Những tô phở nóng hổi, thơm phức đến với lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch, bệnh nhân F0 lúc này không chỉ là món ăn ngon, bổ dưỡng mà còn là lời nhắc mọi người về một cuộc sống bình thường đang gần hơn.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ về chương trình “Xe phở yêu thương” do báo Tuổi Trẻ tổ chức, sẽ được khởi động bằng cả ngàn tô phở được phục vụ tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh cùng các bệnh viện vệ tinh trong ngày 28-9, bác sĩ Trần Văn Khanh – giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) – nói: “Những ngày qua, bên cạnh công việc khám chữa bệnh hằng ngày thì mọi người cũng tất bật cùng xắn tay chuẩn bị công tác hậu cần chờ đón “Xe phở yêu thương”. Trong những ngày bận rộn chống dịch, đúng là không dễ để có cơ hội được thưởng thức những món ăn ngon, ưa thích, vì vậy không khí những ngày này rộn rã lắm”.
– BS Trần Văn Khanh: Đúng như vậy, để chăm sóc tinh thần cho lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch, bệnh nhân COVID-19…, trước đó bệnh viện cũng phối hợp với các đoàn văn nghệ của TP tổ chức chương trình ca nhạc. Từng giấc ngủ, miếng ăn, thuốc men… dù trong điều kiện dã chiến nào cũng được hết sức chăm lo cho mọi người. Nhưng riêng với món phở trong “Xe phở yêu thương”, tôi tin cảm xúc đem đến sẽ rất khác.
– Những ngày qua, khi có thông tin có hàng ngàn tô phở sẽ đến bệnh viện, đội ngũ y bác sĩ và nhân viên ở đây đã rất xôn xao, nóng lòng, ai cũng mong và cứ đùa rằng “sao chưa thấy phở vào?”.
Các bữa ăn cũng cố gắng đa dạng bằng cách thêm rau, trái cây, sữa chua… nhưng có cơ hội thưởng thức phở ngon do chính tay các chủ quán phở phục vụ cũng là dịp được đổi món ngon. Tuy nhiên, chúng ta đều hiểu rằng giá trị những tô phở yêu thương còn mang theo tình thương cao đẹp hơn. Những tô phở này được vun đắp, làm đầy bởi sự chia sẻ, quan tâm của người dân hướng về lực lượng tuyến đầu chống dịch.
* Những tô phở đến với các bệnh viện phục vụ y bác sĩ cũng như bệnh nhân F0 trên “Xe phở yêu thương” do chính tay các chủ quán phở, những thương hiệu phở có tiếng của TP đưa đến. Hẳn xung quanh hương vị phở đó, ông cũng có cảm xúc riêng?
– Quan sát trong cuộc sống hằng ngày tôi thấy có một chi tiết rất thú vị là phở cũng không chỉ để gọi tên một món ăn mà còn là “cuộc hẹn” thân tình. Mỗi sáng chúng tôi vẫn thường gọi điện hẹn nhau “đi ăn phở nha” nhưng thực ra đến đó thì người ăn phở, người ăn bánh mì hay hủ tiếu và cùng trao đổi công việc, gặp gỡ… Cũng như chúng ta hay hẹn nhau “đi cà phê” thì không có nghĩa là đến quán mọi người cùng gọi thức uống cà phê.
Vị ngon của một tô phở được cảm nhận từ cọng hành trắng được chần vừa đủ ngọt, bánh phở mềm hay từng miếng thịt bò thơm béo ngậy… Tôi tin những tô phở yêu thương trong chương trình của báo Tuổi Trẻ hôm nay còn mang thêm hương vị khác – đó là hương vị của tình yêu đồng bào, tấm lòng san sẻ của người dân hướng đến lực lượng tuyến đầu đang chống dịch. Đó là các y bác sĩ, nhân viên lao công, anh bộ đội, chú bảo vệ…
Tô phở là cách chúng ta thể hiện sự yêu thương, gắn bó nhau để vượt qua nghịch cảnh, xóa bỏ tang thương, mất mát và cố gắng hướng đến tương lai tốt hơn.
Nguồn: https://molistar.com/doi-song/xe-pho-yeu-thuong-tang-tuyen-dau-va-f0-bao-hieu-cuoc-song-binh-thuong