Thế giới smartphone luôn phát triển nhờ những sáng tạo không ngừng nghỉ cả về thiết kế lẫn tính năng. Tuy vậy, không phải phát kiến mới nào cũng được người dùng đón nhận.
Những hãng smartphone lớn nhỏ như Samsung, Oppo, Xiaomi… mỗi năm luôn trình làng những phát kiến đột phá về thiết kế, mẫu mã lẫn tính năng. Đó là điều bắt buộc đối với các hãng nếu không muốn tụt lại trong cuộc đua về công nghệ vốn đã vô cùng khốc liệt. Tuy nhiên, không phải phát kiến mới nào cũng thành công và được người dùng đón nhận. Trong lịch sử, không thiếu những cải tiến trở thành “thảm họa” và nhanh chóng bị các nhà sản xuất loại bỏ.
Màn hình bao quanh thân máy của Xiaomi
Vào năm 2019, Xiaomi tung ra dòng sản phẩm Mi Mix Alpha với thiết kế mang tính đột phá là màn hình bao quanh thân máy. Hãng từng kỳ vọng đây sẽ là một cuộc cách mạng đối với thiết kế màn hình của smartphone sau này.
Mi Mix Alpha sở hữu màn hình 7,91 inch bao quanh cả hai bên thân máy lẫn mặt sau, với kỳ vọng làm tăng thêm chiều sâu về mặt hiển thị cho người dùng. Sau khi ra mắt, chiếc điện thoại này đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều từ các tín đồ công nghệ. Một số tỏ ra ủng hộ phát kiến mới mẻ này của Xiaomi, số khác lại cho rằng thiết kế này không hề mang lại tính ứng dụng cho thiết bị.
Sau quá trình trải nghiệm, người dùng tỏ ra không hề tỏ ra mặn mà với thiết kế màn hình bao quanh thân máy này của Xiaomi. Hãng chính thức ngừng sản xuất smartphone với thiết kế này không lâu sau đó. Rõ ràng, với kinh phí khủng đã bỏ ra trong khâu nghiên cứu, thiết kế và chế tạo sản phẩm, đây được xem là thất bại nặng về của gã khổng lồ công nghệ Xiaomi.
Thiết kế smartphone dễ tháo rời của Fairphone
Với sự tinh vi, phức tạp trong thiết kế, việc người dùng có thể tự thay đổi, tháo rời các linh kiện smartphone khi hỏng hóc gần như là bất khả thi. Đây thường sẽ là công việc của các hãng điện thoại hay các đơn vị sửa chữa, thay thế linh kiện có chuyên môn.
Nắm bắt yếu tố trên, Fairphone đã tung ra mẫu điện thoại thông minh có thiết kế mô-đun, cho phép người dùng có thể dễ dàng tháo lắp, thay thế linh kiện. Theo lý thuyết, đây được xem là một ý tưởng đột phá, giúp giảm chi phí sửa chữa, thay thế của người dùng smartphone.
Tuy nhiên, thiết kế từ Fairphone lại sản sinh ra rất nhiều các rác thải công nghệ và làm giảm vẻ đẹp tinh tế vốn có của smartphone hiện đại. Chưa kể, giá thành của một chiếc điện thoại thông minh với thiết kế mô-đun là không hề rẻ so với giá trị sử dụng.
Tích hợp camera xoay ấn tượng
Giờ đây, chúng ta đã quá quen với các smartphone sở hữu cụm camera trước và sau, nhằm phục vụ cho nhu cầu chụp ảnh, selfie của người dùng. Tuy nhiên trước đây, nhiều hãng sản xuất điện thoại thông minh như Oppo, Samsung… từng đưa ra những mẫu smartphone tích hợp camera trước và sau bằng động cơ xoay.
Đây là ý tưởng táo bạo và đầy thông minh bởi nó giúp tối ưu hóa màn hình, khiến chất lượng hình ảnh camera trước và sau trở nên đồng đều. Tuy nhiên, nhiều người dùng lo ngại rằng động cơ xoay này có thể bị gãy, hỏng trong quá trình sử dụng. Hơn nữa, động cơ này cũng chiếm khá nhiều diện tích ở kết cấu bên trong thân máy.
Những điều này khiến cho thiết kế camera xoay trên smartphone không thể trở nên phổ biến và nhanh chóng bị loại bỏ. Giờ đây, việc một chiếc smartphone với 2 camera trước và sau đã trở thành một điều gần như bắt buộc.