Trong “Hương vị tình thân”, biên kịch dường như dành nhiều thời lượng cho Chiến “chó” (do Anh Tuấn đóng), qua đó, dần lột tả những góc khuất đằng sau cuộc sống của trùm giang hồ vốn nổi tiếng máu lạnh này.
Không có địa vị xã hội cao quý, không giàu có, cũng chẳng có nổi công việc lương thiện như ông Khang, từng là một tay giang hồ máu lạnh, trời không sợ, đất không sợ nhưng Chiến “chó” lại hết lòng hiếu thảo và yêu thương bố.
hứ tình cảm ấy của Chiến “chó” có phần hơi cục súc. Vốn là một tên giang hồ, nên hắn vẫn thường buông lời độc địa, rủa bố sao không “đi sớm” cho mình bớt khổ. Mỗi lần gần bố là cằn nhằn, cáu gắt, nhưng sâu bên trong là những chất chứa, lo lắng, xót xa của một người con. Hắn không ngần ngại làm bất cứ việc gì để có tiền chạy chữa cho bố, sẵn sàng lao vào nhà người khác để lấy đồ ăn mang về cho bố.
Một tay giang hồ máu lạnh, giết người không ghê tay nhưng lại dễ dàng gào khóc khi bố lên cơn nguy kịch. Rồi lập cập cõng bố băng rừng đi tìm người cứu. Sức khoẻ của Chiến không tốt nên cứ chạy 3 bước lại ngã khi cõng bố trên vai, nhưng hắn vẫn kiên trì, ngã thì đứng dậy cõng bố chạy tiếp. Hắn kiên trì, cẩn thận lau người, chăm sóc ông. Từng câu nói, từng cử chỉ của Chiến “chó” dành cho bố khiến khán giả dù không ưa nhưng cũng rất cảm động.
Bố hắn, cũng ăn nói cộc cằn không khác hắn. Suốt ngày ca thán, kêu gào rồi chửi rủa hắn. Ông cho rằng tiền của Chiến kiếm được không trong sạch, từ ăn trộm, ăn cắp mà ra nên ông không cần. Song Chiến vẫn chấp nhận nghe, miễn sao bố còn sống và được chữa khỏi bệnh.
Ông đuổi hắn: “Mày cứ để mặc bố, không cần chữa cho tao đâu, tao không thể chữa trị đâu”, nhưng với Chiến dù chỉ còn hy vọng dù chỉ là 0.5% thì hắn vẫn làm mọi cách để cứu lấy bố. Hiếm hoi có lần bố Chiến nhẹ nhàng, từ tốn tâm sự với con trai: “Ngày xưa bố có đánh mày, bố có đuổi mày đi, không phải vì bố ghét bỏ gì mày đâu. Bố chỉ dọa mày, để mày biết sợ mà đừng đi đánh nhau với người ta nữa. Biết sợ thì mới lên người”. Nghe bố nói, Chiến gạt đi: “Ông đừng có nói. Mệt tôi, mệt cả ông”.
Ông lại ngồi tâm sự với con trai về nỗi lo của mình: “Từ hôm mày đưa bố mày lên đây, đêm nào bố cũng nằm mơ thấy người ta đánh mày. Sợ lắm, có ngủ được đâu. Thôi, cho bố về đi. Suốt ngày, mày đi cướp bóc, đánh nhau để lấy tiền chữa trị cho bố mày. Đến lúc bố mày sống, mày chết thì bố sống làm gì?”. Về sau, bố Chiến còn tự tìm đến chuyện quẩn trí nhưng may mắn ông Sinh đã phát hiện kịp thời. Chiến vội vàng lao vào cõng bố đi cấp cứu, trong lúc nguy cấp, ông vẫn dặn dò con trai: “Sống cho tử tế con ơi!”.
Trên diễn đàn phim, nhiều khán giả chia sẻ đã rơi nước mắt xúc động trước những cảnh quay này. Có lẽ, đó là những lời tâm sự của một người cha đã kìm nén suốt bao năm qua, nay mới có cơ hội nói với con trai. Chỉ đến lúc gần đất xa trời, ông mới có thể nói ra những lời quan tâm, lo lắng cho con. Lời nói của ông khiến Chiến “chó” nhăn mặt nhưng đằng sau nét cáu kỉnh thường ngày đó, trái tim hắn hẳn đang xao động, bởi dường như đây là lần đầu tiên hắn cảm nhận được tình cha dành cho mình.
Thời gian đầu, không ít khán giả khó chịu với nhân vật này khi 5 lần 7 lượt làm phiền đến cuộc sống của ông Sinh, rồi đòi ông số tiền 1,3 tỷ đồng năm xưa cho ông Sinh (NSƯT Võ Hoài Nam) vay để giúp đỡ vợ con ông Tuấn (NSND Công Lý). Nhưng ở những tập phim về sau mới thấy hóa ra hắn muốn lấy lại số tiền đó để chữa bệnh cho bố. Vì ông Sinh không có tiền trả cho hắn, nên hắn đành nhờ ông chăm sóc bố giùm để bản thân đi kiếm tiền cho bố chữa trị.
Đứng trước lòng hiếu thảo của Chiến dành cho bố, ông Sinh cũng phải cảm động mà thay đổi cách nhìn, để rồi sẵn sàng bán nhà để lấy tiền giúp đỡ. Dẫu sao Chiến cũng từng là ân nhân của ông, dù hắn có lâm vào đường cùng như ngày hôm nay cũng chưa từng uy hiếp bắt ông phải trả ngay trả gấp món nợ 1,3 tỷ đồng ngày trước. Người xem kỳ vọng, sợi dây vô hình kết nối ông Sinh và Chiến “chó” sẽ tạo nên loạt tình tiết gay cấn phía trước. Ông Sinh sẽ được minh oan còn Chiến sẽ có một cuộc sống tốt hơn với bố.
Có lẽ, sau tất cả, sức hút của “Hương vị tình thân” vẫn là hương vị tình thân. Không ít khán giả cho rằng những cảnh phim về gia đình, câu chuyện hai chiều của con và cha, mẹ và con, cháu và bà đã lay động người xem hơn là những câu chuyện tình yêu lứa đôi cứ lơ lửng mãi chưa đâu vào đâu.
Không phải tự dưng mà Chiến “chó” được biên kịch để tâm đến vậy, chăm sóc kỹ càng đến vậy, dù chỉ là một vai phụ để làm rõ nỗi oan của ông Sinh 20 năm trước. Thông điệp mà người xem nhận lại chính là: con người, dù xuất thân ở đâu, địa vị ra sao, hoàn cảnh đẩy đưa thế nào thì cuối cùng tình thân gia đình vẫn là điều quan trọng nhất.
Nguồn: https://molistar.com/truyen-hinh/dieu-gi-o-chien-cho-cua-huong-vi-tinh-than-khien-khan-gia-tran-trong