TP.HCM đang bắt đầu có những chính sách để chuẩn bị cho trạng thái ‘bình thường mới’. Rất nhiều vui mừng, chờ đợi và cũng rất nhiều lo lắng.
Các bác sĩ, những người đang “thực chiến” trên trận chiến với COVID-19, nếu đầu dịch đã tha thiết “ai ở đâu ở yên đó để chúng tôi mau được về nhà” thì nay ủng hộ mọi người được quay về với cuộc sống ngày thường.
Tuổi Trẻ đã trò chuyện với hai trong số họ để hiểu được chuyên môn y khoa về những thay đổi này.
Ngành y lớn lên trong đại dịch
Từ đầu mùa dịch, bác sĩ Nguyễn Thanh Trường – phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM – đã kinh qua nhiều vị trí “thực chiến”: giám đốc Bệnh viện dã chiến số 1, giám đốc Bệnh viện dã chiến số 13. Từ đầu tháng 9, ông được phân công trở lại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới…
* Những ngày gần đây, đã có nhiều số liệu và đánh giá chuyên môn cho rằng diễn biến dịch đang giảm. Thực tế số tử vong có giảm, số nhiễm mới giảm nhưng vẫn còn rất cao, theo bác sĩ vì sao?
– Bác sĩ Nguyễn Thanh Trường: Tôi cho rằng trên thực tế dịch đã bắt đầu chiều hướng giảm đều do chính những nỗ lực của tất cả xã hội, chứ không phải tự nhiên mà có. Số nhiễm mới không giảm nhiều, thậm chí có ngày tăng vì TP vẫn đang xét nghiệm với mục đích bóc tách F0.
Số tử vong bắt đầu giảm, từ trên 300 ca/ngày xuống dưới 200 ca/ngày từ hai tuần nay. Đó vẫn là con số rất lớn nhưng đang giảm và sẽ tiếp tục giảm, tương ứng với sự củng cố và tăng cường năng lực của ngành y tế.
Năng lực và sức đề kháng bền bỉ của ngành y là điều cả xã hội đang quan tâm, cảm phục và cả lo lắng nữa trong lúc này…
Bên cạnh đó, bệnh nhân F0 không triệu chứng được theo dõi điều trị tại nhà cũng giúp giảm quá tải bệnh viện, hạn chế việc dàn mỏng nguồn lực y tế.
Tốc độ phủ vắc xin – nhất là trên người lớn tuổi, bệnh nền – khiến virus giảm độc lực, giảm những ca chuyển biến nặng là tác động tích cực mang tính quyết định.
Năng lực, bản lĩnh của nhân viên y tế tăng cao dù không ít mệt mỏi. Từ đầu dịch, chúng ta đã huy động nhân viên y tế ở tất cả các chuyên khoa, và như ở Bệnh viện dã chiến số 1, tôi đã phải tổ chức tập huấn lại từ những ngày đầu tiên.
Qua thực tế của cuộc chiến với đại dịch, các y bác sĩ, nhân viên y tế đã vừa làm vừa học, rút được kinh nghiệm qua từng bệnh nhân, trưởng thành rất nhiều, từ những người có chuyên môn với bệnh truyền nhiễm như chúng tôi đến những đồng nghiệp thuộc chuyên khoa khác.
Bên cạnh đó nữa là sự góp sức to lớn của xã hội, từ khẩu trang, đồ bảo hộ, bình oxy đến monitor, máy thở, máy ECMO, xe cấp cứu… góp phần giữ mạng sống người bệnh, động viên ngành y từ vật chất đến tinh thần.
Ở Bệnh viện dã chiến số 13, có lúc cao điểm, bao nhiêu máy móc chúng tôi dùng hết. Những lúc đó, mọi nhân viên y tế phải phát huy khả năng và sức lực của mình ở mức tối đa, bởi không quan sát, theo dõi, chăm sóc chu đáo thì bệnh nhân sẽ tử vong rất nhanh. Cho tới bây giờ, những ngày căng thẳng như vậy đã qua.
* Có nhiều bệnh viện dã chiến chỉ điều trị theo triệu chứng bệnh nhân. Vậy phác đồ điều trị covid-19 đã được thống nhất và các loại thuốc đặc trị có đủ cho bệnh nhân không?
