Liên hoan Nghệ thuật Giai điệu Mùa Thu cũng được đưa vào Đề án “Tổ chức Lễ hội, sự kiện văn hóa và thể thao tiêu biểu TPHCM, giai đoạn từ năm 2020 – 2030”.
Sau một năm lỡ hẹn cùng công chúng Thành phố do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ ngày 10 đến ngày 17/9, Liên hoan Nghệ thuật Giai điệu Mùa Thu lần thứ 13 sẽ quay trở lại với chuỗi các chương trình nghệ thuật đặc biệt, phong phú và mới mẻ ở các thể loại: Vũ kịch, Hòa nhạc giao hưởng, Thanh xướng kịch…
Vào tối 10/9/2022, chương trình hòa nhạc khai mạc Liên hoan đã diễn ra với sự song hành của những thành tựu của âm nhạc thế giới và những tác phẩm âm nhạc Việt Nam đã in đậm trong tâm trí nhiều thế hệ công chúng Việt Nam.
Buổi tối cuối tuần của người dân Thành phố không chỉ rộn ràng với không khí đêm hội trăng rằm mà còn thêm thêm hương thêm sắc bởi sự trở lại của “Giai điệu Mùa Thu” – Liên hoan nghệ thuật hàn lâm đã 12 mùa rực rỡ nơi này.
“Giai điệu Mùa Thu” đã trở lại để khỏa lấp bao mong ngóng của giới chuyên môn lẫn người hâm mộ. Đâu chỉ có người ngoài cuộc mà ngay cả đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên – những người đã bao lần tỏa sáng cùng thức âm nhạc bác học này cũng có chút bồi hồi, lo lắng.
Nhạc trưởng Lê Ha My – Giám đốc Nhà hát Giao hưởng, Nhạc – Vũ kịch TPHCM (HBSO) – một trong 2 nhạc trưởng sẽ chỉ huy đêm Opening Concert chia sẻ, vào thời điểm cần kề giây phút khai mạc tối 10/9: “Chỉ còn ít phút nữa thôi chương trình khai mạc sẽ diễn ra, quả thật là rất hạnh phúc. Không chỉ đảm nhận vai trò người đại diện cho Nhà hát mà tôi còn trực tiếp chỉ huy phần một của chương trình biểu diễn khí nhạc các ca khúc Việt Nam. Hi vọng rằng tất cả sự cố gắng của đội ngũ Nhà hát và các nghệ sĩ khách mời sẽ không phụ lòng mong mỏi của khán giả”.
Những âm thanh trầm bổng cất lên và không gian cả khán phòng chìm đắm trong “Giai điệu Mùa Thu” – thứ men nghệ thuật không vị mà lại lôi cuốn khó quên. Điều độc đáo của đêm khai mạc năm nay đó là sự giao thoa giữa những tác phẩm âm nhạc Việt Nam đã ghi dấu ấn đậm sâu trong lòng công chúng và các tác phẩm nổi tiếng quốc tế.
Những ca khúc như Tiếng hát từ thành phố mang tên người, Khát vọng, Thành phố tôi yêu, Giai điệu Tổ quốc, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, Tổ quốc gọi tên mình… tưởng chừng đã quen thuộc từ lâu nay được thể hiện lại bởi dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng càng trở nên sâu lắng, hùng tráng hơn.
Sự kết nối mượt mà các tác phẩm giao hưởng quốc tế nổi tiếng mang đến cho khán giả cảm giác thích thú bởi sự mới lạ, độc đáo. Một khán giả chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em được tham gia Giai điệu Mùa Thu, em cảm thấy rất tuyệt vời. Không hề có sự chênh lệch giữa các tác phẩm Việt Nam và quốc tế. Điều này khá thú vị”.
Để có được phút giây thăng hoa trên sân khấu như thế, các nghệ sĩ đã phải ròng rã tập luyện hàng tháng trời vô cùng nghiêm túc. Nghệ sĩ Phạm Trang – Phó đoàn Nhạc kịch chia sẻ: “Cá nhân tôi cảm thấy khá hài lòng với những gì bản thân và ê kíp đã thể hiện. Chúng tôi đã khá hồi hộp để chuẩn bị cho đêm biểu diễn mở màn cũng như chuỗi hoạt động của Liên hoan Giai điệu Mùa Thu năm nay… Tập thể Nhà hát đã tập luyện rất nhiều và tập trung do đó tôi cho rằng chúng tôi đã có một đêm mở màn thành công”.
Liên hoan Nghệ thuật Giai điệu Mùa Thu năm 2022 đánh dấu cột mốc 13 mùa “trẩy hội” của nhiều thế hệ nghệ sĩ tài năng trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc hàn lâm.
