Ngày cuối cùng trước khi qua đời, Marilyn liên tục gọi điện cho người thân, tâm sự chuyện tình cảm với tâm trạng bất ổn.
Blonde – phim tiểu sử về cuộc đời Marilyn Monroe – sẽ ra mắt cuối tháng 9, dịp kỷ niệm 60 năm ngày mất của minh tinh – ngày 4/8/1962.
Hơn nửa thế kỷ qua, di sản của Marilyn Monroe vẫn hiện hữu và phát triển. Diễn viên được nhắc đến trong hàng nghìn quảng cáo từ thời trang, xe hơi cho đến đồ ăn uống. Tên Marilyn Monroe được đặt cho một tòa nhà chọc trời ở Ontario (Canada). Gương mặt, phong cách và kiểu tóc của cô trở thành cảm hứng cho vô số tác phẩm nghệ thuật thị giác, bao gồm tranh biếm họa, ảnh ghép và bản in kỹ thuật số.
Trong cuốn Cẩm nang Văn hóa Đại chúng Mỹ (The guide to United States popular culture), tác giả Ray B. Browne và Pat Browne gọi Monroe là biểu tượng nước Mỹ. Họ viết: “Chưa từng có một ngôi sao nào có thể gợi lên nhiều cung bậc cảm xúc đến thế, từ thèm muốn đến thương cảm, từ ghen tị đến xót xa”.
Tờ Vanity Fair mới đây tổng hợp thông tin về những ngày cuối đời của minh tinh, dựa trên nhiều tài liệu có thật, lời kể của các nhân chứng sống. Không lâu trước khi mất, diễn viên nói với nhà báo người Anh W.J. Weatherby: “Anh có biết tôi sống dựa vào điều gì không? Không phải công chúng, cũng chẳng phải bạn bè. Điện thoại. Đó là người bạn thân nhất của tôi”. Tuần cuối cùng cuộc đời, Marilyn liên tục sử dụng điện thoại. Cô có hai chiếc, một màu hồng, một màu trắng. Một số phục vụ công việc, số còn lại để liên lạc với người thân. Cả hai đều có dây nối dài, để Marilyn có thể đi lang thang khắp nhà và nghe điện.
Cô quay cuồng lên kế hoạch cho các dự án mới, chuẩn bị bay từ Los Angeles đến New York để thảo luận về một vở nhạc kịch. Hầu hết người từng tiếp xúc Marilyn nói tinh thần cô có vẻ tốt.
Thời gian này, nhiều người tin rằng cô chìm đắm trong tình yêu với cựu Tổng thống Mỹ John Kennedy và em trai ông – Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy. Nhà ngoại cảm Kenny Kingston, người nhiều năm tư vấn cho diễn viên, nhớ cô háo hức nói về tình yêu: “Đó là điều bất tử của chúng ta. Không có nó, cuộc sống liệu còn nghĩa lý gì?”.
Trong tuần lễ cuối cùng, cô gọi điện cho bạn thân, nhân viên bất động sản Arthur James, kể chuyện Robert Kennedy đã cắt đứt tình cảm với mình, nhưng cô vẫn không thể quên ông. Cô còn gọi cho một bác sĩ sản khoa nổi tiếng ở Hollywood, Leon Krohn, để nói về việc đã mất một đứa con. Krohn không rõ cô phá thai hay bị sảy thai.
Thứ sáu, ngày 3/8/1962, một ngày trước khi chết, Marilyn gọi điện cho Anne Karger, bạn thân lâu năm. Diễn viên nói cô yêu và muốn kết hôn với Robert Kennedy. Karger khi ấy khuyên cô đừng tự huyễn hoặc mình. Cùng ngày, cô gọi cho Robert Slatzer, một người bạn khác, nói rằng đã cố liên lạc với Robert Kennedy ở Washington, nhưng vô vọng. Marilyn sau đó tìm đến diễn viên Peter Lawford, anh rể của Kennedy, để nhờ giúp đỡ.