Riêng về thuốc đặc trị cũng đã được cung cấp trong gói C cho bệnh nhân tại nhà và ở bệnh viện để dùng theo nhận định của bác sĩ. Chúng ta chưa có thuốc đặc trị để cấp phát đại trà được.
* TP.HCM đang tính toán phương án dần “mở cửa”, bác sĩ có lo ngại về những diễn tiến mới của dịch, nhất là khi sắp tới, giả sử lực lượng y tế hỗ trợ ở các tỉnh thành sẽ rút về?
– Khi “mở cửa” lại, tôi tin là mọi người tham gia hoạt động xã hội đều đã được bảo vệ bởi vắc xin, và như thế, nếu có nhiễm bệnh cũng ít trở nặng.
Những sai lầm trong tổ chức dẫn đến sự tập trung đông người gây lây lan dịch chắc hẳn cũng đã được rút kinh nghiệm sâu sắc. Khi đó, sự đáp ứng của y tế TP.HCM sẽ đủ, thậm chí hy vọng chúng tôi còn có thể tạm nghỉ ngơi.
Nếu mình là F0?
* “Thẻ xanh vắc xin” rất cần trong cuộc sống “bình thường mới” nhưng không hoàn toàn tránh được nhiễm, lây. Vậy mỗi người nên tự chuẩn bị như thế nào, kể cả khả năng cao trở thành F0?
– Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn khoa nhiễm khuẩn – thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1: Thật bình tĩnh vì bạn đã được bảo vệ bởi ít nhất một mũi vắc xin sau 14 ngày – đủ chống lại bệnh, hoặc 2 mũi vắc xin – đủ thời gian sinh kháng thể tối đa. Bình tĩnh vì bạn đã đủ kiến thức cơ bản để hiểu bệnh và tự theo dõi bản thân.
Ngoài ra, hãy nhìn xung quanh mình, người thân của mình xem có ai thuộc trường hợp có nguy cơ cao (người già, bệnh nền, béo phì) mà chưa được chích vắc xin hay không. Nếu có, hãy cách ly để bảo vệ họ, và hãy đưa họ đi chích ngừa.
Hãy tự tăng đề kháng cho mình qua dinh dưỡng và liên hệ với cơ quan y tế để được hướng dẫn.
* Quan điểm của bác sĩ về khả năng F0 lang thang ngoài cộng đồng khi nới giãn cách thì sao?
– Đó cũng là điều mà nhiều người lo khi xã hội hoạt động lại. Việc đó là khó tránh khỏi trong TP có hơn chục triệu dân của chúng ta, bởi chuyện khiến virus biến mất hoàn toàn khỏi cộng đồng là không thể.
Độ phủ vắc xin mũi 1 của TP.HCM đến nay đã là 85%, tỉ lệ trong mơ của cả thế giới. F0 mà chúng ta có thể gặp là F0 đã được chích vắc xin, hay F0 đã lành bệnh.
* Thế còn đối với trẻ em, thưa bác sĩ?
– Trẻ em đến giờ vẫn chưa được chích vắc xin, nhưng với trẻ em thì COVID-19 cũng không có gì nguy hiểm hơn các bệnh khác.
Tất nhiên vẫn có những trường hợp đặc biệt: vẫn trở bệnh nặng khi đã có vắc xin hay không thuộc nhóm nguy cơ cao, đây là do cơ địa và là những trường hợp vẫn có thể mắc bệnh nặng nếu không có COVID-19.
Tuy nhiên, không nên vì những trường hợp đặc biệt hiếm gặp mà tăng thêm lo lắng, ảnh hưởng nhiều việc khác.
Ngoài ra, tiến trình điều trị đã ổn. Túi thuốc đã chuẩn, số người bệnh nặng đã giảm. Việc cung cấp oxy tại giường bệnh đã đủ. Không còn bệnh nhân cấp cứu bị từ chối. Từ giờ tới cuối năm vắc xin sẽ về đều, đủ, đồng đều cho cả cộng đồng, TP.HCM và các tỉnh.
Y tế đến kịp lúc, F0 sẽ bớt lo
Lúc này, để kiểm soát được dịch bệnh, ngoài việc người dân tuân thủ các quy định thì yếu tố quyết định tiếp theo chính là hệ thống y tế cơ sở.
