TP HCMNông Thúy Hằng – 23 tuổi, người Tày – vượt 29 cô gái để đoạt danh hiệu Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam, chung kết tối 16/7.
Tân hoa hậu sinh năm 1999, quê Hà Giang, có số đo hình thể là 82-65-91 cm. Từ đầu cuộc thi, người đẹp thuộc nhóm thí sinh tiềm năng, thể hiện phong độ ổn định.
Nông Thúy Hằng nhận vương miện hoa hậu – lấy cảm hứng từ hoa sen, đính kết 54 viên ngọc trai, tượng trưng cho 54 dân tộc, cùng 300 triệu đồng tiền mặt và suất thi Miss Earth 2022. Người đẹp cho biết cô ngưỡng mộ Hoa hậu Hoàn vũ 2018 Catriona Gray. Thí sinh nói giống như thần tượng, cô sẽ luôn vươn lên học hỏi và không nản lòng trước những thất bại.
* Nhan sắc Nông Thúy Hằng – tân Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam
Ở phần ứng xử, Nông Thúy Hằng nói tiếng Tày trước khi trả lời của giám khảo Nguyễn Phi Vân: “Em mong mỏi thế giới trân trọng điều gì nhất ở con người Việt Nam?”. Cô nói: “Em muốn thế giới biết đến một đất nước Việt Nam giàu bản sắc, tình yêu thương và lòng nhân ái. Người Việt Nam thường được biết đến với hình ảnh những anh hùng bất khuất, hy sinh anh dũng vì dân tộc. Ngày hôm nay, em muốn thế giới biết Việt Nam có rất nhiều dân tộc, 54 dân tộc với 54 bản sắc khác nhau. Mỗi dân tộc có một nền văn hóa, tựu trung nên một Việt Nam”.
Nông Thúy Hằng thuộc nhóm thí sinh có học lực tốt, giàu kinh nghiệm tại cuộc thi. Thời phổ thông, là học sinh giỏi 12 năm liền, từng đoạt giải ba môn Văn cấp quốc gia và được tuyển thẳng vào Đại học Kinh tế Quốc Dân. Cô có năng khiếu dẫn chương trình, từng là MC cho một số sự kiện của trường. Người đẹp tự tin nhất về kỹ năng tiếng Anh và hùng biện. Cô từng thi Miss World Vietnam 2019, Hoa hậu Việt Nam 2020, nằm trong nhóm thí sinh được khán giả đánh giá cao nhưng không tiến sâu.
Á hậu 1 là Lương Thị Hoa Đan (dân tộc Kinh). Cô sinh năm 2001, quê Hải Dương, hiện là sinh viên năm thứ ba ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học Thăng Long (Hà Nội). Người đẹp đam mê những công việc liên quan nghệ thuật như người mẫu và diễn xuất, tham gia Câu lạc bộ MC và Thời trang ở trường. Nhờ vậy, cô được rèn luyện và trau dồi những kỹ năng liên quan đến catwalk, chụp ảnh.
Trong phần thi ứng xử, khi được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng hỏi “Bạn biết ơn điều gì nhất trong cuộc sống của mình?”, cô trả lời trơn tru: “Em biết ơn hành trình này, hành trình của một cô gái dân tộc Kinh, mang theo bản sắc của dân tộc Kinh đến với Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam. Hành trình đó, em đã mang theo nỗi nhớ nhà, khung cảnh gói bánh chưng của gia đình em. Đó là một hành trình em mang theo cảm xúc háo hức, để có thể kể câu chuyện của gia đình em, đồng thời kể những câu chuyện về bản sắc của 54 dân tộc cho toàn thế giới”.
Á hậu 2 là Thạch Thu Thảo. Cô sinh năm 2001 trong gia đình thuần nông ở Trà Vinh, là người dân tộc Khmer. Thí sinh cao 1,78 mét, được khán giả nhận xét có nét giống siêu mẫu Thanh Hằng.
