Thống gốm hoa nâu – bảo vật quốc gia – được tìm thấy khi đào giếng, từng là vật dụng trong cung của các thái thượng hoàng thời nhà Trần.
Thống được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2016, hiện trưng bày tại khu vực sưu tập gốm hoa nâu, Triều Trần (1226-1400): Quốc hiệu Đại Việt – Kinh đô Thăng Long ở tầng hai Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Thống có dáng tròn, miệng rộng, vai ngang, thân thuôn, chân đế choãi, đáy lõm – hình khối chắc khỏe mang đặc trưng gốm thời Trần. Miệng thống trang trí cánh sen hai lớp, viền nâu, bề mặt khắc chìm vân sóng nước, chân cánh là vòng tròn nhỏ như chấm cuống rạ. Thân thuôn dần xuống đáy, chia thành tám múi nổi như một bông sen nở tám cánh. Mỗi múi khắc, tô nâu hình bình hoa sen trên nền men trắng ngà, trong đó ba bông hoa nở xòe hết cỡ, được mô tả cách điệu theo chiều cắt dọc, các cặp cánh đối xứng theo nhịp bố cục thưa thoáng, bốn lá sen nhìn nghiêng theo lối tả thực. Xung quanh các múi được viền bằng dải hình cúc xơ đầu.
Theo tài liệu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, thống thuộc loại gốm chất lượng cao, kích thước lớn, xương gốm khá dày, men phủ đều, không bị nứt, sụp khi nung. Điều này thể hiện kinh nghiệm, kỹ thuật chế tác, khả năng làm chủ nguyên liệu và nhiệt độ nung của nghệ nhân đương thời. Lòng thống để mộc, không tráng men, trang trí theo lối khắc vẽ thành đường nền rồi dùng màu nâu lấy từ đất đỏ, tô vẽ thành mảng. Mặt ngoài thống phủ tráng một lớp men vàng ngà.
Trong tác phẩm Thông điệp từ gốm hoa nâu, tiến sĩ Phạm Quốc Quân – Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia – nhận định hoa nâu là dòng gốm riêng biệt, không bị lẫn với bất cứ loại gốm nào trên thế giới. Nó ra đời vào thế kỷ 11-12, biến mất vào thế kỷ 15 và để lại dấu tích cho đến ngày nay.
Gốm xốp dày, xương gốm thô, nặng, được nung từ 1.000 đến 1.300 độ C. Màu nâu được tạo ra theo quy trình: những quặng đá nghiền thành bột men, sau đó pha lẫn một vài phụ gia khác với thành phần chủ yếu là oxit sắt, đá son, khi nung qua lò ở nhiệt độ cao, tạo nên nhiều cấp độ màu như nâu cà phê, hạt dẻ, da lươn. Loại gốm này sử dụng các thủ pháp tạo hoa văn khác nhau thông qua men nâu kết hợp men trắng. Một số sản phẩm kết hợp đắp nổi, tạo điểm xuyết trên vai, nắp hay xung quanh sản phẩm.
Tiến sĩ Phạm Quốc Quân nhận định: “Kích thước lớn, cách tạo dáng và hoa văn trang trí mang đậm yếu tố Phật giáo, đưa chiếc thống trở thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo, kiệt tác trong phức hợp gốm Việt Nam nói chung, gốm hoa nâu nói riêng”.
Tác phẩm ra đời thế kỷ 13-14, được người dân phát hiện khi đào giếng ở độ sâu khoảng một mét cách mặt đất, tại khu di tích lịch sử đền Trần ở thôn Tức Mặc, Nam Định vào giữa năm 1972.
Tức Mặc là mảnh đất dấy nghiệp của vương triều Trần. Năm 1239, nhà vua cho dựng một cung điện ở đây để ở mỗi khi về thăm. Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung đã đưa toàn bộ hoàng tộc về sơ tán. Năm Nhâm Tuất (1262), nhà Trần cho mở rộng quy mô xây dựng thành Hành cung Thiên Trường, với thủ phủ là Tức Mặc. Trong đó, hai cung điện lớn nhất là cung Trùng Quang (nơi thượng hoàng về ngự) và cung Trùng Hoa (nơi các vua Trần về chầu). Căn cứ sử sách và tư liệu khai quật khảo cổ học, khu đền Trần được xây dựng trên nền cũ của hai cung điện quan trọng nhất này.
Theo tài liệu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Phật giáo là đề tài chủ đạo trên gốm hoa nâu thời Lý – Trần. Trong đó, hoa sen và các loại biến thể của sen có tần suất xuất hiện cao, chiếm tỷ lệ lớn nhất.
Thời nhà Trần, phật giáo Việt Nam bắt đầu nở rộ. Theo sách 54 vị hoàng đế Việt Nam, năm 1293, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con trai để lên chùa Yên Tử (núi Yên Tử, Quảng Ninh) đi tu, lấy pháp hiệu là Hương Vân đại đầu đà hoặc Trúc Lâm đại đầu đà. Ông sau đó trở thành thủy tổ của Trúc Lâm Yên Tử, một phái thiền để lại dấu ấn đặc sắc trong lịch sử tư tưởng Việt Nam. Trần Nhân Tông được đánh giá là triết gia lớn của Phật học, giúp triết học Phật giáo Việt Nam phát triển rực rỡ, thể hiện đầy đủ bản lĩnh, trí tuệ người Việt.
Với xuất xứ của chiếc thống tại phủ Thiên Trường, nơi sản xuất gốm quan dụng, các nhà nghiên cứu khẳng định thống là vật dụng trong cung của các thái thượng hoàng vương triều nhà Trần.
Hiểu Nhân
Nguồn: vnexpress.net
Editor: Thao Vy