ yêu thương. Từ trên tháp chuông tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia – A1, cứ chừng nửa tiếng lại có một hồi chuông nghẹn ngào vút lên không trung, xoáy vào lòng người và lắng lại những dư âm da diết trong thẳm sâu tâm sự của khách thập phương.
Chúng tôi đã thấy và thấy không chỉ một lần mà là nhiều lần, nhiều người, đứng lặng lẽ trước những hàng bia trắng trong nghĩa trang như thể 68 năm qua, bao nhiêu tâm sự buồn vui dành lại cho một lần này… Đó là những người mắt đã mờ, chân đã chậm, có chung một tên gọi giản dị mà rất đẹp: Cựu chiến binh Điện Biên Phủ; thuộc các đại đoàn: 304, 308, 312, 316 và 351 từng tham gia trận huyết chiến “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm”…
Xem thêm: Một số giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng lập quy hoạch
Chia sẻ niềm vui với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Thắng – Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên cho biết, những năm qua, tỉnh Điện Biên luôn tạo điều kiện ủng hộ các nhà đầu tư thực hiện nghiên cứu cơ hội đầu tư tại tỉnh. Trong đó nhiều nhà đầu tư hàng đầu Việt Nam đang khảo sát, nghiên cứu và lên kế hoạch đầu tư nhiều dự án lớn như: Khu biểu diễn, tái hiện thực cảnh trận đánh lịch sử Điện Biên Phủ; dự án Khu Resort thuộc phân khu phía Bắc thành phố Điện Biên Phủ hay dự án hệ thống cáp treo đến các điểm di tích…
Cùng với đó, tỉnh Điện Biên cũng cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, để Tập đoàn có thể đầu tư và phát triển thành công trên địa bàn tỉnh và đó được xem là động tác “trải thảm đỏ” của cơ quan Đảng, chính quyền và nhân dân Điện Biên.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Lê Thành Đô – Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên – cũng cho biết: “Để thiết thực chào mừng 68 năm Kỷ niệm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, sau khi triển khai dự án đầu tư sân bay Điện Biên và mở thêm các đường bay mới, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Sun Group, Vin Group, Hải Phát, Flamingo, Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng Tây Bắc… đã có mặt tại Điện Biên và đang tiến hành các bước nghiên cứu để xúc tiến lập dự án đầu tư...”.
Sau khi khởi công dự án xây dựng, mở rộng sân bay Điện Biên, địa phương này đang tiếp tục theo đuổi “khát vọng” làm đường cao tốc theo cách chưa từng có. Theo Bí thư Điện Biên – Nguyễn Văn Thắng, nếu sau năm 2030 mới được đầu tư thì có thể phải đến năm 2037 Điện Biên mới có đường cao tốc. Do vậy, tỉnh Điện Biên đã thống nhất phương án đầu tư xây dựng đoạn cao tốc Điện Biên – Sơn La theo phương thức đối tác công tư (PPP) và loại hợp đồng BTL để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin phê duyệt chủ trương.
“Hình thức hợp đồng BTL là loại hợp đồng chưa từng được triển khai ở Việt Nam. Nếu phương án này được phê duyệt thì Điện Biên sẽ là tỉnh đầu tiên triển khai và đây là phương án phù hợp đối với các tỉnh nghèo” – Bí thư Điện Biên cho hay.
Được biết, hiện nay tỉnh Điện Biên đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án đề xuất giao cho UBND tỉnh Điện Biên là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện Dự án cao tốc Điện Biên – Sơn La. Đồng thời Điện Biên phấn đấu hoàn thành các thủ tục để trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 12.2022.
Thời gian trôi nhanh, lớp lớp người dân Điện Biên nén quá khứ đau thương vào lòng, tập trung trí lực cho công cuộc dựng xây phát triển. Chiến trường xưa giờ là một thành phố trẻ đang trên đà đổi mới đi lên. Trên nền hầm hào, lô cốt, dây thép gai… nhức mắt hôm nào, nay là cánh đồng lớn nhất vùng Tây Bắc với bốn mùa ngào ngạt hương lúa, rực rỡ sắc hoa.
Vậy là thêm một lần Điện Biên Phủ đang trải rộng lòng mình đón chào quý khách. Mỗi công dân Điện Biên nói chung và thành phố Điện Biên Phủ nói riêng, đang sẵn sàng làm tất cả những gì có thể để góp phần nhỏ bé tô đẹp hình ảnh một Điện Biên Phủ anh dũng trong chiến đấu; cần cù, tự chủ và sáng tạo trong lao động và học tập; thân thiện và hiểu biết trong thời đại mở cửa, giao lưu và hội nhập…
Nguồn tư liệu và hình ảnh: Lao Động