Connect with us

Hi, what are you looking for?

Bật Mí Showbiz 24H

Nghệ sĩ: Đổ lỗi phim cổ xúy phạm pháp là phiến diện


Nghệ sĩ Trung Anh, đạo diễn Charlie Nguyễn nói nhận định phim ảnh tác động việc hình thành các băng nhóm tội phạm là có phần phiến diện, chủ quan.

Trong cuộc họp góp ý Luật Điện ảnh (sửa đổi) sáng 14/9, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh, thiếu tướng Lê Tấn Tới đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định cấm phim có tình tiết cổ xúy cho hành vi vi phạm pháp luật như: phạm tội nhưng không bị xử lý; phản ánh quá chân thực, chi tiết về sự tự chuyển biến, tự chuyển hóa, làm người xem nhận thức sai và có thể bắt chước, làm theo.

Ông lấy ví dụ: “Mới đây VTV1 chiếu phim Người phán xử, sau khi chiếu bộ phim đó, tình hình các băng ổ nhóm tội phạm, xã hội đen xảy ra rất nhiều. Phim chiếu trên giờ vàng, ai chịu trách nhiệm về vấn đề này?”. Ông nhấn mạnh Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng trong phim các vấn đề lại đưa cho ông trùm phán xử, thậm chí phán xử cả lực lượng công an.

'Người phán xử' gây hụt hẫng với kết thúc bi kịch

Trích đoạn tập cuối “Người phán xử”. Phim do Nguyễn Mai Hiền, Nguyễn Khải Anh, Nguyễn Danh Dũng đạo diễn – kể về gia đình ông trùm (cố nghệ sĩ Hoàng Dũng đóng) được giới giang hồ nhờ cậy phân xử. Phim được phát lại trên VTV1 từ tháng 4 tới tháng 8 năm nay, sau khi đã chiếu trên VTV3 vào năm 2017. Video: VFC.

Advertisement. Scroll to continue reading.

Nhiều người trong giới làm phim cho rằng đề xuất mang tính chủ quan, thiếu căn cứ, bởi chưa có nghiên cứu xã hội học, số liệu nào chứng minh phim ảnh tác động đến việc hình thành các băng nhóm tội phạm. Đạo diễn Khải Hưng nói: “Năm 2017, phim Người phán xử từng lên sóng VTV3, tạo được hiệu ứng lớn trên mạng xã hội. Khi đó, không có báo cáo nào nói phim gây tác động xấu đến xã hội”.

Nghệ sĩ Trung Anh – đóng Lương Bổng trong Người phán xử – cho biết so với bản gốc Ha-Borer của Israel, phim đã được ê-kíp cắt đi rất nhiều tình tiết bạo lực, tình dục, tội phạm để phù hợp văn hóa Việt. Trung Anh nói: “Theo tôi, phim phản ánh một phần thực tế xã hội, để người xem nhận ra cái xấu, cái ác, từ đó tránh được sai lầm”.

Dù được nhiều khán giả yêu thích, Lương Bổng vẫn chết ở cuối phim. Nghệ sĩ cho rằng nhân vật được xây dựng đời sống, số phận phức tạp để truyền tải thông điệp: không phải ai sinh ra đã là tội phạm. “Ông ta sống trong giới xã hội đen, nhận thức được những mặt trái của giới nhưng không thể rũ bỏ những điều ấy. Trước khi chết, ông ta đã đưa cuốn sổ chứa nhiều tài liệu quan trọng cho cảnh sát. Theo kịch bản, Lương Bổng không chết nhưng tôi đã đấu tranh để nhân vật được tự sát. Ông ta làm điều này vì bế tắc nhiều năm. Đó là sự trả giá của Lương Bổng cho việc lầm đường của mình”, Trung Anh nói.

Các nghệ sĩ chung nhận định phim tội phạm Việt thường tái hiện cuộc chiến cam go giữa hai thế lực thiện, ác, sau cùng đều đề cao vẻ đẹp chính nghĩa. Cuối các phim lực lượng cảnh sát luôn chiến thắng thế lực ngầm. Phim Mê cung (đạo diễn Khải Anh, phát sóng năm 2019) miêu tả cuộc đấu trí giữa cảnh sát và tên tội phạm giết người hàng loạt có biệt hiệu Fedora. Dù có trí thông minh tuyệt đỉnh, Fedora cuối cùng vẫn sa lưới, phải đền tội.

Advertisement. Scroll to continue reading.

Từng đóng nhiều vai tội phạm trên sân khấu và phim ảnh, Nguyễn Hải cho rằng những tên tội phạm được khắc họa táo tợn, nguy hiểm để thấy được sự gian lao, vất vả của người chiến sĩ. “Nếu thể hiện đối tượng này một cách hời hợt, cuộc chiến của phe thiện sẽ mất đi ý nghĩa”, ông nói.

Thêm vào đó, nhiều ý kiến nhận xét trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, khán giả hiện nay xem phim để giải trí, thưởng thức chứ không phải để bắt chước ai cả. Nghệ sĩ Nguyễn Hải nói nếu một người đủ năng lực hành vi dân sự, xem phim nhưng không phân biệt được tốt, xấu mà bắt chước theo cái xấu, họ phải tự chịu trách nhiệm với hành động của họ, không thể nào đổ lỗi cho phim ảnh.