Ở vòng ứng xử, cô nhận câu từ Hoa hậu H’Hen Niê: “Em đã được gì trong khoảng thời gian tham gia thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2022?”. Cô đáp: “Vào cuộc thi, em học được nhiều thứ, biết thêm nhiều kiến thức từ các bạn thí sinh khác. Em nghĩ mình cần học hỏi, tìm hiểu về 54 dân tộc, từ đó phát huy bản sắc, văn hóa của các dân tộc Việt Nam”.
Chung kết Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam diễn ra ngắn gọn trong hai giờ. Các người đẹp trải qua các phần đồng diễn trang phục dân tộc, trình diễn áo dài (Top 30), áo tắm (Top 15), váy dạ hội (Top 10), thi ứng xử (Top 5). Chương trình ghi điểm ở nhiều màn diễn được dàn dựng đặc sắc, hòa trộn giữa văn hóa hiện đại và truyền thống, như màn múa Bản sắc Việt Nam của Top 30, tiết mục Kẽo ca kẽo kẹt, Kẻ cắp gặp bà già của Hoàng Thùy Linh… Tuy nhiên, các màn trình diễn của thí sinh chưa thực sự nổi bật, phần ứng xử của các thí sinh thiếu thuyết phục. Miss Earth 2020 Lindsey Coffey và Miss Earth 2021 Destiny Wagner chỉ xuất hiện ở phần trao giải á hậu, không giao lưu cùng khán giả.
Đêm thi mang chủ đề Những đóa hoa nắng mai, mục đích quảng bá hình ảnh của 54 dân tộc, giới thiệu con người và văn hóa Việt với bạn bè quốc tế. Ban tổ chức tuyển chọn các cô gái độ tuổi 18-27, chiều cao từ 1,6 m trở lên, chưa lập gia đình, có trình độ tốt nghiệp từ phổ thông trung học trở lên.
Qua sơ khảo và chung khảo Bắc, Nam, ban giám khảo chọn ra top 30, tham gia bốn tập ghi hình thực tế. Theo đó, họ trải qua nhiều hoạt động bên lề, cũng như vượt qua thử thách của ban giám khảo để thể hiện các kỹ năng, kiến thức xã hội… Sau các vòng thi, Hồng Diễm, Vân Đình, Thạch Thu Thảo, Nông Thúy Hằng… là các gương mặt nổi bật trong top 30.
Ban giám khảo cuộc thi gồm đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, nhà thiết kế Sĩ Hoàng, doanh nhân Nguyễn Phi Vân, Miss Earth 2020 Lindsey Coffey và Miss Earth 2021 Destiny Wagner. Hoa hậu H’Hen Niê là giám khảo kiêm đại sứ cuộc thi. Ca sĩ Thu Minh, nghệ sĩ múa Linh Nga, Hoàng Thùy Linh, Noo Phước Thịnh biểu diễn trong đêm chung kết.
Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam tổ chức lần đầu năm 2007 ở Đà Lạt (Lâm Đồng), Nguyễn Thị Hoàng Nhung (dân tộc Tày) là người đầu tiên đăng quang. Cuộc thi tổ chức thêm vào năm 2011 (Triệu Thị Hà – dân tộc Nùng – đăng quang), 2013 (Nguyễn Thị Ngọc Anh – dân tộc Kinh – đăng quang). Từ cuộc thi, nhiều gương mặt được phát hiện như Trương Thị May (á hậu 1 năm 2007), Nguyễn Thị Loan (á hậu 2 năm 2013), Đặng Thị Lệ Hằng (top 10 năm 2013). Cuộc thi gián đoạn 9 năm, cho đến khi diễn viên Trương Ngọc Ánh mua lại bản quyền và tổ chức.
Hà Thu (ảnh: Khang Thái) Xem diễn biến chính
Nguồn: https://vnexpress.net/nong-thuy-hang-la-hoa-hau-cac-dan-toc-viet-nam-2022-4488526-tong-thuat.html