Connect with us

Hi, what are you looking for?

Bật Mí Showbiz 24H

Đời đói nghèo của danh họa Hàn Quốc

 

Sau khi Lee Jung Seop qua đời ở tuổi 41 vì bệnh và nghèo đói, tranh của ông được đấu giá hàng triệu USD.

Giữa tháng 8, Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại và Hiện đại Quốc gia (MMCA), Hàn Quốc tổ chức triển lãm Bộ sưu tập của Lee Kun Hee: Lee Jung Seop, giới thiệu 80 tác phẩm Lee Jung Seop sáng tác những năm 1940, 1950. Trong đó có 80 tranh của cố chủ tịch Samsung Lee Kun Hee quyên góp cho bảo tàng. Theo Koreatimes, Lee Jung Seop là một trong những nghệ sĩ hiện đại mang tính biểu tượng của Hàn Quốc. Tuy nhiên, họa sĩ sống trong cảnh nghèo đói, bệnh tật đến khi qua đời.

Họa sĩ Lee Jung Seop. Ảnh: MMCA

Họa sĩ Lee Jung Seop. Ảnh: MMCA

Lee Jung Seop sinh năm 1916 tại Nam Pyongan, Triều Tiên. Tình yêu nghệ thuật đến với ông từ những bức tranh tường, ngôi mộ cổ ở quê nhà. Jung Seop bắt đầu tìm hiểu về hội họa qua các bài học của giáo viên Im Yong Ryeon ở trung học. Ông sau đó sang Nhật Bản theo học Trường Nghệ thuật Teikoku và Đại học Bunka Gakuen. Bấy giờ, các tác phẩm của ông nhận được khen ngợi từ giới phê bình. Ông được mời tham gia Hiệp hội các nghệ sĩ tự do, sáng lập nhóm nghệ sĩ Hàn Quốc tại Nhật Bản. Ông cũng tìm thấy tình yêu của cuộc đời khi kết hôn với cô gái người Nhật tên Yamamoto Masako.

Advertisement. Scroll to continue reading.

Biến cố bắt đầu ập đến khi gia đình chuyển về Hàn Quốc sống. Năm 1946, con trai đầu lòng của ông đột ngột qua đời vì bệnh bạch cầu. Ông gửi nỗi đau mất mát vào hội họa, trong đó có bức A Child Flies with a White Star. Đến năm 1950, ông cùng vợ và hai con sống lang bạt nhiều nơi như Busan, Seogwipo (Jeju) do chiến tranh. Loạt tác phẩm của ông cũng thất lạc. Theo Jjejuweekly, sau thời gian dài sống trong trại tị nạn, chật vật kiếm sống, vợ họa sĩ và hai con trở về Nhật Bản, còn ông ở lại Seoul.

Lee Jung Seop thường gửi thư, vẽ bưu thiếp gửi cho vợ con, bày tỏ tình yêu và mong muốn đoàn tụ. Họa sĩ yêu các con đến nỗi khi gửi tranh, ông thường vẽ hai bản giống hệt nhau và đề tên từng người để “chúng không phải tranh giành”. Ngoài sáng tác, ông làm thêm, tích cóp tiền để sang Nhật thăm gia đình. Tháng 7/1953, bạn bè giúp đỡ giấy tờ, ông được sang Tokyo gặp vợ con trong 5 ngày. Không ai nghĩ đó là lần cuối cùng họ bên nhau.

Năm 1955, họa sĩ tổ chức triển lãm tại Cửa hàng bách hóa Midopa của Myeong-dong. 20 trong tổng 40 bức tranh trưng bày được bán. Tuy nhiên, người mua trả bằng đồ dùng thay vì tiền, một số từ chối thanh toán sau thời gian dài trì hoãn. Họa sĩ chỉ thu được số tiền ít ỏi, đủ mua đồ ăn, thức uống cảm ơn những người giúp mình tổ chức triển lãm.

Lee Jung Seop rơi vào tuyệt vọng, xấu hổ vì không thể nuôi sống bản thân và gia đình. Điều này khiến ông mắc chứng biếng ăn, tâm thần phân liệt. Năm 1956, họa sĩ qua đời vì bệnh viêm gan siêu vi tại bệnh viện ở Seoul, khi mới 41 tuổi. “Bốn ngày sau khi họa sĩ qua đời, những người bạn nghệ sĩ của ông đến bệnh viện và biết tin. Họ chỉ có thể chôn cất ông sau khi thanh toán các hóa đơn viện phí với tổng trị giá 180.000 won”, Koreaherald viết.

