Hàn Quốc hiện đang là một trong những quốc gia dẫn đầu về sự phát triển văn hóa – giải trí ở khu vực châu Á. Các sản phẩm phim ảnh, âm nhạc của đất nước này ngày càng vươn tầm ra xa hơn trên khắp thế giới, đồng nghĩa với việc những nét đặc trưng trong văn hóa bản xứ cũng được quảng bá rộng rãi hơn.
Góp phần vào làn sóng truyền bá những nét đẹp dân tộc, những idol dưới đây đã đem một số chất liệu truyền thống vào sản phẩm âm nhạc của mình: đó có thể là trang phục biểu diễn, ca từ, hòa âm phối khí,… Cùng điểm qua xem các idol ấy là ai và những ca khúc nào được thổi hồn dân tộc nhé.
G-Dragon – Niliria
Niliria nằm trong album Coup d’Etat của G-Dragon, được phát hành vào năm 2013. Giai điệu của Niliria lấy cảm hứng từ ca khúc dân gian cùng tên và được phối theo phong cách hiphop. Âm hưởng dân gian được thể hiện rõ nhất ở đoạn intro và đoạn bridge của bài hát.
Lizzy – Not An Easy Girl
Cựu thành viên After School mang đến một MV rất đặc biệt cho Not An Easy Girl. Toàn bộ MV sử dụng các cảnh từ bộ phim Seong Chunhyang lên sóng năm 1961, Lizzy đã chèn các cảnh của bản thân trong vai nữ chính Chunhyang vào trong đoạn phim có sẵn nhờ kĩ thuật sử dụng phông xanh.
Seong Chunhyang dựa trên câu chuyện dân gian Chunhyangga, kể về nàng Chunhyang và chàng thư sinh Mongryong yêu nhau và bí mật kết hôn, nhưng rồi Mongryong phải lên kinh thành dự thi, hứa sẽ công thành danh toại trở về, danh chính ngôn thuận rước Chunhyang về dinh. Nào ngờ trong thời gian Mongryong đi vắng, Chunhyang bị gã quan trong làng để mắt đến và ép nàng về làm vợ.
Chunhyang vì kiên quyết từ chối nên bị hắn hãm hại bằng cách buộc tội oan và mang ra xử tử. Vào ngày Chunhyang bị xét xử, Mongryong nay đã thành quan to trở về làng, giải thoát nàng và trừng trị tên quan xấu xa.
Bản thân ca khúc Not An Easy Girl của Lizzy cũng không phải một ca khúc hiện đại mà là một ca khúc thuộc thể loại trot – dòng nhạc đã có từ lâu đời của Hàn Quốc.
VIXX – Shangri-La
Các chàng trai VIXX được mệnh danh là “ông hoàng concept” khi mỗi lần comeback lại thử nghiệm một hình tượng khác nhau. Năm 2017, nhóm phát hành ca khúc Shangri-La mang đậm âm hưởng dân gian Đông phương. Với phần giai điệu chứa đựng tiếng đàn gayageum và tiếng sáo trúc, phần phục trang sử dụng hanbok cách điệu và vũ đạo tận dụng quạt cầm tay truyền thống, gần như toàn bộ ca khúc đều toát ra hơi thở truyền thống.
Đặc biệt, khi mang Shangri-La đến sân khấu âm nhạc cuối năm của đài MBC, VIXX đã tạo nên một cơn sốt không hề nhỏ bởi màn trình diễn đẳng cấp của mình. Thậm chí sau đó, VIXX còn được mời biểu diễn lại ca khúc ở lễ khai mạc Olympic quốc tế 2018, trước tổng thống Moon Jae In và các quan chức cấp cao từ các quốc gia khác thuộc Ủy ban Olympic Quốc tế.
BTS – Idol và Ddaeng | Suga – Daechwita
Là một trong những nhóm nhạc hàng đầu của Kpop hiện nay, hiển nhiên, BTS cũng góp phần vào công cuộc quảng bá văn hóa tổ quốc. Năm 2018, Nhóm phát hành ca khúc Idol mang âm hưởng của pansori – một loại hình kể chuyện trong dân gian Hàn Quốc.
