Dịch Covid-19 bùng phát, nhiều trẻ em bỗng trờ thành trẻ mồ côi, không người nuôi dưỡng.
Khánh Như, 13 tuổi, không bao giờ nghĩ làn sóng Covid-19 quét qua Sài Gòn có thể mang đi cả bố, mẹ và ông nội của hai chị em.
Buổi học đầu tiên của Khánh Như hôm 13/9 diễn ra trong ngôi nhà của ông bà ngoại ở Trảng Bom, Đồng Nai. Mọi thứ từ quần áo, sách vở, bạn bè đều mới nhưng Như không thích cái mới.
“Tất cả những thứ quen thuộc với con đều đang ở Sài Gòn. Ngay cả tro cốt của ba mẹ và ông nội con cũng vậy”, cô bé nói.
Vài tháng trước, hai chị em Như vẫn còn đủ ba mẹ và ông nội trong căn chung cư trên đường Giai Việt, quận 8. Đại dịch đến, ba và mẹ lần lượt nhiễm bệnh. Sáng 20/7, mẹ Như được ông nội chở đến viện còn ba nằm ở nhà. Mẹ vừa đi khỏi thì ba trở nặng. Tối đó, khi xe cấp cứu đến, nhân viên y tế thông báo: “Ba con ngừng tim rồi”.
Ba của hai đứa là một cán bộ của tổ dân phố ở phường Tân Thới Nhất, quận 12. Khi Covid-19 bùng phát, ông tham gia mọi hoạt động phòng chống dịch và nhiễm nCoV đầu tháng 8. Ông qua đời sau khoảng 10 ngày điều trị Covid-19 ở nhà.
Tại bệnh viện dã chiến số 4 (Bệnh viện Nhi đồng thành phố), các bác sĩ gặp không ít trường hợp các bé mất cha mẹ hoặc người chăm sóc.
Cậu bé Ken, 9 tuổi, ở quận 8, mất mẹ ngay trước cổng một bệnh viện. Ba Ken phải lo hậu sự mẹ và chăm sóc bà nội cũng đang rất nặng. Những ngày ở viện, Ken được các nhân viên y tế chăm sóc như con mình. Trường hợp khác, một bé gái 7 tuổi, mồ côi từ lâu vì mẹ mất, không biết mặt ba. Em sống với ông bà trong căn nhà trọ quận 8. Dịch lấy mất người bà, còn ông vẫn nằm viện điều trị Covid-19. Con bé đành phải về nhà người quen ở Long An.
“Điều đáng lo ngại là nhiều trẻ rơi vào cảnh mất người thân, dễ dẫn đến sang chấn tâm lý”, ông ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nói. Gần hai năm qua, dịch bệnh đã thay đổi cách chúng ta sống. Nhưng đối với những đứa trẻ mồ côi này thì còn hơn thế.
Bà Nguyễn Thị Hường, bà ngoại của chị em Khánh Như nhận ra những bất ổn của các cháu. Đến giờ, bé Huy vẫn chưa biết cha mẹ đã đi xa. Lúc không chịu chơi, cậu bé sẽ đòi mẹ. “Bữa nay nó khóc không chịu ăn cơm vì bà ngoại nấu canh chua trứng không giống mẹ nấu”, bà Hường kể.
Song cả nhà lo cho Như hơn cả. Em thường ở trong phòng, nhiều lúc mất kiểm soát. Con bé kể, rất nhớ mọi thứ về ba người thân yêu nhất nhưng không cho phép mình xả hết cảm xúc vì phải giấu sự thật với thằng Huy.
Còn Đan Thanh và Nhật Hào có nhiều nuối tiếc mỗi khi nghĩ về ba. Thời gian ở bên ba vốn đã ít, từ đây không còn nữa. Bốn năm trước, vì Hào áp lực việc học ở thành phố nên mẹ đưa Thanh và Hào về quê ở Tây Ninh học, một mình bố ở lại Sài Gòn. Đầu năm nay, gia đình mới cải tạo được ngôi nhà cấp 4, thêm một tầng có hai phòng cho hai anh em. Cả nhà đều háo hức đoàn tụ nhưng không ngờ cuộc đoàn tụ chỉ dài khoảng nửa tháng.