Advertisement. Scroll to continue reading.

Sinh thời, Lee Jung Seop thường không đủ tiền mua dụng cụ vẽ. Theo Koreaherald, ông tận dụng những tờ giấy thiếc nhàu nát lấy ra từ gói thuốc lá hay miếng gỗ ép, tờ giấy nhặt được ở thùng rác. Khi không có cọ, màu vẽ, ông dùng bút chì hoặc móng tay cào lên mặt thiếc.

Tại triển lãm Bộ sưu tập của Lee Kun Hee: Lee Jung Seop, 27 tranh giấy thiếc được trưng bày. Tác phẩm kích thước nhỏ, có thể khiến người xem khó quan sát các chi tiết, hình tượng, bảo tàng áp dụng công nghệ trình chiếu lên màn hình kỹ thuật số rộng 15 m.

Loạt tranh giấy thiếc của Lee Jung Seop được trình chiếu tại Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại và Hiện đại Quốc gia, Hàn Quốc. Ảnh: Korea Times

Loạt tranh giấy thiếc của Lee Jung Seop được trình chiếu tại Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại và Hiện đại Quốc gia, Hàn Quốc. Ảnh: Korea Times

Họa sĩ cũng gửi gắm những nỗi niềm của chính mình trong từng tác phẩm. Artist Drawing His Family (1950) thể hiện khao khát được đoàn tụ với vợ và con trai. Họa sĩ mô tả người đàn ông có chiếc cằm dài, ria mép – chân dung chính mình – đang ôm hôn người thân, những con cua, cá bên cạnh tượng trưng cho Seogwipo, Jeju – nơi cả gia đình từng có khoảng thời gian hạnh phúc. Children in Spring vẽ cảnh những đứa trẻ đang vui đùa bên cha mẹ.

Ông nổi tiếng với loạt tranh sơn dầu vẽ bò tót, sử dụng nét cọ đậm, thô. Trên Yonhapnews, các nhà phê bình cho rằng con vật có đôi mắt dữ tợn nhưng đượm buồn biểu hiện cho sự khao khát đoàn tụ với vợ và hai con trai đang ở Nhật Bản. “Nhiều lúc ông ấy không có đồ để ăn, cũng không có nơi nào thoải mái để ở. Họa sĩ cô đơn và gần như tuyệt vọng vì không được gặp gia đình thân yêu của mình. Tuy nhiên, ông có một niềm đam mê là vẽ, vẽ không ngừng”, Koreaherald viết.

Advertisement. Scroll to continue reading.

>>> Một số tác phẩm của Lee Jung Seop

Các tác phẩm thời nghèo khó được bảo tàng sưu tập hoặc có giá hàng triệu USD sau khi họa sĩ qua đời. Theo KBS, triển lãm các tác phẩm của ông vào năm 1957 bắt đầu thu hút sự chú ý của công chúng. Arthur J. McTaggar – giám đốc Trung tâm Văn hóa Mỹ tại Daegu, Hàn Quốc khi đó – đưa tranh của ông vào bộ sưu tập cố định của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York.

Tháng 3/2018, bức A Bull – vẽ con bò tót trong cuộc đấu – của họa sĩ được bán giá 4,7 tỷ won (3,5 triệu USD) trong cuộc đấu giá ở Seoul. Trước đó, một tác phẩm về bò khác của ông được bán với giá 3,56 tỷ won (2,6 triệu USD) vào năm 2010. “Các bức vẽ thuộc sở hữu của bảo tàng nghệ thuật quốc tế hàng đầu. Các nhà sưu tập đang săn lùng tác phẩm của ông với mức cao ở các sàn đấu giá. Con số lên tới mức mà bản thân nghệ sĩ không bao giờ có thể chạm tới trong cuộc đời”, MMCA viết.

Bức A Bull giá 3,5 triệu USD. Ảnh: Yonhap

Bức “A Bull” giá 3,5 triệu USD. Ảnh: Yonhap

Hiểu Nhân

Advertisement. Scroll to continue reading.

Nguồn: vnexpress.net

Editor: Trần Thảo Vy

Copyright © 2022 BATMISHOWBIZ