Ca khúc còn được phối hợp những chất liệu truyền thống khác như: vũ đạo mang phong cách pungmul, giai điệu xuất hiện tiếng phèng kkwaenggwari và trống janggu, các thành viên khoác áo khoác hanbok,… Ngoài ra, sân khấu đặc biệt của BTS tại MMA 2018 cũng từng gây được tiếng vang bởi thể hiện đậm đà bản sắc dân tộc.
Trước Idol, dàn rapline của BTS gồm RM, Suga và j-hope đã từng biểu diễn ca khúc Ddaeng trong một buổi fanmeeting mừng kỉ niệm 5 năm. Ddaeng cũng là một ca khúc mang âm hưởng dân gian bởi phần ca từ gợi nhắc đến nhiều nét đặc trưng văn hóa, ba chàng trai cũng biểu diễn với áo khoác hanbok.
Năm 2020, Suga phát hành mixtape thứ 2 và MV ca khúc chủ đề Daechwita. Daechwita là tên một bản xướng cổ đại của Hàn Quốc, sẽ được phát khi vua đi vi hành trong dân gian, khi các quý tộc đi lại hoặc khi quân đội tổ chức diễu hành,… nhằm làm tăng tính long trọng, uy quyền. Trong MV, Suga cũng thể hiện tinh thần của bài hát khi hóa thân thành một vị vua; bối cảnh MV cũng có cung điện, các quan trong triều,…
Song Mino – Fiancé
Trong Fiancé, Mino đã đưa vào một đoạn sample của ca khúc trot Soyangang Maiden phát hành năm 1969. Về mặt ca từ, anh cũng khéo léo lồng ghép nhiều câu chữ gợi đến văn hóa truyền thống. Thêm vào đó, Mino cũng mang hanbok vào MV như một cách quảng bá quốc phục của đất nước mình. Tựa đề bài hát trong tiếng Hàn – 아낙네 cũng là một cụm từ cổ để chỉ người phụ nữ đã lập gia đình.
Xem thêm: WINNER chính thức comeback với I Love You, giai điệu lẫn visual thế nào mà được Knet hết lời khen ngợi?
Monsta X – Follow
Follow phát hành năm 2019, cũng như đa số các MV khác trong danh sách này, các chàng trai Monsta X cũng lấy hanbok cách tân làm trang phục biểu diễn. Phần giai điệu của Follow còn chứa cả tiếng kèn taepyeongso, khiến ca khúc vừa hiện đại lại vừa có nét truyền thống.
Blackpink – How You Like That và Pink Venom
How You Like That từng nhận về nhiều lời khen từ công chúng Hàn bởi các cô gái Blackpink đã diện hanbok cách tân vào MV, nhờ sức ảnh hưởng của nhóm ở thị trường quốc tế, hanbok cũng được khán giả quốc tế chú ý và tìm hiểu.
Đến năm 2022, nhóm comeback với Pink Venom và lại tiếp tục thổi hồn dân tộc vào MV ca khúc với hình ảnh chiếc đàn geomungo. Đặc biệt, để diễn các cảnh đánh đàn geomungo trong MV, thành viên Jisoo đã đầu tư tham gia học một khóa dạy chơi loại nhạc cụ này.
Dreamcatcher – Piri
Các cô gái theo đuổi concept “ma quỷ” Dreamcatcher cũng tham gia vào làn sóng truyền bá văn hóa bằng ca khúc Piri. Piri là một nhạc cụ sậy đôi trong dân gian Hàn Quốc. Như tên gọi, phần giai điệu của Piri cũng chứa đựng âm thanh từ loại nhạc cụ này. Dreamcatcher đã khéo léo kết hợp chất liệu văn hóa truyền thống với phong cách u ám đặc trưng của nhóm mình, từ đó cho ra đời một sản phẩm âm nhạc ma mị, cuốn hút.
