Trịnh Công Sơn và Dao Ánh luôn diện trang phục sáng màu, thể hiện tình cảm lứa đôi trong sáng trong “Em và Trịnh”.
Tác phẩm của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đang gây chú ý với công chúng sau một tuần công chiếu. Bên cạnh âm nhạc, phục trang là điểm cộng của phim khi tái hiện cách ăn vận của người Việt trong những năm 1960-1990.
Giám đốc sáng tạo Hà Đỗ đảm nhận vai trò thiết kế sản xuất Em và Trịnh, phụ trách sáng tạo nghệ thuật về màu sắc, bố cục khuôn hình và thời trang. Cô cho biết êkíp đã sử dụng khoảng 1.000 bộ trang phục cho tuyến nhân vật chính cùng khoảng 3.000 diễn viên quần chúng.
Thế giới hình ảnh trong phim được xây dựng phần nhiều qua các cuộc trò chuyện của êkíp với Trịnh Vĩnh Trinh – em gái nhạc sĩ – cùng người thân trong gia đình ông. Trịnh Công Sơn luôn ăn vận tươm tất, một Dao Ánh tinh nghịch gắn liền những bảng màu tươi sáng, Khánh Ly phóng khoáng, biến hóa đa dạng, Michiko năng động, đầy sức sống.
Mỗi trang phục trong phim không chỉ mang hơi thở của thời đại mà còn gắn liền với tính cách nhân vật, mang ẩn ý trong từng phân đoạn.
Sinh thời, Trịnh Công Sơn nổi tiếng ăn vận lịch thiệp, trang nhã. Từ đầu tới cuối phim, nhân vật do Avin Lu và Trần Lực thủ vai luôn áo quần phẳng phiu, sơ mi đóng thùng quần vải thụng, thắt lưng chỉnh tề, cặp kính đồi mồi ngay ngắn.
Chàng Trịnh thời trẻ gắn liền với trang phục đơn sắc, gồm áo trắng, quần nâu, giày lười. Mỗi phân cảnh bên Dao Ánh, nhạc sĩ luôn mặc đồ sáng màu đồng điệu với cô, ngụ ý về tình yêu trong sáng, lãng mạn. Khi lên B’Lao dạy học, sống trong căn nhà gỗ, nhân vật được chọn áo nâu, xanh lục, phù hợp với căn nhà và những ngọn đồi xanh của Bảo Lộc. Đến thành phố Đà Lạt, với phân cảnh gặp Khánh Ly (Bùi Lan Hương đóng) ở cà phê Tùng, Trịnh Công Sơn mặc áo len màu cam nhạt cùng tông với màu áo của nữ ca sĩ, ngụ ý giữa họ có sự tương đồng, ăn ý trong âm nhạc.
Các nàng thơ được khắc họa hình ảnh đa dạng, ứng với từng giai đoạn buồn vui trong đời nhạc sĩ. Dao Ánh (Hoàng Hà đóng) là mối tình sâu đậm nhiều day dứt nhất của Trịnh Công Sơn. Trang phục của cô luôn gắn liền với màu sắc tươi sáng, trong trẻo như trắng, hồng, xanh nhạt thể hiện trên váy xếp ly, áo thêu tay pha chút tinh nghịch đúng tính cách ngoài đời.
Khi gặp nhạc sĩ lần đầu, Ánh mới chỉ là cô bé 14 tuổi. Là con của gia đình người Bắc khó tính, cô cũng như chị gái – Diễm “Xưa” – đều để tóc ngang lưng, mặc áo dài truyền thống. Khi Trịnh Công Sơn từ bỏ mối tình với Diễm, Dao Ánh xuất hiện với diện mạo mới thể hiện cho sự trưởng thành: Tóc ngắn ngang vai, sơ mi cộc tay và quần vải đồng điệu với nhạc sĩ. Điều đó cho thấy cô đã sẵn sàng đón nhận tình cảm của chàng nhạc sĩ, báo hiệu một tình yêu đẹp sắp chớm nở.