Thở phào khi “y tế đến”
Gia đình anh V.N.T.H. (phường 24, quận Bình Thạnh, TP.HCM) có 5 người gồm: vợ chồng và 3 đứa con nhỏ. Vợ anh làm ở sân bay và đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Ngày 6-9, theo yêu cầu công việc, vợ anh test nhanh cho kết quả dương tính.
Vợ anh H. cho biết không chỉ thấy lo lắng cho mình, gia đình và cả những người thân khác do vô tình tiếp xúc. Ngay sau khi vợ có kết quả test nhanh dương tính, anh H. đã nhờ người thân liên hệ với Trạm y tế phường 24.
Đội ngũ y tế đã đến nhà, tiến hành test nhanh cho cả gia đình và cho kết quả 4 người đều dương tính, trừ cậu con trai út.
Các bác sĩ đã thăm khám tình trạng bệnh, phát thuốc và cung cấp số điện thoại liên hệ trong trường hợp khẩn cấp. Sự tiếp nhận kịp thời của đội ngũ y tế địa phương đã trấn an được những khủng hoảng tâm lý của gia đình anh H..
“Không thể nào quên được cảm giác cả nhà ngồi chờ y tế phường đến, vì mình cũng chẳng biết liệu họ có đến không, cả nhà và người thân, hàng xóm xung quanh như ngồi trên đống lửa. Rất may, họ có mặt kịp thời, mình cũng giải tỏa bớt được áp lực, an tâm điều trị tại nhà, người thân, hàng xóm cũng thấy đỡ lo hơn” – anh H. chia sẻ.
Và chính việc tiếp cận nhanh của hệ thống y tế địa phương đã giúp anh H. cùng người thân sớm ổn định tâm lý và nhanh chóng vượt qua “cú sốc tâm lý COVID-19”.
Tuy nhiên trong giai đoạn dịch kéo dài như thời gian qua, ngành y tế quá tải, không hiếm những trường hợp rơi vào hoảng loạn khi nghe “hung tin người thân bị mắc COVID-19”.
Hoang mang khi F0 “tự bơi”
Đó là trường hợp của chị V.T.K.D. (ở đường Hậu Giang, phường 12, quận 6). Chị D. kể nhà chị ở hẻm cụt, xóm lao động, khi dịch bùng phát xóm chị có nhiều người trở thành F0.
Khoảng cuối tháng 7-2021, xóm chị D. có một người hàng xóm bị ho, sốt, khó thở. Người này tự xét nghiệm cho ra kết quả dương tính và cũng là F0 đầu tiên của xóm. Ca bệnh này đã được báo cho địa phương, gọi đường dây nóng, kêu xe cấp cứu… nhưng không có đơn vị nào can thiệp, hỗ trợ.
Cũng may những ngày sau, người hàng xóm tự điều trị, qua cơn nguy kịch và sức khỏe tốt lên. Tiếp đó, người dân trong xóm mua dụng cụ tự xét nghiệm và có thêm 20 trường hợp F0.
Riêng gia đình chị D. cả 3 người đều mắc. Chị D. và người dân trong xóm đã báo cho địa phương nhưng vẫn không nhận được hỗ trợ y tế. Đến ngày 9-8, mẹ chị D. trở nặng mới được y tế địa phương đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện An Bình, một ngày sau thì mất.
Chị D. kể những ngày đó chị và những người trong xóm đều cùng cảm giác “hoang mang, lo lắng” khi đối mặt COVID-19 nhưng chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời về y tế.
“Tôi hiểu lúc đó nhiều nơi đang quá tải. Nhưng đối diện sự nguy hiểm đến tính mạng, ai chẳng sợ. Sau khi mẹ tôi và người hàng xóm mất đi, những bệnh nhân nơi tôi ở mới được địa phương hỗ trợ…” – chị D. nói.
Chuyện “bình thường mới” đã được tính tới và khi ấy cũng phải tính đến những phức tạp bởi COVID-19 chưa kết thúc.
Nguồn: https://molistar.com/doi-song/mo-cua-tro-lai-la-duong-nhien-so-ca-co-tang-thi-cung-la-tat-yeu