ONEUS – LIT và Luna
6 chàng trai ONEUS đã từng tạo ra một cơn sốt nho nhỏ vào cuối năm 2019 với ca khúc LIT. Giai điệu của LIT được kết hợp từ nhiều loại nhạc cụ cổ như đàn gayageum và các nhạc cụ gõ truyền thống,… Bối cảnh MV cũng xuất hiện nhiều yếu tố liên quan đến dân gian như cung điện, các gian nhà truyền thống,… Phần ca từ của LIT được lồng ghép nhiều điển tích, nhiều từ tượng thanh diễn tả tiếng reo mừng của người dân ngày xưa,… Cả phần phục trang của các chàng trai cũng là hanbok cách tân. Với LIT, lần đầu tiên ONEUS có tên trong đề cử hạng 1 tại show âm nhạc.
Năm 2020, ONEUS mang LIT lên sân khấu vòng 2 cuộc tranh tài Road To Kingdom. Màn trình diễn được đầu tư công phu đã giúp nhóm lội ngược dòng từ hạng chót ở vòng đầu xuất sắc vươn lên hạng 2 ở vòng 2. Sân khấu LIT trong chương trình cũng tạo được tiếng vang đặc biệt với công chúng Hàn Quốc.
Sau một vài đợt comeback với những phong cách khác, đến năm 2021, nhóm trở lại đường đua Kpop với một ca khúc mang chất liệu cổ truyền khác là Luna. Cũng như LIT, Luna chứa đựng những âm thanh từ nhạc cụ dân gian, bối cảnh có nhiều yếu tố truyền thống và tất nhiên thứ không thể thiếu chính là hanbok cách tân. Tuy nhiên, trong khi LIT là một khúc ca mạnh mẽ, sôi động thì Luna mang cảm giác thanh nhã hơn. Luna đã mang lại cho ONEUS chiếc cúp hạng 1 đầu tiên kể từ khi ra mắt vào đầu năm 2019.
Super M – Tiger Inside
Trong văn hóa dân gian Hàn Quốc, hình tượng loài hổ tượng trưng cho lòng dũng cảm và sức mạnh. Loài hổ cũng có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với văn hóa của người Hàn. Với ca khúc Tiger Inside, Super M sử dụng hình tượng loài linh vật này để nói về việc giải phóng sức mạnh tiềm ẩn bên trong con người. Hiển nhiên, để thể hiện tinh thần truyền thống dân tộc thì biểu diễn trong bộ quốc phục hanbok được cách tân là điểm không thể thiếu.
Xem thêm: SUPER M tạo nên một làn sóng toàn cầu khi tấn công thị trường Hoa Kỳ
Một số idol và ca khúc khác có chứa đặc trưng văn hóa Hàn
Min Kyung Hoon, Kim Hee Chul – Hanryang (ft. BIBI)
Infinite – The Chaser
Zico (sáng tác) – Turtle Ship
Kai – Peaches
TopDogg – Arario
Stray Kids – Thunderous
Có thể thấy, thời gian vừa qua Hàn Quốc rất chú trọng vào chiến lược “xuất khẩu văn hóa”, mang những tinh túy của quốc gia mình truyền bá rộng rãi trên toàn thế giới. Với nền công nghiệp idol ngày càng lớn mạnh, vươn tầm quốc tế, thật đáng quý khi các nhóm nhạc vẫn duy trì được những đặc trưng văn hóa của tổ quốc mình trong sản phẩm âm nhạc. Thay vì hoàn toàn đi theo xu hướng “Tây hóa”, nhiều nhóm chọn kết hợp cả hai yếu tố, khiến sản phẩm của mình vừa không lỗi thời, lại vừa giữ được bản sắc dân tộc.
Cập nhật thêm các tin tức về âm nhạc tại VOH Giải trí nhé.
(Ảnh và video: Ineternet)
Nguồn: voh.com.vn
Editor: Trần Thảo Vy