Trong vở “Ông lão đánh cá và con Cá Mập” (Đinh Tiến Dũng viết kịch bản), cá vàng không có phép thuật còn bà lão thực dụng, ham tiền.
Tác phẩm mượn ý tưởng từ truyện dân gian Nga, công diễn ngày 1 và 2/6 ở Nhà hát Âu Cơ (Hà Nội). Biên kịch lấy bối cảnh thời điểm sau khi vợ chồng ông lão đã gặp cá vàng, được ban cho điều ước. Họ trải qua cuộc sống sung sướng rồi lại trở về cảnh nghèo khổ, tiếp tục mưu sinh bằng nghề đánh cá.
Dưới đại dương, Cá Mập Con thần tượng Cá Vàng, mơ ước có phép thuật để giúp đỡ mọi người. Do có bố là nhân vật máu mặt, các sinh vật khác đều giả vờ chịu ảnh hưởng từ phép thuật của cậu, khiến Cá Mập Con ảo tưởng mình có khả năng đặc biệt.
Cậu tự lên bờ, mắc vào lưới của vợ chồng ông lão, nói muốn ban điều ước cho họ. Vốn dĩ không có phép thuật, Cá Mập không thể thỏa mãn điều ước nào của ông bà lão. Trong lúc túng quẫn, bà lão định làm thịt cậu.
Cá Mập Bố tìm đến Cá Vàng, mong cá dùng siêu năng lực giúp tìm con. Cá Vàng thừa nhận không có phép màu, chỉ biết dùng thuật thôi miên để đánh lừa ông bà lão. Khi gặp lại con, Cá Mập Bố cùng cậu chia sẻ về ý nghĩa của ước mơ, việc được là chính mình. Đan xen câu chuyện chính, tác giả còn gửi thông điệp bảo vệ môi trường, sinh vật biển.
Nhạc kịch cài cắm nhiều chi tiết châm biếm về thế giới đại dương cũng như cuộc sống của ông bà lão. Cá Vàng là thần tượng của muôn loài nhưng không nhớ được gì lâu. Chứng hay quên của nó gây ra nhiều tình huống dở khóc dở cười. Trên bờ, ông bà lão đánh cá hay chành chọe vì cuộc sống nghèo khổ. Trong vở diễn, bà lão thực dụng, tham lam. Khi Cá Mập Con nói sẽ ban điều ước, bà ta ước đủ thứ như trẻ đẹp, sống lâu, cuối cùng ước trở thành chúa tể muôn loài, nắm trong tay quyền sinh tử. Trong khi đó, ông lão giữ đức tính giản dị, chân chất, chỉ mơ có máng lợn, chảo, nồi xoong mới.
Trong một tiếng, dàn diễn viên lôi kéo sự chú ý của 800 khán giả nhí qua nhiều phần hỏi đáp, tương tác, được các bạn nhỏ hưởng ứng nhiệt tình. Êkíp lồng ghép nhiều câu thoại hài hước liên quan các trào lưu trên mạng xã hội, khiến người xem thích thú. Các em thiếu nhi chủ yếu thuộc lứa tuổi tiểu học, liên tục vỗ tay, reo hò ủng hộ nghệ sĩ. Quang Vinh (sáu tuổi) cười to khi các nghệ sĩ nhắc ca khúc nổi tiếng Baby Shark hoặc đùa cợt về hội chứng “não cá vàng”.
Vở nhạc kịch ghi điểm qua việc dàn dựng bối cảnh đại dương lẫn trên bờ đẹp mắt. Êkíp sử dụng nhiều đạo cụ cùng sự hỗ trợ của màn hình LED, ánh sáng, máy thổi bong bóng để tạo hiệu ứng thị giác. Nhân vật chủ yếu bộc bạch nội tâm qua các bài hát cảm xúc, được phối theo nhiều thể loại – pop, rock, jazz. Trong đó, ca sĩ Đông Hùng (vai Cá Mập Bố) thể hiện cảm xúc lắng đọng với ca khúc nói về nỗi niềm người cha. Hơn 50 diễn viên nhí trong vai các sinh vật đại dương có nhiều màn hát, múa vui nhộn.
Nghệ sĩ Trần Ly Ly – Quyền Cục trưởng Nghệ thuật Biểu diễn – đánh giá vở nhạc kịch có ý tưởng độc đáo, mới mẻ, dễ chinh phục các khán giả nhí nhờ âm nhạc vui nhộn, cốt truyện dễ hiểu. Thông điệp về tình người, lòng nhân ái, nỗ lực theo đuổi ước mơ được truyền tải nhẹ nhàng, không giáo điều. Sau hai buổi công diễn, êkíp dự định diễn thêm 10 buổi trong dịp hè để phục vụ các em thiếu nhi.
Hà Thu
Nguồn: https://vnexpress.net/nhac-kich-bien-tau-truyen-ong-lao-danh-ca-va-con-ca-vang-4471579.html