Trong phim, Dao Ánh luôn cài kẹp tóc hoa hướng dương – loài hoa cô yêu thích. Khán giả tinh ý có thể nhận ra loài hoa này luôn xuất hiện trong phòng hay trên tranh của nhạc sĩ thời trẻ lẫn khi về già. Khi cuộc tình của họ đứng trước nguy cơ tan vỡ, Trịnh Công Sơn thấy ông đang đi giữa một vườn hoa hướng dương, nhưng rồi chúng nhanh chóng héo úa và biến thành những nấm mồ, báo hiệu tình yêu này đã kết thúc và khiến ông ám ảnh suốt cuộc đời. Khi nhạc sĩ cùng Michiko trở lại Đà Lạt, ngang qua một khu rừng, hình ảnh Dao Ánh đứng giữa hàng hoa hướng dương trong nắng lại về trong ông.
Khác Dao Ánh, Khánh Ly phóng khoáng, bất cần và bản năng vì trải đời từ sớm. Ban đầu, là ca sĩ quán bar, cô hào nhoáng cùng váy ngắn đính gương lấp lánh, bốt cao phong cách disco, phù hợp với ca khúc sôi động. Sau khi gặp Trịnh, để phù hợp với ca khúc của ông, Khánh Ly mặc nền nã hơn, chuyển sang phong cách mang hơi hướng bohemian, phối sơ mi, quần jeans ống loe, váy ngắn kiểu thập niên 1960 tông nâu, vàng, cam. Hát tại Quán Văn ở Sài Gòn, cô mặc áo dài, kẻ mắt đậm, tóc bob bới phồng.
Tương tự, sự biến chuyển trong trang phục của Michiko (Nakatani Akari đóng) ứng với từng diễn biến tâm lý. Là cô gái trẻ trung năng động, mang làn gió mới đến cuộc đời nghệ sĩ, cô gây ấn tượng ban đầu với quần áo sporty, quần jeans, áo kẻ sọc – thể hiện sự khô cứng. Khi yêu Trịnh Công Sơn, Michiko đổi sang mặc váy, thể hiện vẻ nữ tính, mềm mại. Ngày về Nhật, cô trở lại với hình ảnh ban đầu trong bộ đồ phom cứng cáp màu xám, đội mũ đỏ – gợi nhớ tới chiếc áo len đỏ trong ngày đầu tới Việt Nam. Trang phục ngụ ý Michiko đã từ bỏ mối tình với nhạc sĩ, trở lại cuộc sống trước kia.
Để tái hiện thế giới thời trang phong phú trên phim, Hà Đỗ và các cộng sự đã dành nhiều tháng nghiên cứu, tìm hiểu về đời tư của Trịnh Công Sơn qua các tư liệu như bản ghi chép, ảnh, video… Họ lăn lộn ở các chợ đồ cũ trong và ngoài nước để tìm kiếm trang phục vintage ứng với bối cảnh thập niên 1960 và 1990.
Êkíp cũng thường xuyên trao đổi với gia đình nhạc sĩ nhằm tạo ra những thiết kế sát đời thực nhất. Khi may áo bà ba cho nhân vật mẹ Trịnh Công Sơn, Hà Đỗ bàn bạc với nhà thiết kế Trịnh Hoàng Diệu – em gái Trịnh Công Sơn, tìm hiểu về kiểu áo của bà thường mặc như dáng cúc áo, màu sắc, chất liệu. Theo Hà Đỗ, chỉ cần một chi tiết nhỏ sai lệch sẽ khiến bộ phim không thật, khán giả không còn tin vào câu chuyện đạo diễn muốn kể.
Toàn bộ áo dài trong phim do nhà thiết kế Liên Hương và Thủy Nguyễn thực hiện, mang phom áo truyền thống của những năm 1960 với tà ngắn, chiết eo sâu. Nhiều trang phục phải nhuộm xuống màu để phù hợp với ánh sáng, nước phim. Với những cảnh mưa, êkíp sản xuất nhiều bộ đồ giống nhau để diễn viên thay khi đóng lại nhiều lần. Cuối ngày quay, trang phục đều được giặt, sấy khô và sửa cấp tốc, chuẩn bị cho cảnh quay tiếp theo.
Ý Ly
Nguồn: vnexpress.net
Editor: Thao Vy