So với lượng phim nước ngoài về đề tài crime-thriller (tội phạm – kinh dị), lượng phim Việt cùng thể loại chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ. Đạo diễn Charlie Nguyễn dẫn chứng, Hàn Quốc có phim Oldboy của Park Chan Wook, Mỹ có nhiều đạo diễn tên tuổi như David Fincher, Alfred Hitchcock… với loạt tác phẩm về đề tài hung thủ giết người hàng loạt, và đã đi sâu vào lòng khán giả nhiều thế hệ. Anh nói: “Không ai đi xem một bộ phim để được dạy làm này, làm kia. Chức năng đầu tiên của phim ảnh là giải trí, các fan của thể loại phim tội phạm tìm đến dòng phim này vì muốn tìm hiểu về thế giới đó. Nếu nói phim ảnh cổ xúy phạm pháp, chẳng lẽ hiện tượng Parasite của Bong Joon-ho năm 2019 cũng cổ vũ cho việc trục lợi, trả thù?”.

Nghệ sĩ Trung Anh từng giành giải Nam diễn viên phụ xuất sắc tại Cánh Diều Vàng 2018 nhờ vai Lương Bổng trong Người phán xử. Ảnh: VFC

Nghệ sĩ Trung Anh từng giành giải “Nam diễn viên phụ xuất sắc” tại Cánh Diều Vàng 2018 nhờ vai Lương Bổng trong “Người phán xử”. Ảnh: VFC

Một số nhà làm phim cho rằng các nhà quản lý, cơ quan chức năng nên có cái nhìn công bằng hơn với phim Việt. Hiện nay, nhiều ứng dụng truyền hình trực tuyến như Netflix, HBO… phát sóng nhiều phim nước ngoài có yếu tố bạo lực, tội phạm mạnh gấp nhiều lần phim Việt, vẫn thu hút đông đảo người xem vì tính giải trí cao.

Advertisement. Scroll to continue reading.

Theo đạo diễn Khải Hưng, Charlie Nguyễn, hiện nhiều phim quốc tế trên các nền tảng streaming không bị kiểm duyệt gắt gao bằng phim trong nước. Charlie Nguyễn cho rằng nên có nhìn thoáng hơn với các phim thể loại tội phạm, vì đây vốn dĩ là dòng phim khó, không nhiều người dám dấn thân. Anh nói: “Nếu đề xuất này được thông qua, tôi e sẽ nhiều nhà làm phim bỏ nghề vì cảm thấy không được nhà quản lý bảo vệ, ủng hộ đúng mực”.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đồng tình: “Phim Việt vốn đã khó khăn và thiệt thòi hơn phim nước ngoài rất nhiều, bởi họ ít bị cắt, che và không giới hạn nội dung. Nếu đưa thêm một quy định cấm, các nhà làm phim sẽ khước từ một mảng đề tài hay chỉ để đảm bảo an toàn”. Còn đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng đề xuất này nếu được thông qua có thể làm điện ảnh thụt lùi. Anh nói: “Bởi các nhà đầu tư điện ảnh nội địa và quốc tế e ngại tương lai sẽ còn nhiều dự luật kiểu như vầy cho các thể loại khác. Một thị trường không ổn định và thoáng mở, các nhà đầu tư sẽ chọn ngành khác hoặc thị trường khác an toàn hơn”.

Ở góc độ khán giả, một bộ phận ủng hộ đề xuất cần chế tài nghiêm khắc các phim có yếu tố bạo lực vì cho rằng dòng phim tội phạm không có giá trị giáo dục, thẩm mỹ, ảnh hưởng xấu trẻ nhỏ, vị thành niên. Trên VnExpress, tài khoản Nguyễn Thị Thanh Loan viết: “Cấm là đúng, các cháu tôi xem phim xong, nói mong muốn lớn lên làm giang hồ, nghe xong mới thấy sợ, phim ảnh ảnh hưởng rất lớn đối với những đứa trẻ”. Độc giả Trần Hoàng Anh Vũ nói: “Hoàn toàn đồng ý với quan điểm này, vì hiện nay quá nhiều phim ảnh mang nội dung cổ xúy bạo lực, đâm chém, cướp bóc”.

Ngược lại, nhiều người nêu ý kiến phản đối. Độc giả Nguyễn Phú Hưng bình luận: “Giải trí là giải trí, chấp hành pháp luật là trách nhiệm của người dân”. Tài khoản Mạnh Dương đặt ra câu hỏi: “Người tốt xem phim xong có hành động như vậy không? Kẻ xấu không xem phim nhưng cũng phạm tội. Vi phạm pháp luật xong đổ thừa cho phim ảnh trong khi có nhiều yếu tố khác tác động trực tiếp như trường học, gia đình, môi trường sống và nhiều thứ khác”. Độc giả Nguyễn Anh Tú cho rằng các phụ huynh nên quản lý con em, ý thức được phim nào trẻ nhỏ có thể xem, không nên đề xuất cấm vì gia đình không thể quản lý trẻ”. Tài khoản TuanTT viết: “Phim phải có tính giáo dục, nhưng nhiều quy định gò bó vô hình biến các tác phẩm thành những bài đạo đức, giáo dục công dân nhạt nhẽo”.

Advertisement. Scroll to continue reading.
Kết thúc mở của 'Mê cung' khiến khán giả thắc mắc

Trích đoạn tập cuối phim “Mê cung”. Video: VFC

Hà Thu – Nhật Huế



Nguồn: https://vnexpress.net/nghe-si-do-loi-phim-co-xuy-pham-phap-la-phien-dien-4356490.html
Click to comment

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Copyright © 2022 BATMISHOWBIZ