Hai đứa trẻ đối mặt với cái chết của cha khác nhau một trời một vực. Chị Ngọc Hà, mẹ của hai bé cho biết, con trai không bộc lộ ra, nhiều khi khiến chị cảm thấy quá lãnh đạm. Nhưng Thanh cứ nghĩ về ba là nức nở. Một tháng rồi, đêm nào em cũng mở điện thoại, lặng nhìn rất lâu từng tấm ảnh. Thanh nói muốn khắc ghi gương mặt ba, sợ thời gian sẽ khiến em quên mất người cho mình cảm giác ấm áp, bình yên.
Theo chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành (Hà Nội), những trẻ em đột ngột mất người thân, đặc biệt là cha mẹ, vì Covid-19 phải gánh chịu nỗi đau rất lớn và sẽ trải qua những khủng hoảng tâm lý sâu sắc trong ngắn hạn và dài hạn. Bên cạnh đó, các em còn phải đối mặt lâu dài với những vấn đề mới phát sinh trong cuộc sống hiện tại và tương lai khi không còn nơi nương tựa cả về tinh thần lẫn vật chất.
Các chuyên gia lo ngại khi phải tập trung vào chống dịch, chúng ta có thể đã quên rằng những trẻ em mồ côi bởi Covid-19 cũng là một “đại dịch ẩn”. Theo bà Thành, ngoài sự hỗ trợ tinh thần từ gia đình và xã hội, cần thiết có chương trình tư vấn tấm lý cho các em. Sẽ tốt hơn nữa nếu xã hội tạo lập được một bối cảnh văn hóa công nhận và hỗ trợ tất cả các khía cạnh khác nhau của sức khỏe tâm thần cho các trẻ em này.
Nhiều cơ quan đoàn thể đã vào cuộc giúp đỡ nhóm trẻ này ổn định cuộc sống. Ngày 11/9, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM thông báo chương trình trợ cấp hàng tháng cho trẻ mồ côi vì Covid-19.
Bà Nguyễn Ngọc Nhung, Phó chủ tịch Hội đồng Đội TP HCM, cho biết đã thiết lập chương trình học bổng bảo trợ đến hết THPT cho thiếu nhi bị ảnh hưởng do dịch. Sau một tháng phát động, đã có 385 em được trao học bổng.
Tại Bệnh viện dã chiến số 4, hàng tuần những em nhỏ đều có quà từ các cơ quan nhà nước và mạnh thường quân. Trong thời gian ở đây, hai chị em Khánh Như được quan tâm đặc biệt hơn những trẻ F0 khác. Hôm 5/8, các y bác sĩ cũng mang bất ngờ tới cậu bé Ken với bánh kem và quà tặng, những lời chúc mừng tuổi lên 9.
Phó Giáo sư xã hội học Nguyễn Tuấn Anh, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, lo ngại đại dịch qua đi sẽ để lại “thế hệ trẻ mồ côi”. “Các hoạt động công tác xã hội cần được triển khai để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của các em, môi trường sống, học tập, nhu cầu, nguyện vọng và cả những khả năng hỗ trợ từ Nhà nước, cộng đồng, xã hội, để từ đó tổ chức lại cuộc sống cho các em. Mục tiêu là để các em được phát triển toàn diện trong điều kiện tốt nhất có thể”, chuyên gia xã hội học nói.
Sau buổi học đầu tiên, Khánh Như làm quen được thầy cô và một số bạn. Học lực các năm trước của đều đạt giỏi. Như hạ quyết tâm từ hôm nay cần cố gắng hơn.
“Đã 7 năm cháu có một ước mơ là trở thành cô giáo. Nhưng từ bây giờ, cháu sẽ theo đuổi ước mơ thành bác sĩ”, Như nói.
Nguồn: https://molistar.com/doi-song/tat-ca-nhung-thu-quen-thuoc-voi-con-deu-o-sai-gon-tro-cot-cua-ba-me-va-ong-noi-con-cung-vay