Giao hưởng thính phòng, nhạc kịch hay vũ kịch là những đại diện của âm nhạc hàn lâm, thứ âm nhạc bác học có lịch sử phát triển lâu đời, được xem là đỉnh cao của nghệ thuật. Cũng vì là tinh hoa nên không phải ai cũng có thể thưởng thức trọn vẹn cái hay, cái đẹp của nó. Vậy mà ngay chính tại Thành phố này, các nghệ sĩ Nhà hát Giao hưởng, Nhạc – Vũ kịch TPHCM đã miệt mài cống hiến và tạo cơ hội để công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ được tiếp cận với nghệ thuật hàn lâm hơn 10 năm ròng bằng những chương trình “Giai điệu trẻ” hàng tháng.
Mục tiêu duy nhất là để khán giả biết thêm về âm nhạc hàn lâm từ đó dần mở lòng cảm thụ dòng nhạc này. Còn với các nghệ sĩ, được tham gia Liên hoan không chỉ là vinh dự mà còn là hạnh phúc của họ, bởi “Giai điệu Mùa Thu” mang một giá trị tinh thần to lớn hơn nhiều 2 chữ “Liên hoan”.
Tại cuộc họp báo cách đây vài hôm, NSND Tạ Minh Tâm – một nghệ sĩ biểu diễn đêm khai mạc từng chia sẻ về những khát vọng âm nhạc của mình và thế hệ nghệ sĩ đồng trang lứa: “Giai điệu Mùa Thu tựa như giấc mơ của chúng tôi sau giải phóng, mơ ước có một sự kiện âm nhạc có tầm vóc quốc gia và vươn tầm quốc tế thì hôm nay, Giai điệu Mùa Thu đã làm được”.
Nhạc trưởng Trần Nhật Minh – thế hệ kế thừa của các bậc đàn anh đi trước cũng đồng cảm với quan điểm đó. Anh nói: “Chúng tôi đã bỏ ra một quá trình học tập xa quê hương khá lâu để trau dồi. Và bây giờ lại được mang những thứ học được biểu diễn tại quê hương cùng bạn bè quốc tế thì quả là tuyệt vời. Âm nhạc kết nối mọi thứ”.
Quả thật vậy, từ một giấc mơ nghệ thuật về một Liên hoan mà các tài năng âm nhạc hàn lâm từ khắp mọi miền tổ quốc và trên thế giới cùng họp mặt để trau dồi, giao lưu, nhiều thế hệ nghệ sĩ Việt Nam đã không ngừng trau dồi, kết nối và xây đắp giấc mơ ấy thành hiện thực. Trong đó không thể không ghi nhận những nỗ lực của Nhà hát Giao hưởng, Nhạc – Vũ kịch TPHCM – nơi đã khai sinh ra thương hiệu “Giai điệu Mùa Thu” bây giờ – một trong những sự kiện văn hóa tiêu biểu của TPHCM, giai đoạn từ năm 2020 -2030.
Phát biểu tại buổi khai mạc Liên hoan “Giai điệu Mùa Thu”, ông Trần Thế Thuận – Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM gửi gắm: “Liên hoan lần này được tổ chức không nằm ngoài mong muốn đưa nghệ thuật hàn lâm tiếp cận gần hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Ngoài ra còn tạo điều kiện cho các nghệ sĩ trong nước được giao lưu với các nghệ sĩ quốc tế, từng bước phát triển nghệ thuật hàn lâm trong nước sánh ngang với các nước trong khu vực và vươn tầm quốc tế.
Với tài năng và nhiệt huyết cống hiến của các nghệ sĩ trong nước và quốc tế, tôi tin rằng, Liên hoan lần thứ 13 sẽ tiếp tục mang đến những giá trị nghệ thuật cao đẹp đối với công chúng, làm phong phú hơn đời sống thưởng thức nghệ thuật của người dân Thành phố, góp phần quảng bá hình ảnh, nét đẹp văn hóa của TPHCM đến với bạn bè quốc tế”.
Với tâm huyết nhiều năm gắn bó và cống hiến cùng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc – Vũ kịch TPHCM, NSƯT Trần Vương Thạch – Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam – Nguyên Giám đốc Nhà hát tâm sự: “Chúng ta hướng đến xây dựng một liên hoan quốc tế và chúng tôi đã từng có hành động mời các nghệ sĩ quốc tế đến với Giai điệu Mùa Thu. Đó là điều đã đạt được thì đó cũng là cơ sở để cố gắng hơn nữa. Phải đầu tư, đóng góp tận tâm thì mới có thể làm được điều chúng ta muốn xây dựng”.
Từ một giấc mơ, trải qua nhiều thăng trầm, nỗ lực thì các nghệ sĩ Việt hoạt động trong lĩnh vực hàn lâm cũng đã xây dựng được “Giai điệu Mùa Thu” và được ghi nhận như một thương hiệu văn hóa của Thành phố mang tên Bác. Nhưng nếu để nâng tầm Liên hoan lên một đẳng cấp mới như kì vọng của cả giới chuyên môn và công chúng thì ắt hẳn phải cần thêm trợ lực chắp cánh từ các cơ quan quản lí Nhà nước. Có như vậy, “Giai điệu Mùa Thu” mới có thêm sức mạnh để vươn cao, bay xa.
Nguồn: voh.com.vn
Editor: Trần Thảo Vy