Các tài liệu của FBI cho thấy ngày hôm đó, Kennedy bay đến California cùng gia đình. Marilyn nhiều lần cố để lại tin nhắn cho ông ở khách sạn nhưng không được hồi âm.
Sáng sớm thứ bảy, ngày 4/8/1962, Marilyn đã gọi cho diễn viên Jeanne Carmen trong tâm trạng đau khổ, rủ cô đến nhà uống rượu. Carmen cho biết Monroe bị gọi điện quấy rối suốt đêm hôm trước. Một phụ nữ liên tục cảnh cáo cô không được quấy rầy Robert Kennedy.
Sáng muộn cùng ngày, Marilyn được nhà tạo mẫu tóc Agnes Flanagan, đến thăm. Cùng lúc ấy, cô nhận được một bưu kiện. Flanagan nói diễn viên đờ đẫn khi mở gói hàng, thấy bên trong là một con hổ đồ chơi nhồi bông. Trong các bức ảnh chụp ngôi nhà minh tinh vào sáng hôm sau, người ta thấy món đồ bị bỏ gần bể bơi.
Khoảng 16h30, cô gọi điện cho bác sĩ tâm lý – tiến sĩ Ralph Greenson. Họ gặp nhau tại nhà Marilyn, sau đó ông này rời đi lúc 19h. Theo lời ông, Marilyn tức giận bởi không thể liên lạc với một người rất quan trọng vào ngày hôm đó.
Từ 20h đến 21h, nhà thiết kế Henry Rosenfeld đã gọi điện cho Marilyn từ New York. Anh cảm thấy cô có vẻ hơi chếnh choáng, nhưng không có gì bất thường.
21h30, Marilyn gọi điện cho Sydney Guilaroff, nhà tạo mẫu tóc đã cộng tác với cô trong tám bộ phim. Ông giấu thông tin cuộc trò chuyện nhiều năm, chỉ tiết lộ trong hồi ký viết khi sắp qua đời. Guilaroff viết: “Marilyn gọi điện cho tôi trong tuyệt vọng. Cô ấy nói lan man về việc gặp nguy hiểm, về sự phản bội của những người đàn ông quyền lực”. Marilyn định tổ chức họp báo để kể hết những bí mật, sau đó dập máy mà không nói lời tạm biệt.
Một người khác cũng nói chuyện với Marilyn Monroe trong buổi tối định mệnh là biên kịch người Mexico Jose Bolaños. Cô tâm sự sẽ tuyên bố một chuyện gây chấn động cả thế giới. Người massage của Marilyn, Ralph Roberts, nhận điện thoại từ một phụ nữ với giọng nói lắp bắp. Anh tin rằng đó là Marilyn. Không có thêm cuộc trò chuyện nào khác, và minh tinh qua đời khoảng trước nửa đêm.
Đến nay, nhiều thám tử, nhà báo, nhà làm phim, tác giả sách đặt nhiều giả thiết, nghi vấn xoay quanh cái chết của minh tinh. James Doyle, một cựu cấp cao của F.B.I, cho biết phần ghi âm các cuộc gọi của diễn viên được xóa ngay sau khi Marilyn qua đời. Hai thập niên sau, kênh ABC chi nhiều tiền để làm phim tài liệu về mối quan hệ giữa Marilyn và anh em nhà Kennedy, nhưng bị hủy chiếu vào phút chót.
Tờ The Conversation nhận định: “Diễn viên mất năm 1962, nhưng từ khoảnh khắc đó, một huyền thoại đã ra đời. Cuộc đời cô tạo nên một minh tinh, nhưng chính cái chết đã đưa tên tuổi Marilyn Monroe trở thành biểu tượng bất tử”.
Thanh Thanh (theo Variety, The Conversation)
Nguồn: vnexpress.net
Editor: Trần Thảo Vy